“Dự án chăm sóc mắt học đường” do ngân hàng Standard Chartered và quỹ Fred Gollows của Úc tài trợ, triển khai trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn từ năm 2016 đến nay đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Theo nhiều ý kiến, đây là một dự án nhiều ý nghĩa, đầy tính nhân văn.
Học sinh được khám mắt miễn phí theo dự án chăm sóc mắt học đường. (Ảnh do trường THCS Nguyễn Huệ cung cấp) |
Không chỉ là những con số
Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018, với sự hỗ trợ của dự án, sự phối hợp của ngành Y tế, Sở GD&ĐT tổ chức khám sàng lọc mắt cho 86.000 em học sinh của 52 trường tiểu học và 34 trường THCS trên địa bàn 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn.
Qua các đợt khám sàng lọc, tính đến nay đã có 1.200 học sinh được cấp kính miễn phí, 4 học sinh được hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh về mắt; khoảng trên 90.000 học sinh, giáo viên, nhân viên y tế và phụ huynh được tập huấn, cập nhật kiến thức chăm sóc mắt với nhiều nội dung, hình thức thể hiện phong phú, góp phần nâng cao nhận thức các đối tượng cùng chăm sóc đôi mắt cho học sinh.
Đơn cử, riêng trong năm 2018, “Hội trại truyền thông liên trường” - một trong những hoạt động nổi bật về chăm sóc mắt học đường đã thu hút 640 học sinh đến từ 32 trường THCS, 160 cán bộ quản lý, giáo viên và hơn 200 đại biểu khách mời tham gia; ngày hội giao lưu với các nhà tài trợ chương trình “Ánh sáng niềm tin” thu hút trên 500 học sinh tham gia…
Đối với các bậc phụ huynh, 2.245 buổi họp được tổ chức tại 85 điểm trường thu hút hơn 86.000 phụ huynh tham gia…
Bà Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, một trong những trường học nằm trong vùng thụ hưởng dự án, cho biết, trong năm 2018, 100% học sinh đã biết tự kiểm tra bằng bảng đo thị lực 4m, tự phát hiện tật khúc xạ và mạnh dạn trao đổi với nhân viên y tế nhà trường để từ đó nhân viên y tế hỗ trợ các em trong việc tư vấn thông tin, hướng dẫn thăm khám kịp thời.
Qua các buổi truyền thông về dự án, kiến thức của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và học sinh về chăm sóc mắt được nâng cao. Đặc biệt, ý thức giữ gìn, bảo vệ mắt của chính các em học sinh và phụ huynh được nâng lên một bậc.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho rằng, câu chuyện về mắt học đường không hề mới, song điều dự án làm được chính là đã đi sâu, giải quyết vào những vấn đề thiết thực, cốt lõi về bệnh mắt học đường. Dự án đưa thông điệp và những kiến thức bảo vệ mắt cụ thể, lan tỏa sâu rộng đến nhiều đối tượng. Từ đó, nâng cao hiệu quả về mặt thăm khám, điều trị lẫn kiến thức bảo vệ mắt dự phòng cho học sinh.
Dự án này càng ý nghĩa khi không chỉ giới hạn các hoạt động khám, tư vấn, điều trị mắt cho các học sinh trong vùng dự án mà còn mở rộng khám, điều trị các bệnh về mắt cho học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai, trẻ em làng trẻ SOS, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai…
Sẽ tiếp tục mở rộng dự án
Ý nghĩa, tính hiệu quả của dự án là điều không cần bàn cãi, song, theo tìm hiểu, hai năm diễn ra dự án, những người trong cuộc gặp không ít khó khăn. Bà Bích Thuận dẫn chứng:
Do kế hoạch tổ chức khám chuyên khoa mắt cho học sinh với số lượng lớn, diễn ra trong cùng một thời điểm và nhân lực của các Trung tâm Y tế quận còn thiếu dẫn đến áp lực khi tổ chức thực hiện; đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện các hoạt động dự án chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu kiêm nhiệm cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động tại địa phương; đặc thù lĩnh vực chuyên môn y tế (chuyên khoa mắt), Phòng Chính trị-Tư tưởng không có cán bộ có trình độ ở lĩnh vực y tế, do vậy công tác phối hợp kiểm tra, giám sát chỉ đạo còn nhiều lúng túng; cán bộ của dự án thay đổi liên tục, vì vậy, tiến trình hoạt động dự án có giai đoạn bị chững lại…
Theo ý kiến của đại diện các bậc phụ huynh, để hiệu quả tuyên truyền diễn ra sâu rộng hơn, dự án nên mở rộng đối tượng phụ huynh được tuyên truyền thay vì chỉ mời đại diện Hội Cha mẹ học sinh các trường tham gia như hiện nay.
Đại diện các điểm trường nằm trong vùng dự án cũng cho rằng, việc cấp mỗi trường chỉ có 2 bảng thông tin, tuyên truyền việc chăm sóc mắt cho học sinh là “hơi khiêm tốn”, đặc biệt là với những trường lớn, số lượng học sinh đông.
“Các thủ tục thực hiện khám mắt, tặng kính... cho học sinh còn hơi rườm rà; việc tất toán các kinh phí liên quan đòi hỏi khá nhiều giấy tờ, đôi khi trường lúng túng để làm báo cáo và thủ tục quyết toán. Tuy nhiên vì mục tiêu, ý nghĩa tính nhân văn của dự án, chúng tôi luôn cố gắng khắc phục khó khăn, ai cũng vui vẻ tham gia góp sức”, Phó Hiệu trưởng Phạm Thị Thùy Loan nói.
Trao đổi về giải pháp để nâng cao hiệu quả dự án, bà Lê Thị Bích Thuận cho rằng, ngoài việc tiếp thu, điều chỉnh theo các ý kiến đóng góp, cần đa dạng hóa các kênh truyền thông, không chỉ trên các kênh truyền thông chính thống mà cần tận dụng lợi thế của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter, Intagram, Youtube…; các hoạt động truyền thông cần ấn tượng, nhân văn thu hút cộng đồng mạng tham gia.
Đồng thời, cần lưu ý việc phát huy được quyền tham gia của trẻ, tính tương tác cao, kết hợp tổ chức trò chơi, tiểu phẩm để truyền các thông điệp về tác hại của việc sử dựng các thiết bị điện tử không đúng cách, vai trò của đôi mắt…
“Thật vui mừng là những dự định trên của chúng ta sẽ có điều kiện thực hiện, cụ thể hóa, bởi chúng tôi vừa nhận được thông tin những nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ để dự án tiếp tục tới năm 2020. Chúng tôi đang có kế hoạch sẽ mở rộng vùng dự án ra các quận Liên Chiểu, Sơn Trà và có điều kiện sẽ triển khai toàn thành phố”, bà Bích Thuận cho hay.
“Hai năm qua, điều dự án làm được không chỉ là khám, cấp kính, điều trị, tư vấn chăm sóc mắt cho hàng ngàn học sinh THCS, tiểu học tại 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, mà quan trọng hơn, đó là sự thay đổi nhận thức lâu dài về câu chuyện bảo vệ đôi mắt do nhiều đối tượng chung tay chăm sóc học sinh. Đặc biệt, qua các buổi truyền thông, các đợt tập huấn về kiến thức, kỹ năng chăm sóc mắt học đường cho giáo viên, cán bộ y tế tất cả các trường (thuộc dự án), nhiều thế hệ học sinh sau đó, khi dự án kết thúc, vẫn sẽ được hướng dẫn, trang bị những hiểu biết quan trọng để bảo vệ đôi mắt quý giá của mình”. Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng |
THANH TÂN