Bức tranh đa sắc màu

.

Mua sắm cho gia đình vào dịp Tết đến, xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu, là một bức tranh rất nhiều màu sắc của cuộc sống.

Các mặt hàng quần áo, giày dép thời trang luôn được chị em ưu ái mua sắm để chưng diện trong dịp Tết.  Ảnh: Thanh Tân
Các mặt hàng quần áo, giày dép thời trang luôn được chị em ưu ái mua sắm để chưng diện trong dịp Tết. Ảnh: Thanh Tân

Nhiều lựa chọn...

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng đầu tháng Chạp, vợ chồng chị Nguyễn Lan Anh (30 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bắt đầu tranh thủ ngày cuối tuần, hoặc buổi tối sau giờ làm chở nhau đi sắm Tết. “Nhà tôi có truyền thống tặng quà cho người thân trong gia đình mỗi dịp năm mới.

Vì vậy, đây cũng là thứ vợ chồng tôi lo sắm đầu tiên: Tứ thân phụ mẫu mỗi người một bộ áo quần mới. Kế đến là quà cho anh chị em ruột trong nhà, rồi các cháu nhỏ. Đối với các mặt hàng thời trang, tôi thấy cứ mua đầu mùa thường đẹp hơn nên có điều kiện thì mua càng sớm càng tốt”, chị Anh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Lâm (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) luôn được tiếng “vợ đảm, dâu hiền” bởi cứ rục rịch tháng Chạp dù bận đến mấy, chị Lâm cũng đã lo xong quà Tết (từ quần áo mới đến thực phẩm) kịp gửi về gia đình chồng tận Bắc Giang xa xôi.

“Những món quà không quá xa xỉ nhưng là chút tấm lòng của vợ chồng tôi với cha mẹ, với nhà chồng, tôi rất thích cái cảm giác đi lựa đồ cho từng người, hình dung vẻ mặt, niềm vui của họ khi nhận được quà. Hạnh phúc đôi khi thật giản đơn”, chị Lâm nói.

Trong khi đó, vì không muốn đối mặt với cảnh tượng chen chúc, tăng giá đột biến có thể xảy ra khi sắm hàng Tết quá cận ngày, bà Dương Thị Ba (56 tuổi, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) luôn chọn sắm dần các mặt hàng thiết yếu, mới an tâm dọn dẹp nhà cửa.

“Tôi ớn cảnh mấy năm trước chen chúc đợi thanh toán tại các siêu thị, nên mấy năm nay rút kinh nghiệm. Vợ chồng con trai tôi sống chung đều bận bịu công việc Nhà nước, thành thử Tết nhất đồ ăn thức uống, đồ trang trí trong nhà chủ yếu một tay tôi lo liệu”, bà Ba thổ lộ.

Theo tìm hiểu, đối với những người có sở thích mua sắm, lại không quá bận rộn, để tránh những “phiền hà” có thể phát sinh khi sắm đồ Tết quá cận ngày, họ chọn tranh thủ sắm Tết sớm. Các cửa hàng thời trang quần áo, giày dép được nhiều chị em ưu ái hơn cả, thường sôi động phải một vài tháng trước Tết.

Trong sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc mua sắm trên mạng càng được nhiều người sử dụng bởi tính tiện dụng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.

Sắm Tết không là ngoại lệ. Chị Vũ Thị Kim Loan (42 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chia sẻ: “Hai ba năm nay, tôi hầu như rất ít ra chợ hay siêu thị để sắm Tết, mọi thứ chỉ cần vài thao tác click chuột là đủ, vì vợ chồng tôi đều rất bận”.

Cũng theo chị Loan, những trang bán hàng trên mạng chị tin dùng là Lazada, Tiki, Adayroi, Shopee... Tại các trang này, hàng hóa rất phong phú và chất lượng khá bảo đảm, từ áo quần, giày dép thời trang đến thực phẩm, đồ gia dụng, đồ trang trí, hoa, cây cảnh, thậm chí có cả hạt giống để trồng...

“Nói chung, việc mua sắm Tết bây giờ quá thuận lợi, không có chi phải lo lắng, đôi lúc chưa tới một ngày là xong hết nên đến thời điểm này, gia đình tôi vẫn chưa mua gì. Công việc còn ngập đầu, Tết cận kề rồi mà cứ tưởng còn xa lắm”, chị Loan vui vẻ chia sẻ thêm.

Tết hy vọng

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, đồ đạc giản đơn, bà Hồ Thị Như Nguyệt (53 tuổi, trú tổ 85, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) có chút ngượng ngùng vì Tết nhất đến nơi nhưng trong nhà vẫn chưa kịp sửa soạn, dọn dẹp gì. “Gần cả tháng nay, nhu cầu dọn vệ sinh cuối năm nhiều nên tôi đi làm suốt, không có thời gian ngó tới nhà cửa nữa”, bà Nguyệt phân trần.

Hỏi tới chuyện sắm Tết, bà Nguyệt nén tiếng thở dài: “Tội hai đứa nhỏ, lâu lắm chẳng biết Tết là gì. Nhất là từ khi ông nhà tôi mất đi, cuộc sống ba mẹ con quá khó khăn, đến nỗi chỉ một chiếc áo cho con ngày Tết với tôi cũng khó”. Chồng bà Nguyệt vốn làm nghề biển, ông đã bỏ lại ba mẹ con gần 5 năm qua trong một tai nạn bất ngờ khi làm nghề.

Từ chỗ cuộc sống cả nhà dựa vào manh lưới của người chồng, bà Nguyệt phải gồng mình gánh hết. Không có nghề trong tay, mấy năm nay, ai kêu đâu bà Nguyệt có đó, không nề hà bất kỳ việc gì, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Tết đối với bà Nguyệt chủ yếu lo việc dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, mua ít bánh, trái cây dọn cúng bàn thờ tổ tiên. Còn ba mẹ con chủ yếu đủ gạo, dầu, nước mắm ăn là được.

“May mà hai đứa con tôi đang tuổi thanh niên nhưng biết nhà khó cũng không đua đòi gì. Đồ cũ mấy người trong xóm không dùng, con tôi xài lại cũng y như đồ mới”, giọng bà Nguyệt nghèn nghẹn vì thương con.

Nhưng mà ăn Tết giản đơn “riết rồi cũng quen”, điều bà Nguyệt lo lắng bây giờ không phải mẹ con bà đón Tết như thế nào mà bà lo vì “nghe đâu năm nay gia đình tôi không còn nằm trong diện hộ nghèo nữa mà lên cận nghèo, không biết có còn được hỗ trợ trả tiền điện, còn có bảo hiểm hay không”, bà Nguyệt suy tư.

Vì vậy, sang năm mới, bà Nguyệt chỉ cầu mong có sức khỏe, được người ta “kêu” đi làm nhiều, con gái lớn ra trường tìm được việc, may ra cuộc sống mẹ con bà đỡ túng thiếu phần nào.

Cùng trong khu dân cư Nại Hưng 2A này, thu nhập chủ yếu của đại đa số những hộ gia đình làm nghề đánh bắt thủy sản ven bờ đều trông chờ vào những người đàn ông ngày ngày lênh đênh sông nước. Nhiều người mấy năm qua nghỉ làm nghề, cuộc sống trở nên khó khăn.

Như trường hợp gia đình chị Dương Thị Một (45 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là một điển hình. Không có điều kiện đóng thuyền lớn, sức khỏe chồng chị cũng “nay ốm mai đau” không thể theo phụ các đoàn tàu lớn vươn khơi dài ngày, từ đó, lo cái ăn hằng ngày cho cả nhà 5 người đã khó, nói gì đến Tết.

“Tết nhất ai chẳng muốn nhà cửa đủ đầy, ai chẳng muốn xúng xính xách làn đi chợ, nhưng ngặt nỗi tiền không có ăn, Tết cũng vậy thôi”, chị Một buồn bã.

Tại chợ nhóm gần KCN Hòa Khánh, chị Hồ Thị Ái Vân, công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh đang lúi húi lựa bộ đồ cho cậu con trai nhỏ, sau giờ làm. Bộ đồ chợ có giá 40.000 đồng nhưng chị cứ nâng lên đặt xuống mãi. Đắn đo hồi lâu, rồi chị chỉ mua đúng một bộ.

Cuộc sống ở quê nhà khó khăn, vợ chồng chị Vân ôm con từ Nam Định vào Đà Nẵng kiếm sống 3 năm nay. Cậu con trai mới hơn 4 tuổi lại thường xuyên ốm đau khiến chị thường xuyên nghỉ làm để trông nom. Thu nhập của chị có tháng không đến 3 triệu đồng, trong đó tiền trọ, tiền gửi con, nuôi con đã chiếm gần hết.

Nhắc đến Tết, mặt chị Vân buồn xo: “Tết này vợ chồng tôi quyết định ở lại Đà Nẵng, dù rất muốn về sum vầy với gia đình, bà con. Về là đủ khoản phải lo, nào tiền tàu xe, quà cáp...”, chị mím môi.

Chị Trần Minh Ánh (32 tuổi, công nhân tại một công ty chế biến thủy hải sản ở KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang) cho biết, Tết năm nay, gia đình chị cũng sẽ tiếp tục thực hành tiết kiệm. Sẽ cố gắng mua cho hai cô con gái hai bộ quần áo mới, còn những chi phí khác thì tiết kiệm tối đa. Vợ chồng chị Ánh người gốc Hà Tĩnh vào làm công nhân ở đây đã ngót 5 năm.

Không gian sống tại thành phố biển rất khoáng đạt nên vợ chồng chị ấp ủ mơ ước định cư tại đây. Vì vậy, bên cạnh tích cực tăng ca khi có cơ hội, thực hành tiết kiệm được vợ chồng chị thực hiện nghiêm ngặt mấy năm nay để mong có thể dành dụm tiền mua căn chung cư thu nhập thấp, ổn định cuộc sống. “Khi nào chúng tôi có căn nhà của riêng mình ở Đà Nẵng, Tết khi đó chắc sẽ đặc biệt lắm”, chị Ánh nói mà ánh mắt như đang cười.

Trong hành trình của chúng tôi, nhẹ nhõm nhất có lẽ là khi được cảm nhận không khí bình yên những ngày đất trời sang xuân trên những con đường quê huyện nông thôn duy nhất của Đà Nẵng. Vẫn bình yên và không có gì phải vội vã như nhịp sống làng quê Hòa Vang bao đời. Những người dân ở đây cho biết, năm nào cũng phải đến 28, 29, thậm chí 30 mới lo sắm Tết. Người quê đơn giản, chỉ cần chạy ù ra chợ quê, mọi thứ đã đủ đầy.

Không khí Tết đã chạm ngõ những ngôi nhà, những góc phố, đường thôn. Ở đó có những câu chuyện vui, những sắc màu tươi sáng và vẫn còn lắm lo toan. Có điều khi Tết đến trong niềm vui, trong sự hân hoan nao nức hay bồn chồn lo lắng thì cũng vẫn là Tết đó thôi. Vẫn là nơi để người người gieo những niềm hy vọng mới!

THANH TÂN

;
;
.
.
.
.
.