Đều đặn mỗi tuần 3 buổi tối, các sinh viên thuộc Đội công tác xã hội (CTXH) Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng lại đến với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Bên trang sách mở, những người “thầy” sinh viên đọc bài trên sách giáo khoa giúp những cô cậu học trò khiếm thị chuyển tải thành chữ nổi để hoàn thành bài học của mình. Suốt 5 năm qua, lớp học vẫn đều đặn diễn ra như vậy trong ấm áp sẻ chia…
Sinh viên Đội CTXH Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng hướng dẫn các em khiếm thị học bài tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. |
Tròn hai năm đứng lớp ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Đoàn Thị Thanh Thảo dường như vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nói về những mảnh đời kém may ở trung tâm và những buổi tối cặm cụi bên bàn học để chia sẻ với các em về kiến thức, tâm tư cuộc sống. Thảo bảo, em đến với các bạn ở trung tâm không phải trong tâm thế một người đi dạy mà xuất phát từ tình cảm là chính.
Thảo vẫn nhớ như in buổi đầu tiên khi cô sinh viên năm nhất được phân công hỗ trợ kiến thức khối A cho một bạn khiếm thị tên Trần Văn Hoàng. “Lúc đó em cứ đinh ninh mình vừa vào đại học nên lớn hơn Hoàng đang học lớp 12. Không ngờ sau câu chuyện mới biết anh ấy hơn em đến nửa giáp.
Sau này cùng anh mày mò học, làm bài tập em mới nhận ra, anh mất 6 năm để làm quen với chữ nổi và vượt qua bao nhiêu khó khăn của một người không nhìn thấy gì để đuổi kịp một lượng kiến thức khổng lồ là một điều đáng khâm phục”.
Hỗ trợ Hoàng ở cả 3 môn Toán, Lý, Hóa nhưng điểm mạnh của Thảo chính là môn Lý. “Môn này khó nhất là chương về sóng. Thông thường muốn ghi nhớ, ít nhất cũng phải có bút hoặc phấn để vẽ ra rồi từ đó mới hình dung các bước giải, nhưng anh Hoàng không nhìn thấy gì, nghĩa là cả phấn và bút đều không có ý nghĩa mấy.
Em phải dùng chính đôi bàn tay của anh để làm vòng tròn lượng giác và giảng cho anh hiểu. Cứ nghĩ cả hai đều khó tìm được kết quả như ý muốn nhưng không ngờ anh tiếp thu rất nhanh và ghi nhớ rất tốt”, Thảo nhớ lại.
Đoàn Nghĩa Mạnh, SV năm 3, khoa Điện tử viễn thông cho biết cũng tham gia đứng lớp ở trung tâm từ khi bước vào học kì 2 năm thứ nhất. Qua 5 học kỳ gắn bó với nhiều bạn nhỏ khiếm thị, Mạnh càng yêu hơn công việc của mình.
Mạnh cho biết: “Năm đầu tiên em hỗ trợ một bạn học lớp 12. Các năm sau đó em hỗ trợ các bạn ở các lớp nhỏ hơn. Dù việc truyền tải kiến thức khá khó khăn vì em đọc chữ in trên sách giáo khoa còn các bạn khiếm thị chuyển tải bằng chữ nổi nhưng các bạn ấy rất chăm chỉ.
Tuần nào em cũng dành ít nhất 1 buổi để đến trung tâm giúp các em học tập, đôi khi là trò chuyện cũng như giúp các em nhỏ giải bày tâm sự, tổ chức cho các em vui chơi hay giúp các em dọn dẹp vệ sinh sân trường… Qua những việc làm đó em thấy rất vui, dù việc học trên giảng đường cần rất nhiều thời gian nhưng em vẫn cố gắng để đến với các em thường xuyên”.
Lớp học dành cho trẻ khiếm thị ở Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập do đội Công tác xã hội Trường ĐH Bách khoa tổ chức từ tháng 9-2013. Suốt 5 năm qua, lớp vẫn đều đặn duy trì. Bạn Phạm Trần Nhật Tiến, Đội trưởng Đội CTXH trường cho biết, mỗi tuần các bạn tổ chức dạy học cho các em ở trung tâm 3 buổi, bắt đầu từ 7 giờ đến 9 giờ 30 tối. Mỗi buổi tối có 15 sinh viên tham gia giảng dạy, thực hiện dạy theo hình thức một bạn kèm một học sinh.
“Các thành viên của Đội CTXH đến với các bạn ở trung tâm đều xuất phát từ tấm lòng sẻ chia. Ngoài giờ học, chúng em còn tổ chức các hoạt động giúp các em vui chơi. Đôi khi, sau giờ học, anh em ngồi tâm sự với nhau, chia sẻ với nhau về những khó khăn trong cuộc sống. Bản thân em và các bạn sinh viên đến với trung tâm đều thấy rất vui, nhất là những khi các em nhỏ gọi tụi em bằng “thầy”, dù tụi em không phải là giáo viên nhưng cũng cảm thấy rất hạnh phúc”, Tiến bộc bạch.
Thời điểm “căng” nhất của những người “thầy” sinh viên với lớp học là khi cả hai đều bắt đầu cuộc đua nước rút chuẩn bị cho thi học kỳ. Nhưng không có buổi học nào bị gián đoạn. Quân số 15 sinh viên đến trung tâm vẫn được Đội CTXH duy trì đều đặn.
“Mùa ôn thi, nhiều lúc bọn em cùng các em ôn thi tới khuya. Mệt nhưng ai cũng thấy vui vì cùng nhau giải được những bài tập khó. Ở đó, bọn em không chỉ cùng nhau học mà còn cùng nhau chia sẻ nhiều thứ khác, đôi khi sau những cuộc trò chuyện, các em có thêm động lực học tập vươn lên còn bản thân các bạn sinh viên tìm thấy niềm vui”.
Tiến bảo, 5 năm gắn bó với trung tâm, hạnh phúc lớn nhất của những SV đến từ Đội CTXH là mỗi năm, từ mái trường này có những bạn khiếm thị đỗ đại học, đạt thành tích học giỏi. “Đội CTXH sẽ cố gắng duy trì lâu dài lớp học này, để ngày có càng nhiều hơn những số phận kém may được sẻ chia, giúp đỡ”, Tiến nói.
Đội CTXH Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng thành lập đến nay đã 15 năm, hiện có khoảng 200 thành viên. Hằng năm, các bạn có nhiều hoạt động tình nguyện như Xuân tình nguyện, Hè yêu thương, Ngày hạnh phúc, Trung thu cho em… đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn như trao tặng quà Tết, thực phẩm, sửa chữa trường lớp, chỉnh trang đường nông thôn và tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em khó khăn. Chương trình dạy học ở Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và hòa nhập Đà Nẵng là một trong những hoạt động chính của đội. |
NGỌC UYÊN