Ấn tượng Con Cuông

.

Huyện Con Cuông thuộc miền tây xứ Nghệ. Dân gian có cách giải thích về tên gọi Con Cuông khá thú vị. Xưa kia, khúc sông Cả (sông Lam) chảy qua nơi này dần tụ thành một khu đất. Chiều chiều, đàn Công ở các làng bản thường tụ tập về đây nhảy múa. Vì vậy người dân gọi vùng đất này là Con Công, lâu ngày tên bị biến âm thành Con Cuông.

Tác giả trên chiếc thuyền ngược dòng sông Giăng. Ảnh: N.N.P
Tác giả trên chiếc thuyền ngược dòng sông Giăng. Ảnh: N.N.P

Theo Đại Việt ký sử toàn thư của Ngô Sỹ Liên: Thế kỷ XIII, Con Cuông có tên Nam Nhung, Kiểm Châu sau đó đổi tên là Mật Châu. Năm 1406, nhà Minh xâm chiếm và đổi nước ta thành quận Giao Chỉ và cũng đổi Mật Châu thành Trà Long rồi Trà Thanh, nhà Lê gọi là phủ Trà Lân. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đã nhắc đến địa danh này: Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay. 

Từ trung tâm thị trấn Con Cuông, qua các bản làng người Thái chúng tôi tiến sâu vào vùng lõi của vườn quốc gia Pù Mát. Vườn quốc gia này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007. Đỉnh Pù Mát cao 1.840m quanh năm mây phủ với hơn 2.400 loài  thực vật, trong đó có 37 loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam và 20 loài trong sách đỏ thế giới. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú với hơn 2.400 loài thú quý hiếm như voi, hổ, đặc biệt là sao la hay còn gọi là: Kỳ lân Châu Á.

Từ thị trấn Con Cuông vào khoảng 20km, chúng tôi tới đập Phà Lài,  ở đây có bến thuyền sông Giăng. Sông Giăng là chi lưu của sông Lam, trải dài hơn 100km bao quanh vườn quốc gia Pù Mát. Bác lái thuyền nhắc chúng tôi mặc áo phao bởi lẽ dòng sông tuy hiền hòa nhưng cũng khá dữ dội; có nơi rộng tới 400-500m, nước sâu tới 15m, chảy xiết không kém cửa biển sông Lam nhưng càng lên thượng nguồn lòng sông càng hẹp có những chỗ hẹp chỉ ngang một con suối nhỏ. 

Đi dọc bờ sông, hai bên bờ là những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa  những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản. Ở đây có bản dân tộc ít người Đan Lai có tục “ngủ ngồi”, sống hoàn toàn biệt lập với cộng đồng.

Về Con Cuông, ấn tượng nhất với tôi là thác Khe Kèm. Từ trung tâm huyện lỵ Con Cuông đi theo hướng tây nam chừng 20km là tới chân thác. Người Thái quen gọi thác nước này là Tát Lông Bông hoặc thác Bồ Bồ (nghĩa là dải lụa trắng). Từ độ cao hơn 500m, nước từ trên cao đổ xuống qua ba thang bậc nước, bọt nước bay lên táp vào da thịt mát lạnh. Nhìn từ xa, thác Khe Kèm như dải lụa trắng trên nền xanh thẳm của vườn quốc gia Pù Mát.

Phía trên và hai bên thác là cả thảm thực vật với hàng trăm loài hoa quanh năm khoe sắc. Dưới chân thác là khe nước trong vắt với những phiến đá phẳng lì như những chiếc bàn lớn làm chỗ ghé chân cho du khách. Người dân nói rằng, vào những ngày hè nóng nực, nhiệt độ bên ngoài  khu rừng nóng có khi lên đến 400C thì chân thác cũng chỉ 200C. Con thác này thành nơi nghỉ chân của những tốp thợ sơn tràng trong những buổi lên núi mệt nhọc. Họ lấy thác Khe Kèm làm điểm mốc để định hướng trong rừng. Nếu bị lạc, chỉ cần theo tiếng thác chảy mà về.

Tôi đã từng đến thác Bản Giốc (Cao Bằng), thác Cam Ly (Đà Lạt) thì nay đến thác Khe Kèm được thấy vẻ đẹp tổng hợp giữa hai con thác kia. Đi trên chiếc cầu gỗ bắc ngang suối là nghe tưng bừng tiếng thác. Thác có rừng nguyên sinh như tấm áo chở che. Tôi hỏi bạn tôi: Du khách đến đây sau khi chụp ảnh, vui chơi ở thác Khe Kèm họ còn đi đâu? Bạn tôi cười: có những “phượt thủ” theo đường mòn lên đỉnh thác để tận hưởng không khí mát mẻ và môi trường trong lành thiên nhiên. Ở đây mỗi mùa có riêng những loại hoa tạo cho du khách có cảm giác như lạc vào vườn hoa đại ngàn. Vượt lên trên nữa họ sẽ đến những bản làng dân tộc Thái, được uống rượu cần, được nhảy xòe. 

Buổi chiều, chúng tôi về bản Nưa (xã Yên Khê). Đây là bản làm du lịch cộng đồng được nhiều du khách yêu thích. Các món ẩm thực qua bàn tay tài hoa của các chị dân tộc Thái như đậm vị hơn; bộ váy áo truyền thống đến mái tóc tằng cầu riêng biệt. Những món ăn của người Thái Con Cuông như cá mát nướng giòn nguyên con, nguyên vị ngăm ngăm đắng đắng và dai dai; gạo nếp nắm lại bọc trong lá chuối, ninh nhừ  phảng phất hương vị bánh chưng của người Kinh; cơm lam nướng trong ống nứa nhỏ trắng nõn; thịt gà xiên lá chanh nướng than; xôi cẩm, canh khẩu khiều; rau bún, măng rừng. Toàn là những cây lá từ vườn nhà, sông, suối.

Đặc biệt là những chùm hoa đu đủ đực được xào thơm; bát chẻo làm từ lá hẹ mang hương vị đặc trưng không nơi nào có. Tất cả được bày khéo léo lên chiếc mâm mây lót lá chuối. Không thấy sắc thái của nhựa công nghiệp, túi ni-lông. Một không khí ẩm thực còn vẻ nguyên sơ cốt cách. Cái ngon ở đây không ở vị giác mà còn  thị  giác-món ăn bày biện đẹp và thính giác - lời mời vui vẻ, mà còn ở linh giác tận sâu xa cội nguồn. Một nếp nhà sàn dân giã, một bữa tiệc trải dài trên nền sàn nứa sạch sẽ và ấm cũng.

Tất cả như muốn thu vào đây những tinh túy của núi rừng, ngoài sản phẩm còn là tình người, tình đất xa rồi mà còn nhớ mãi. Nhớ mãi những vườn cam “lộc vàng” trĩu quả. Nhớ mãi Pù Mát như một ám - ảnh - xanh thân thương mà kỳ vĩ. Nhớ mãi dòng sông Giăng chảy lai láng trong lòng. Ở đây ngỡ như có cả một con công khổng lồ xòe đuôi muôn màu ôm trọn vào lòng bao sắc nước, âm thanh và vị ẩm thực ấn tượng.

Ghi chép Nguyễn Ngọc Phú
 

;
;
.
.
.
.
.