Hiến giác mạc, tặng hạnh phúc

.

Theo số liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương, từ năm 2007 (thời điểm có người đầu tiên Việt Nam hiến giác mạc) đến năm 2018, cả nước có trên 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc.

Từ 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời (trong số người đăng ký) trên 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, bệnh viện (BV) đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân mù do các bệnh lý giác mạc, giúp họ tìm lại được ánh sáng. Ở Đà Nẵng thì sao?

BS Trần Thị Tuyết Hồng khám mắt cho một bệnh nhân. Ảnh: V.T.L
BS Trần Thị Tuyết Hồng khám mắt cho một bệnh nhân. Ảnh: V.T.L

Những người “trúng số”

Nghe tiếng gõ cửa, ông Nguyễn Minh P. nhà ở trong một con hẻm đường Đặng Thái Thân, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, bước ra. Đôi mắt giấu sau cặp kính đen, gương mặt chừng như già hơn cái tuổi 57 của ông. Sau một hồi giới thiệu khách và chủ, ông chậm rãi kể lại câu chuyện về đôi mắt của mình.

Từ năm 1990, mắt ông bỗng nhiên trở chứng, cứ giụi là đỏ. Cán bộ y tế phường nói bị bệnh đỏ mắt (lúc đó đang dịch) đưa một lọ thuốc nước về nhỏ. 2-3 ngày sau vẫn không hết. Qua khám khoa Mắt - BV Đa khoa (nay là BV Đà Nẵng), điều trị ngoại trú, mắt hết đỏ nhưng vẫn mờ.

Một thời gian sau bị đỏ lại. Có bệnh thì vái tứ phương, nghe nói ở đâu có người chữa mắt giỏi là ông tìm đến nhưng vẫn không ăn thua gì. Một thời gian, không chữa trị chi tự nhiên mắt hết đỏ hết ngứa.

Đến năm 2007, mắt ông đau lại, mấy tháng đỏ mắt liên tục. Khi lành, mắt trái bị sẹo. Mắt phải bị viễn thị. Năm 2014, đến BV Mắt Đà Nẵng khám, thị lực mắt phải chỉ còn 2/10, mắt trái thì bị cái sẹo che gần hết tầm nhìn. Bệnh viện quyết định thay thủy tinh thể mắt phải cho ông, được một thời gian do ông nhìn gần khi làm bếp, lặt rau... bị văng nước vô mắt nên thủy tinh thể bị lệch, năm 2017 phải đến bệnh viện chỉnh lại.

BS Trần Thị Tuyết Hồng, Trưởng khoa Kết-Giác mạc (BV Mắt Đà Nẵng), khi khám mắt phải của ông, cho biết đang có đợt ghép giác mạc, nếu ông có được 30 triệu đồng để trả chi phí vận chuyển, bảo quản mắt, thì sẽ tiến hành ghép giác mạc cho mắt trái của ông. Ông về bàn với gia đình, vay mượn đủ tiền để đi tìm lại ánh sáng cho mắt.

Một tháng rưỡi sau khi ghép giác mạc, một tối ông mở cửa bước vào toa-lét, một tay che mắt trái để bớt ánh sáng ngọn đèn điện, chân bước tránh nước dưới chân, ông bất ngờ bị ngã, đập mắt vô cánh cửa. Đi cấp cứu. Mắt ông bị đứt 3-4 mối chỉ, bác sĩ phải cho may lại.

Buổi sáng khi tôi đến, ông đang mở máy vi tính tìm hiểu thông tin trước trận chung kết lượt về AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia. “Tôi chỉ xem được hình ảnh chứ không đọc được chữ. Sau khi ghép giác mạc, mắt trái nhìn rất tốt, nhưng do cú chấn thương bất ngờ đó mà mắt tôi tệ hại quá, chừ phải uống thuốc trợ thị lực cả đời”, ông buồn bã nói.

BS Hồng cho biết, mỗi năm ở miền Trung có từ 300-400 bệnh nhân cần ghép giác mạc. Có thể nói ông P. “trúng số”, bởi lẽ ông là một trong số vẻn vẹn 23 ca được ghép giác mạc ở BV Mắt Đà Nẵng từ năm 2015 đến nay. Năm 2015 chỉ có 4 ca, năm 2016 tăng lên 6 và năm 2017 tăng lên 13. Người “trúng số” ở khắp các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị, Quảng Nam đến Quảng Ngãi, Kon Tum… Có người được ghép hai mắt như bà Lê Thị M.T., 80 tuổi, ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu.

Năm 2018 có hai đợt đã hẹn với bệnh nhân, đã tiến hành các xét nghiệm trước khi ghép, nhưng đến phút cuối không có giác mạc từ Mỹ chuyển qua nên đội ngũ bác sĩ phải xin lỗi bệnh nhân.

Báo hiếu bằng cách thực hiện di nguyện người quá cố

Ở Việt Nam, chương trình ghép giác mạc được khởi động từ năm 2005 tại BV Mắt Trung ương. Dân số toàn miền Bắc và Bắc miền Trung lúc đó khoảng 40 triệu người, thế nhưng đến năm 2010, nghĩa là sau 5 năm, BV Mắt Trung ương chỉ thực hiện được 100 ca ghép giác mạc.

“Họ không làm nữa, vì thất bại, huống gì miền Trung chỉ khoảng 10 triệu dân”, BS Hồng so sánh. Đó cũng là lý do vì sao khi xây mới BV Mắt Đà Nẵng năm 2010, tầng 6 có thiết kế dành cho khoa Kết-Giác mạc và Ngân hàng Mắt nhưng cuối cùng chỉ có khoa Kết-Giác mạc tồn tại đến bây giờ.

Năm 2008, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khởi động chương trình hiến mắt nhân đạo. Hưởng ứng việc làm có ý nghĩa lớn này, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ Đà Nẵng cho biết, hiện trên khắp 56 phường, xã của thành phố có gần 3.000 người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời.

Giác mạc chỉ được lấy từ người hiến tặng tốt nhất sau khi qua đời trong vòng 6 đến 8 giờ. Thế nhưng thực tế không như mong muốn, như ông Lưu nói:

“Đăng ký thì dễ, thực sự hiến thì khó vô cùng, bởi dân gian còn quan niệm chết là phải toàn thây. Nhiều lúc tới chuẩn bị lấy giác mạc thì thân nhân người qua đời cương quyết không cho, bác sĩ đành ra về.

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp BV Mắt Đà Nẵng mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con về kiến thức hiến giác mạc, rằng bác sĩ chỉ lấy màng mỏng trong suốt phía trước lòng đen thôi chứ không phải múc hết mắt, nghĩa là mắt của người qua đời trông vẫn bình thường”.

Không có người hiến giác mạc, các bác sĩ ở BV Mắt Đà Nẵng tìm đến con đường khác, đó là ghép giác mạc từ Ngân hàng Mắt của Mỹ, và phải mất 5 năm ý tưởng này mới hành hiện thực bằng sự phối hợp giữa BV Mắt Đà Nẵng và Bệnh viện Mắt Trung ương mà trực tiếp là Ngân hàng Mắt (thành lập tháng 5-2009).

Tất cả các chi phí ghép giác mạc đều do BV Mắt Đà Nẵng đảm nhận. Bệnh nhân muốn ghép giác mạc phải chi trả 30 triệu đồng cho mỗi giác mạc bao gồm tiền vận chuyển và bảo quản giác mạc từ Mỹ về Việt Nam. Bệnh nhân phần lớn đều nghèo nên nhiều người đành chấp nhận cảnh mù lòa chứ làm sao có đủ số tiền quá lớn đối với mình.

Về chuyên môn, BS Hồng cho biết, không phải ai cũng ghép giác mạc được mà phải chọn “điểm rơi” thích hợp. Đó là khi bệnh nhân điều trị xong các bệnh viêm loét giác mạc, loạn dưỡng giác mạc, bị hư giác mạc do sẹo. Nếu để qua vài năm mà không ghép giác mạc thì mắt sẽ bị nhược thị, mờ dần và mù hẳn. Như trường hợp ông Đặng Văn T. ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị viêm loét giác mạc do nấm, nếu không điều trị kịp thời thì thị lực sẽ xuống còn 1/10 và mù vĩnh viễn.

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, việc hiến và thu nhận giác mạc được tiến hành trong vòng vài phút, không ảnh hưởng gì đến hình dạng đôi mắt người hiến cũng như việc tổ chức tang lễ cho người quá cố. Vì thế, các vị thân nhân hãy vui vẻ thuận lòng theo di nguyện của người quá cố, đó không chỉ là cách báo hiếu mà còn là nghĩa cử nhân đạo giúp người khác tìm thấy hạnh phúc từ ánh sáng cuộc đời...

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.