Hiệu ứng đám đông

Hiệu ứng đám đông có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc. Đây là trạng thái tâm lý khá phổ biến ở mọi lứa tuổi trong xã hội. Như tất cả yếu tố khác thuộc về cuộc sống, xã hội, hiệu ứng đám đông cũng ẩn chứa trong nó 2 khía cạnh: tích cực và tiêu cực.

Nhìn từ góc độ đánh giá con người, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra tác dụng tích cực như động viên, khích lệ con người vươn lên, đạt được những kết quả tốt đẹp hơn. Khi sự ghi nhận, khi sự tin tưởng không chỉ đến từ một cá nhân mà từ cả tập thể, nó sẽ có sức mạnh liên kết thực sự, thôi thúc con người, thậm chí tạo ra áp lực buộc con người phải không ngừng nỗ lực để xứng đáng với sự đánh giá đó, xứng đáng được là thành viên của tập thể đó.

Ở khía cạnh tiêu cực, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra phản ứng dây chuyền của những nội dung đánh giá phiến diện, thiếu khách quan đối với mỗi người. Một khi bị chi phối bởi sự sai lệch, “số đông” không còn đứng về phía lẽ phải, thì những nhận định, đánh giá của số đông về một cá nhân, hành động sẽ gây nên những hậu quả lớn. Nó có thể “dập tắt” mọi niềm tin, sự say mê, cố gắng, những mong muốn được cống hiến, đóng góp của con người; thậm chí nghiêm trọng hơn là “giết chết” một con người.

Năm 1993, các báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới đã đăng tải bức ảnh một em bé đói khổ vùng Sudan đang gục ngã trên đường tới trạm cứu nạn, phía sau lưng là con kền kền chờ đợi sẵn. Tác giả của bức ảnh này là Kevin Carter-phóng viên chụp ảnh cho một tờ nhật báo ở Nam Phi - đã tự tử ngay sau đó khi liên tục bị dư luận cáo buộc là kẻ độc ác, vô tâm đứng chụp hình mà không ra tay cứu giúp đứa trẻ. Nhưng có ai biết được rằng, vào thời điểm ấy, những phóng viên tác nghiệp tại Sudan đều được cảnh báo rằng không nên tiếp xúc với người dân nơi đây để tránh lây lan dịch bệnh. Kevin Carter chỉ có thể làm được một việc là đuổi con kền kền đi. Và những người đang hùa theo hiệu ứng đám đông để lên án anh có biết rằng, chính nhờ bức ảnh của anh mà cả thế giới bàng hoàng nhận ra một châu Phi đang đói khát và khổ cực đến thế nào để ra tay cứu giúp. Thế nên, anh có thể đã không cứu được đứa bé ấy nhưng không thể phủ nhận rằng anh đã gián tiếp cứu được nhiều mạng người.

Tại Việt Nam, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, những hiệu ứng đám đông đi ngược lại các chuẩn mực, đạo lý cũng ngày càng trở nên nguy hại hơn, đáng báo động hơn. Theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, từ năm 2014 đến năm 2017, có ít nhất 5 - 6 người tự tử vì bị bôi xấu, “ném đá” tập thể trên mạng xã hội. Chứng kiến thực trạng đó, chúng ta có còn muốn tham gia vào một cuộc chỉ trích, phê phán người khác nếu biết được rằng một lời nói nhỏ bé của mình có thể khiến họ phải tìm đến cái chết không?!

Gần hơn, trở lại công tác đánh giá tại các cơ quan, đơn vị, khi một người bị chỉ trích có chủ đích mà chưa có cơ hội chứng minh, giải thích cặn kẽ, liệu rằng có ai trong tập thể dũng cảm thoát khỏi ảnh hưởng một chiều của đám đông để nói lên sự thật và những đánh giá theo chính kiến của mình không? Câu hỏi còn bỏ ngõ, bởi thực tế, có không ít người sống ngay thẳng, dám nghĩ, dám làm, đầy nhiệt huyết cống hiến và sẵn sàng đem sức mình xây dựng xã hội, đã và đang rời bỏ nhiều vị trí tại các cơ quan, đơn vị.

Có thể khẳng định, đánh giá là khâu tiền đề quan trọng, quyết định công tác bố trí, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả. Nếu để hiệu ứng đám đông và dư luận chi phối, công tác đánh giá khó đạt được kết quả sát thực. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần phải đủ tỉnh táo, độc lập trong nhìn nhận, đánh giá và phải biết chịu trách nhiệm về những quyết định, những việc làm của chính mình.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.