Người di cư bị lãng quên ở Đông Nam Á

.

Đề tài nóng hổi về thương mại, đầu tư đang được lãnh đạo các nước bàn sâu và kỹ ở hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á diễn ra tại Singapore. Bên ngoài, các thành phần khác như chuyên gia, người am hiểu về kinh tế cũng nhận định về viễn cảnh kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Vậy mà tất thảy gần như lãng quên một dòng chảy rất lớn, đó chính là người di cư. 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Dân số Đông Nam Á tầm 640 triệu người thì có khoảng 6,5 triệu người di cư, tức chiếm hơn 1% dân số khu vực. Người di cư chủ yếu ở các nước Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines và các nước nhận người di cư là Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Những người phải rời bỏ quê hương với hy vọng có cuộc sống tốt hơn, có tự do về chính trị, tôn giáo nhưng chủ yếu là di cư kinh tế tìm kiếm việc làm. Dòng chảy di cư mạnh hơn trong những năm gần đây khi mà các quốc gia thành viên cố gắng giảm rào cản nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực nhanh hơn, tốt hơn.

Các nước dự kiến sẽ giảm thị thực lao động, mở cửa rộng hơn đón những lao động có tay nghề cao như kỹ sư hay y tá.

Thực trạng hiện tại là người di cư kinh tế không có giấy tờ ở Đông Nam Á phải trải qua nhiều ngược đãi như phải trả phí cao cho người dẫn đường bất hợp pháp, gian lận của cơ quan tuyển dụng, không được trả lương hay lương thấp, giờ làm việc kéo dài, tiêu chuẩn an toàn nơi làm việc thấp. Thậm chí, họ còn bị bạo hành thể xác, giam giữ bất hợp pháp, buôn người và lạm dụng tình dục. Phụ nữ di cư từ Campuchia, Myanmar và Philippines thậm chí còn bị đối xử như nô lệ thời hiện đại.

Các nước Đông Nam Á dường như thiếu hành lang pháp lý bảo vệ người di cư, không đủ cán bộ quản lý và cảnh sát để ngăn chặn tiêu cực. Các nước tiếp nhận lượng người di cư lớn lo lắng đây là mối đe dọa an ninh và tội phạm ma túy, buôn lậu vũ khí…

Ngay cả những người di cư có tay nghề cao cũng bị cho là nguy hiểm, chẳng hạn như sinh viên Campuchia hay Myanmar thường tỏ ra thù địch với các chuyên gia tới từ các nước trong khu vực vì lo sợ mất công ăn việc làm của người dân bản xứ.

Dòng người di cư kinh tế mang lại lợi ích cho cả người di cư và nước sở tại, tăng trưởng kinh tế, thương mại và đổi mới.

Các nước Đông Nam Á có thể hành động khác nhau về mặt kỹ thuật như hợp đồng lao động, ra quy định về số lượng công nhân nhập cư nhưng cần có thỏa thuận toàn khu vực về khía cạnh nhân đạo trong lao động như an toàn lao động, trả lương, chăm sóc sức khỏe…

Đông Nam Á còn rất xa trong việc phát triển cộng đồng lớn tự do như EU nhưng cần mở rộng cho nhiều đối tượng.

Chẳng hạn như đang bàn thảo đón người có tay nghề cao và siết người lao động chân tay đang khiến nhiều người dân rất quan tâm bởi nguy cơ họ không thể đi tìm môi trường làm việc mới thuận lợi hơn. Thay vì siết chặt tới mức hạn chế thì luật chung Đông Nam Á cần mở cửa cho những người lao động phổ thông di cư có thời hạn nhất định để tạo sự hài hòa trong dòng chảy di cư kinh tế.

ANH THƯ (Lược dịch từ Nikkei Asian Review)

;
.
.
.
.
.
.