Không có đủ điều kiện thuê người giúp việc hoặc không thể nhờ vả hai bên nội, ngoại, nhiều bà mẹ trẻ trải qua thời gian dài loay hoay tìm chỗ gửi con với hy vọng chọn được nơi tốt nhất cho con phát triển cả thể chất lẫn tinh thần….
Hiện Trường mầm non tư thục Bé Thông Minh có một lớp nhà trẻ dành cho bé 3 - 12 tháng. (Ảnh do Trường mầm non tư thục Bé Thông Minh cung cấp) |
Mới 4 tháng tuổi, bé Dâu Tây (tên thật là Lương Ngọc Hân) ở tổ 90, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà mỗi sáng phải dậy thật sớm theo mẹ đi nhà trẻ tư nhân vì mẹ sắp hết thời gian thai sản, hai bên nội ngoại đều ở xa, không cậy nhờ được ai trông giúp.
Dâu Tây là một cô bé ngoan. Trong suốt thời gian được mẹ chăm sóc, cô bé ngủ đủ giấc, lanh lợi, lên ký đều và mọc được 2 chiếc răng sữa xinh xắn. Chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ bé cho hay, trước khi mang con đi gửi, chị đã dành cả tháng để dò hỏi kinh nghiệm gửi trẻ từ bạn bè với hy vọng tìm được một nơi gửi tốt.
Chị cũng từng lo lắng rất nhiều trước những “cảnh báo” từ bạn bè khi mang gửi Dâu Tây quá sớm, như bé sẽ dễ đau ốm, sụt cân, phá vỡ “đồng hồ sinh học” cũng như sức đề kháng ban đầu, thậm chí chị còn lo lắng bé sẽ chậm phát triển những kỹ năng cần thiết nếu thiếu người trò chuyện thường xuyên…
“Tôi hiểu ở độ tuổi 4 tháng, bé phát triển rất nhanh, đã biết sử dụng đôi bàn tay để cầm nắm một số thứ trong tầm với của mình, biết hóng hớt khi người lớn trò chuyện. Do đó, nếu được mẹ theo sát, chắc chắn sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé khi giữ được sức khỏe ổn định, được cưng nựng và trò chuyện thường xuyên. Dù biết không thể cầu toàn nhưng thông tin các vụ bạo hành trẻ ở các nhóm trẻ gia đình thời gian qua cũng khiến tôi có chút lo lắng”, chị Hằng chia sẻ.
Thời gian đầu, chị Hằng gửi con tại một nhóm trẻ gia đình nằm trên đường Khúc Hạo (quận Sơn Trà) vì đáp ứng tiêu chí sạch sẽ, gần nhà, dễ dàng chạy qua chạy lại cho bú và “để mắt” đến con. Tuy nhiên, trong một lần đến thăm con, chị thấy chủ cơ sở để máy quạt gần mặt Dâu Tây khi con đang ngủ khiến con bé thở khó nhọc nên trong lúc gửi Dâu Tây chỗ này, chị vẫn dò la, tìm kiếm chỗ gửi mới.
Chị chia sẻ: “Cuối cùng tôi quyết định gửi con bé tại Trường mầm non tư thục (MNTT) Bé Thông Minh nằm trên đường Yên Bái, quận Hải Châu. Hơi xa một chút nhưng các cô hiền lành, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, trường cũng chưa xảy ra điều tiếng gì làm mình lo lắng”. Sau một tháng gửi con ở địa điểm mới, thấy bé ngoan, ăn sữa đều, không sụt cân đã giúp chị yên tâm hơn.
Chị Nguyễn Thị Nga, ở khu chung cư 11 tầng, khu dân cư Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ chọn cách gửi con cho một người phụ nữ trung niên sống độc thân ở cùng tòa nhà. Chị Nga cho biết, khi gửi bé ở đây, chị hoặc người nhà có thể đến thăm hay đón bé bất cứ giờ nào trong ngày, nhiều hôm cả hai vợ chồng bận việc thì vẫn có thể nhờ bà hàng xóm trông giúp đến tối muộn.
Cách đây 5 năm, Trường MNTT Bé Thông Minh – nơi chị Hằng đang gửi Dâu Tây, là ngôi trường duy nhất trên địa bàn thành phố nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Để nhận được trẻ ở độ tuổi này, trường đã chuẩn bị phòng ốc thông thoáng, có khu vực chơi, khu vực ngủ, có nơi cho mẹ đến cho con bú, có tủ lưu trữ sữa mẹ… Ngoài ra, bộ phận y tế của trường thường xuyên kiểm tra những biểu hiện hằng ngày của trẻ như mọc răng, đi phân khô hay lỏng…
Cô giáo Đỗ Thị Kiều Hạnh, Hiệu trưởng Trường MNTT Bé Thông Minh cho hay, dù nhu cầu từ phụ huynh rất cao nhưng do thiếu phòng học nên hiện Bé Thông Minh chỉ có duy nhất một lớp chăm sóc 9 đứa trẻ ở độ tuổi từ 3-12 tháng.
Cô Kiều Hạnh khẳng định: “Nhu cầu gửi con ở độ tuổi này rất cao, có mẹ phải nộp hồ sơ khá lâu mới được gọi đi học. Giai đoạn cao điểm nhất, nhà trường phải tăng cường 4 cô giáo để giữ 15 cháu ở độ tuổi này. Dù vậy, do quy mô nhỏ nên nhà trường không thể nhận thêm vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc”.
Cũng theo cô giáo Kiều Hạnh, điều đặc biệt ở độ tuổi này là các bé còn bú mẹ nên nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện để mẹ đến cho con bú. Ngoài ra, các mẹ có thể tự vắt sữa và gửi ở tủ lạnh của trường, đến giờ các cô sẽ hâm lại cho cháu bú. Về ăn uống, các cháu từ 6 tháng tuổi mới bắt đầu làm quen với chế độ ăn dặm, ăn cháo từ loãng đến đặc, do đó nhà bếp phải chế biến 2, 3 chế độ ăn như cháo xay, cháo lợn cợn, cháo nguyên hạt và không nêm nếm gia vị để bảo đảm sự phát triển cần thiết cho trẻ.
Khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho thấy, năm học 2017-2018, trên địa bàn thành phố tăng 131 nhóm trẻ độc lập tư thục so với năm học trước, điều đó chứng tỏ nhu cầu của các gia đình rất lớn trong việc gửi con nhỏ. Có “cung” ắt có “cầu”, điều còn lại là việc tổ chức và giám sát như thế nào để các bà mẹ an tâm khi gửi con.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, hằng năm, sở phối hợp với các ngành liên quan lập đoàn kiểm tra hoạt động các trường mầm non cũng như các nhóm lớp tư thục. Tuy nhiên, hoạt động trông giữ trẻ diễn ra hằng ngày, hằng giờ nên rất khó kiểm soát hết mọi hành vi vi phạm nếu có xảy ra.
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, bên cạnh công tác giám sát của ngành giáo dục, các địa phương cũng cần nâng cao vai trò quản lý, kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, theo sát chất lượng bữa ăn cho trẻ nhằm đảm bảo mỗi đứa trẻ đều được yêu thương và phát triển tốt về tinh thần, thể chất, không để tồn tại các cơ sở giữ trẻ vượt quá số lượng cho phép và không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động.
TIỂU YẾN