Không biết những đôi guốc mộc có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi bắt đầu nhận ra những thứ chung quanh mình, thì trí óc non nớt của một đứa bé lên ba là tôi thuở còn thơ bé đã quen với tiếng lộc cộc của những đôi guốc mộc mà người lớn đi trong nhà. Hồi đó dép nhựa chưa phổ biến, và giá một đôi dép nhựa lúc ấy chắc là cũng ngang với một đôi giày da bây giờ nên việc chọn guốc mộc để bảo vệ đôi chân là chuyện đương nhiên. Giá một đôi guốc mộc chỉ ngang một bát mì Quảng hay nhiều hơn một chút. Bởi lẽ guốc mộc đơn giản chỉ làm bằng thân gỗ sầu đâu, một loại cây thân mộc được bà con trồng nhiều để bán cho thợ làm guốc, lá làm phân xanh và cành làm củi đun bếp.
Thiếu nữ duyên dáng với guốc mộc. Ảnh: Internet |
Một miếng gỗ sầu đâu dài vuông vắn chừng 30 phân chỉ sau vài phút gọt đẽo dưới bàn tay thành thạo của bác thợ đã thành hình hai chiếc guốc. Đóng thêm đôi quai và đế bằng một miếng cao su là có thể đi cả năm mà không sợ hư. Guốc cho đàn ông thường đơn giản hơn, chỉ cần khoét dưới thân guốc hai khứa hình răng cưa và đôi quai bằng cao su dày là được. Mỗi lần ba tôi mặc áo dài đen, đội khăn đóng đến dự các đám hiếu, hỉ trong làng đều đi đôi guốc này. Riêng guốc cho các bà, các chị thì đòi hỏi phải chăm chuốt hơn. Thân guốc mảnh, bào láng mịn và thường đính quai guốc bằng nhựa trong. Đó là guốc đi hằng ngày. Riêng dịp Tết, những đôi guốc mộc ấy được sơn phết và trang trí rất đẹp. Guốc cho các ông sơn 2 màu đen và đỏ theo hình lát chả. Còn guốc cho các bà, các cô thì sơn nhiều màu và vẽ thêm hoa lá dọc theo thân guốc.
Hàng guốc mộc thường ở đầu làng, núp dưới một túp lều đơn sơ lợp bằng tranh. Chốn quen mà những ngày trời mưa, tôi hay tha thẩn ngồi chơi nghe ông hàng guốc vừa làm vừa kể chuyện đời xưa. Trong hàng chất đầy những khúc gỗ sầu đâu đã ngâm lâu dưới nước thoảng mùi ngai ngái như mùi rạ ngâm trong ruộng sau những trận lụt dài ngày. Ông thợ đẽo guốc cũng đồng thời là chủ hàng, rất mau mắn, xởi lởi, quen biết hết thảy người trong làng bởi cả làng đều là khách hàng của ông. Có người lâu lắm không mua guốc của ông. Thảng hoặc, họ chỉ ghé qua nhờ đóng lại đôi quai đã sứt đinh hay thay cái đế mòn vẹt, không bao nhiêu tiền nhưng ông chủ hàng vẫn không nề hà. Và tôi, cũng lớn dần lên theo từng đôi guốc mộc rồi guốc sơn màu vẽ hoa mẹ mua cho những dịp Tết.
Những năm đó, các cô gái ở Hội An đi học phần lớn đều mang guốc. Những chiều tan trường, từ cổng trường Nữ Trung học ở phía dưới chợ Hội An ngay bờ sông Bạch Đằng, những đôi guốc theo chân những tà áo dài trắng thướt tha tỏa về các ngã phố như những đàn bướm trắng. Tiếng guốc khua rộn rã nghe reo vui. Tôi ngồi phụ bán hàng với má, nhìn theo các chị mặc áo dài trắng, đi guốc mộc mà cứ ngỡ đó là những cô tiên giáng trần trong chuyện cổ tích mà ông hàng guốc vẫn kể cho tôi nghe những chiều mưa ngày mới lên năm.
Tôi lên trung học. Thời đó kinh tế khó khăn nên nhà trường không bắt buộc nữ sinh phải mặc áo dài. Một thiệt thòi cho lứa học sinh nữ chúng tôi lúc bấy giờ. Song những đôi guốc trắng với đôi quai bằng nhựa mềm trong veo treo lủng lẳng ở hàng guốc ngay đầu cầu An Hội luôn có hấp lực với lũ con gái chúng tôi. Nói hấp lực bởi guốc mộc rẻ, chỉ chừng mấy hào là có đôi guốc mới để diện. Và bọn con trai mới lớn rất thích con gái đi guốc và thả tóc ngang vai. Cứ chiều chiều tan học về, từ cổng trường Trần Quý Cáp về đến cầu An Hội, đám con gái chúng tôi gõ guốc rộn cả mặt đường. Đi guốc phải đi chậm rãi, từ tốn thì guốc mới bền. Đằng này tôi thì đi nhanh, chân lại to nên rất... tốn guốc. Mấy đứa bạn một đôi guốc chỉ thay quai chừng hai lần là nhiều. Tôi thì phải tốn ít nhất bốn đôi quai.
Đôi guốc theo tôi suốt những năm học cấp hai rồi hết phổ thông trung học. Cuộc sống ngày càng thay đổi. Dép nhựa dần thay cho guốc mộc. Và bây giờ là các loại giày dép da. Đôi guốc mộc vốn quen thuộc với tuổi thơ tôi đã không còn hiện diện trong nhà. Thỉnh thoảng về thăm phố, tôi lại đi trên con đường cũ từ nhà đến trường ngày nào. Cũng những ngôi nhà ngói cổ rêu phong trầm mặc, cũng những con phố nhỏ hẹp ấy nhưng cảm giác thiếu thiếu, trống vắng như mình nhớ một thứ gì đó nhưng không rõ đó là cái gì. Hóa ra là nhớ tiếng guốc gỗ gõ trên mặt đường mỗi ngày tới trường. Ký ức lâu lâu trỗi dậy lại làm ta bâng khuâng quá. Biết tìm đâu ra một đôi guốc mộc bây giờ!?
Kim Em