Thương nhớ quê nhà

.

Có câu “nhớ trước quên sau” là nhằm để chỉ những người có trí nhớ lãng đãng, nhưng càng về già, tôi càng nghiệm ra nó còn là thước đo sinh học của đời người: với người già, những gì đang diễn ra rất dễ chóng quên, nhưng những chuyện xa xưa đã đúc thành ký ức lại rất khó phai mờ.

Những chuyện về làng quê, nơi cái xóm đình Đông Bàn chưa được chục nóc nhà, thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn), Quảng Nam, đã trôi xa trong ký ức của tôi hơn nửa thế kỷ, vậy mà cứ mỗi lần chạm đến vẫn còn âm ấm tro than, chực chờ một cơn gió nhẹ cũng có thể bùng cháy ngút ngàn, lung linh, mạch lạc như mới vừa diễn ra sống động hiện tồn.

Con người thì có tuổi, còn ký ức trong sâu thẳm con người dường như không hề có tuổi, không chạm đến thời gian dù mỏng manh đến vô cùng.

Quê hương Quảng Nam (cầu tre thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Mai Quang Hiển
Quê hương Quảng Nam (cầu tre thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Mai Quang Hiển

Hồi đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cả xóm đình của làng chỉ có mỗi mình nhà ông Tư có cái radio, là “cơ quan truyền thông” duy nhất của cả xóm, được ông để trên cái bàn đặt ở gian giữa phía trước gian thờ, ngăn cách bằng tấm màn che, trên có phủ tấm vải điều.

Mỗi khi ông mở đài, đám trẻ con cả xóm xúm xít ngồi quanh dưới đất, yên lặng lắng nghe với cảm giác linh thiêng, sau những phút ngỡ ngàng lần đầu dường có người nào sau tấm vải đỏ đó nói được, chỉ sợ có một tiếng ồn, hay sự đùa nghịch của một bạn nào có thể làm gián đoạn / ngưng tiếng nói “thần kỳ” kia.

Sau này, do niềm đam mê và cuộc mưu sinh, từ năm 1991 cho đến 2005, tôi làm thuê cho chương trình phát thanh văn nghệ Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế, vác máy chuyên dụng đi phỏng vấn khắp nơi (ra cả Hà Nội hoặc vào tận Sài Gòn, về sau làm cả phát thanh trực tiếp), nhưng kỳ lạ, cứ mỗi lần ngồi trước chiếc radio, tôi lại như được nghe những âm thanh, tiếng nói phát ra từ trong tâm tưởng của tôi sau tấm vải điều, dưới ngọn đèn dầu tù mù trong nhà ông Tư ở cái làng quê nhỏ bé nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông đến tận cuối chân trời.

Cơn đại hồng thủy năm 1999 dường như nhấn chìm cả thành phố Huế trong biển nước. Nhưng nhà tôi ở Nam Giao, nước không đến được. Lúc ấy tôi đang làm Trưởng bộ môn Báo chí-Lý luận văn học, ĐH Khoa học Huế, không có trách nhiệm gì, nhưng thấy nước lớn nhanh, rủ cậu em vợ (sau này là phóng viên của Đài TRT) vác máy ảnh xuống trường.

Đến chắn tàu đường Trần Phú, nước ngập không đi được, chúng tôi gửi xe lội bộ xuống trường, leo cổng vào thăm khu cư xá, một khung cảnh hỗn độn đang diễn ra: những cái giường hai tầng nước đã ngập gần hết tầng một, sinh viên dọn đồ lên ở cùng với bạn ở tầng hai, gọi nhau í ới, trong nỗi lo đói và nhìn nước mỗi lúc một dâng cao, cổng cư xá lại khóa ngăn cách với trường.

Anh em bàn với nhau lấy giường và bàn ghế, chồng lại bắc làm thang vượt hàng rào, để chuyển qua tầng hai nhà B tránh lụt; cô Lê Thị Tuyết Mây (nay cũng là Trưởng cơ quan đại diện Báo Pháp luật ở Hà Tĩnh), lúc ấy là sinh viên năm thứ nhất đã xung phong bơi qua khu tập thể các thầy, cô ở nhà C Đống Đa xin về mấy thúng cơm vắt cho các bạn chống đói; anh Nguyễn Quang Trường (nay là giáo viên ở tỉnh Quảng Bình) - sinh viên năm thứ ba, cứu một thanh niên đuối sức không bơi tiếp được phải “leo trốn” ở nhành cây trước cổng trường…

Trong cơn vật lộn với lũ lụt năm ấy, trước mắt tôi lại hiện ra cánh đồng nước mênh mông, cuồn cuộn, giận dữ cuốn theo nhiều nhà cửa, trâu bò trong cơn lũ năm 1964 ở Gò Nổi quê tôi, cả nhà phải ngồi trên nóc nhà, cha tôi phải dỡ cả mái tranh kêu cứu để máy bay trực thăng thả thực phẩm xuống cứu đói cho cả cái xóm nhỏ làng tôi.

Cuộc đời đưa đẩy, khó lường. Trước khi ra thành phố, học hành rồi trở thành một thầy giáo, tôi là đứa trẻ chăn trâu ở làng quê. Có lần tôi được mời dạy ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Tranh thủ ngày nghỉ, tôi cùng mấy sinh viên mượn xe máy vượt hơn sáu mươi cây số về thăm thị trấn Bom Bo, bởi sự dẫn dụ của nhạc sĩ Xuân Hồng qua những vòm cong âm thanh của Tiếng chày trên sóc Bom Bo.

Tất nhiên, cái sóc xưa nay đã là một thị trấn nhà cao tầng và tượng đài của người nhạc sĩ tài hoa không chỉ sống lâu bền trong tâm tưởng mọi người mà còn sừng sững ở ngã năm thị trấn. Khi đang đi trên đường, nhìn thấy mấy con trâu trắng đang gặm cỏ, một cô sinh viên người gốc Quảng Trị bỗng reo lên: “Thầy ơi, ở đây người ta nuôi heo răng mà lớn rứa?”.

Sau tiếng cười vui của cả nhóm, trong tâm tưởng tôi bỗng hiện lên thấp thoáng bóng dáng con trâu cày và mấy con bò tôi chăn dắt ở làng quê. Có những chiều thả trâu bò ăn bên bờ cỏ trên cánh đồng mới gặt, cả bọn rủ nhau lên ngồi trên đường cái, chờ chiếc xe máy nào chạy qua (có khi cả ngày không có một chiếc nào!) hít lấy “mùi thơm” của khói xăng, cái mùi thơm ngập tràn ký ức tôi cho đến tận bây giờ.

Cũng có khi mấy con bò cái gặp mùa “động đực” bỏ chạy, thằng bé chăn bò nước mắt ngắn dài chạy theo đến tận đầu non cuối bãi, rồi mang theo trong tâm tưởng rong ruổi cả đời người…

Điều quan trọng không phải độ dày mỏng hoặc vỉa tầng sâu thẳm của ký ức mà là sự đeo bám, trở thành một bộ phận không thể thiếu hoặc tách rời trong cuộc sống của con người. R.Gamzatov nói rằng: “Có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.

Vì vậy, mỗi khi có một sự kiện làm thức dậy những sinh thể từ làng quê trong ký ức, tôi lại nhớ đến bài Làng của nhà thơ xứ Quảng Nguyễn Ngọc Hạnh, và xin dẫn ra đây để kết thúc những ý nghĩ tản mạn, vụn vặt nhưng đong đầy thương nhớ này: Làng tôi ở ven sông / Bốn bên núi bốn bề yên ắng / Chưa hiểu hết mưa nguồn / Tôi đi về phía biển / Qua bao nhiêu phường phố / Thuộc hết những tên đường / Người trên phố hàng cây và gió / Đều nhận ra tôi dáng dấp làng quê / Mà tôi nào hay biết / Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết / Con sông quê bóng núi cứ chập chờn / Xưa tôi sống trong làng / Giờ làng sống trong tôi.  

Phạm Phú Phong

;
;
.
.
.
.
.