Muốn thảo luận vấn đề biến đổi khí hậu, một nghệ sĩ người Bắc Âu đã vận chuyển những tảng băng có tuổi hàng thế kỷ từ xứ sở Greenland đến bờ sông Thames trưng bày để những người dân London đang sống trong mùa Giáng sinh tuyết phủ, hít thở và tận hưởng hương vị không khí trái đất trước khi nó bị ô nhiễm.
Nghệ sĩ Olafur Eliasson |
Trước khi vận chuyển đến nước Anh, những tảng băng trôi thu gom từ biển được đưa về cảng Nuuk, thủ đô của Greenland - một quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Khoảng 81% diện tích bề mặt Greenland bị băng bao phủ, được gọi là mũi băng Greenland. Đại Tây Dương bao quanh Greenland ở phía đông nam; biển Greenland ở phía đông; Bắc Băng Dương ở phía bắc; và vịnh Baffin ở phía tây.
Olafur Eliasson, nghệ sĩ người Iceland-Đan Mạch cùng với giáo sư địa chất Minik Rosing đã vận chuyển đến London hơn 100 tấn băng trôi tự do từ vùng biển của vịnh hẹp Nuup Kangerlua ở Greenland.
Một địa điểm sắp đặt của triển lãm “Ice Watch” ở London. |
Vào ngày 11-12-2018, công trình sắp đặt mang tên “Ice Watch” (Ngắm băng) ra đời với 24 khối băng lớn, đang tan chảy, đặt trước Bảo tàng Tate Modern ở trung tâm London và một vài địa điểm khác nữa, với chủ đích nhắc nhớ người xem về sự biến đổi khí hậu. Ngày khai mạc công trình này trùng khớp với cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP24 ở Katowice, Ba Lan.
Tác phẩm băng giá sắp đặt này của Olafur Eliasson được “tái bản” của hai lần trưng bày trước đây ở Copenhagen (Đan Mạch) và Paris (Pháp). Cả Eliasson và Rosing đều chỉ ra một thống kê khá lạnh lùng rằng 10.000 khối băng như những khối băng được trưng bày ở London đang rơi xuống từ tảng băng mỗi giây. Khi các khối băng đang trưng bày ở đây tan dần, những người chứng kiến có cơ hội cảm nhận và chứng kiến những tác động hữu hình của biến đổi khí hậu.
Người xem tương tác với các khối băng tan. |
“Rõ ràng là chúng ta chỉ có một khoảng thời gian ngắn để hạn chế những tác động cực đoan của sự biến đổi khí hậu. Bằng cách cho phép mọi người trải nghiệm và thực sự chạm vào các khối băng trong dự án này, tôi hy vọng chúng tôi sẽ kết nối mọi người với môi trường xung quanh theo một cách thực tiễn hơn, sâu sắc hơn và truyền cảm hứng cho sự thay đổi hiễn nhiên đó. Hãy biến đổi kiến thức về khí hậu thành hành động vì khí hậu”, nghệ sĩ Olafur Eliasson nói.
“Triển lãm sắp đặt các tảng băng tan “Ice Watch” ghi lại một cách sinh động sự cấp bách của việc giải quyết biến đổi khí hậu. Chúng tôi hy vọng tác phẩm nghệ thuật của Olafur Eliasson sẽ truyền cảm hứng cho những hành động táo bạo và tham vọng hơn để giảm phát thải khí nhà kính của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng”, Michael r. Bloomberg, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về hành động vì khí hậu, nói.
Little Sun-tác phẩm môi trường của Olafur Eliasson. |
Giáo sư địa chất Đại học Copenhagen Minik Rosing cho biết: “Kể từ năm 2015, sự tan chảy của băng ở Greenland đã làm tăng mực nước biển toàn cầu thêm 2,5 mm. Trái đất đang thay đổi với tốc độ ngày càng tăng, băng tuyết tan chảy, nền tảng của nền văn minh nhân loại sẽ tan chảy theo. Tất cả mọi người có thể quan sát nó, có thể hiểu nó, và nhất là, không ai có thể tránh nó. Khoa học và công nghệ đã giúp chúng ta nhiều nhưng cũng có thể đã làm mất ổn định khí hậu trái đất, nhưng bây giờ chúng ta hiểu được các cơ chế đằng sau những thay đổi này, chúng ta có khả năng ngăn chặn chúng phát triển”.
Olafur Eliasson- được biết đến nhiều nhất với tác phẩm sắp đặt Tate Modern năm 2003: “Dự án thời tiết”; thu hút hơn hai triệu du khách. Tác phẩm của ông thường tập trung vào các chủ đề môi trường.
Green River-dòng sông màu xanh ở Stockholm - Tác phẩm môi trường của Olafur Eliasson. |
Trong một tác phẩm khác-Green River (Dòng sông màu xanh lá), Olafur Eliasson đã sử dụng uranine, một loại thuốc nhuộm không độc hại, để biến các dòng sông ở Stockholm, Tokyo và Los Angless thành màu xanh lá cây rực rỡ, trong khi dự án Little Sun (Mặt trời nhỏ) của ông cung cấp đèn nhỏ dùng năng lượng mặt trời cho các doanh nhân địa phương ở cộng đồng nơi điện khan hiếm.
Olafur Eliasson nói rằng “Nghệ thuật vì môi trường đã cho tôi niềm tin vào thế giới. Nó khiến tôi nhận ra văn hóa là động lực mạnh nhất của khái niệm bản sắc trong xã hội chúng ta. Nó cũng dạy tôi nghĩ rằng bạn đã nghĩ điều gì đó trước khi bạn thực sự làm, bởi vì thông qua suy nghĩ là hành động”.
HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)