Những ngày cuối tháng Chạp bao giờ cũng trôi đi trong vội vàng, náo nức. Dường như cả thành phố đổ ra đường đi sắm Tết. Phố xá đông như hội và rực rỡ sắc màu. Đông nhất vẫn là các khu chợ lớn trung tâm như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới. Dường như đi chợ Tết không còn mang nghĩa mua sắm như thường ngày mà còn là niềm hân hoan cảm nhận một mùa xuân mới của bao người.
Bánh tét là một trong những loại bánh Tết không thể thiếu dù ở thời gian nào. Ảnh: N.H |
Trong không gian chợ Tết tràn ngập màu sắc, hỗn loạn âm thanh và chín nẫu mùi vị ấy, mỗi con người dù trẻ già, lớn bé đều cảm thấy như được trở về chính mình. Họ đến để mua những món đồ mình thích hay đã ao ước suốt cả một năm trời.
Họ có thể sờ, nhìn, ngửi và nếm thử tất cả các thứ bày bán ở chợ để rồi trả treo, giằng co, thêm thắt… nhằm đẩy đưa niềm vui sướng lên kịch trần của cảm xúc. Dẫu bây giờ xã hội đã hiện đại đến cỡ nào thì niềm vui được đi chợ Tết vẫn cứ nguyên sơ, trọn vẹn như hàng nghìn năm trước.
Màu Tết trong ký ức tuổi thơ
Thật vậy, nếu ngoái đầu lại nhìn về tuổi thơ thì ai cũng có một thời níu áo mẹ đi chợ Tết. Thời ấy, chợ quê chúng tôi họp theo phiên chứ không thường nhật như bây giờ. Đó là ngôi chợ Mới Ba Xã nằm bên con sông Cái chạy từ Vĩnh Điện (Quảng Nam) về ngang qua ba xã Điện Ngọc, Điện Thắng và Hòa Phước.
Từ sáng sớm, khi mặt trời vừa mọc trên cánh đồng làng, các bà, các mẹ đã lục đục quang gánh đi chợ. Thôi thì gà qué, sắn khoai, bắp chuối cho đến ổ trứng gà mới đẻ đều được đem ra chợ bán để có tiền mua áo mới cho con, sắm lại chén bát, ấm trà đã sứt quai, mẻ miệng, mua thêm vài cân bột, cặp đường về làm bánh Tết…
Trong khi các mẹ gồng gánh nặng vai thì lũ trẻ con chúng tôi chạy lúp xúp bên cạnh cười đùa, chí chóe lẫn nhau. Thỉnh thoảng vấp ngã lăn quay trên đường còn ướt đẫm sương.
Đi chợ Tết chưa bao giờ hết vui đối với mấy chị em tôi ngày ấy. Cả một năm dài mười hai tháng ngóng trông chỉ để mẹ dẫn đi chợ Tết. Trong đôi mắt trẻ thơ thì ngôi chợ Mới Ba Xã ngày ấy to và đông nhất trên đời.
Từ xa, chưa tới cổng chợ, đã nghe trong gió mùi thơm của những lò rang nổ trong nắng sớm. Nếp được đổ vào chảo bung lên nổ lách tách, trăng nuốt trên bếp lò rực lửa. Người ta rang nếp làm bánh khô nổ, một trong bốn loại bánh (khô, nổ, tổ, in) không thể thiếu của người Quảng trong ngày Tết. Tôi luôn được mẹ tin tưởng giao cho việc đem nếp đến lò rang nổ.
Trong lúc chờ mẹ bán những món nhà trồng được thì chúng tôi, những đứa trẻ con lem luốc tha hồ la cà khắp chợ. Thằng em trai tôi cứ dán mắt vào mấy phong pháo đỏ to đùng treo trên cao rồi xuýt xoa luôn miệng. Chắc là nó mong đến giao thừa để được đi lượm pháo xì. Trong khi đó, hai đứa em gái mê mẩn nhìn không thôi mấy hàng bán áo quần, kẹp, cài đủ màu rồi thì thầm nhỏ to ước ao…
Sức mê hoặc đối với trẻ con chúng tôi ngày xưa ở những phiên chợ Tết không chỉ được ăn quà, sắm áo mới hay ngắm nghía những món đồ yêu thích mà còn là tham gia những trò chơi thú vị như ném lon, ném vòng cổ vịt, hay ngỏng cổ ngồi nghe gánh Sơn Đông múa quyền, hát cải lương, làm xiếc khỉ, phun lửa rần rần trước khi bán thuốc cao đơn hoàn tán trị đau cái lưng, tê cái tay, mỏi cái chân… và toàn thân ê ẩm! Và cũng có lúc ngẩn ngơ trước bàn tay của ma thuật của ông lão nặn tò he ngồi ở ngay đầu cổng chợ.
Mặt trời lên tới đỉnh cũng là lúc chợ tan. Lúc đi mẹ tôi gánh sắn khoai, gà qué, lúc về nặng trĩu những mắm muối, thịt cá. Ở đầu đòn gánh mẹ còn móc thêm bộ đồ thần bằng giấy và mấy phong pháo đỏ. Trông mẹ bấy giờ như cô hàng xén gánh hàng về nhà. Đường về nhà qua cánh đồng vừa sạ xanh um xâm xấp nước. Mấy chị em lẽo đẽo theo sau mẹ, tay ôm chặt bộ áo quần mới trước ngực như ôm chặt giấc mơ thơm phức.
Tết xưa giữa phố nay
Thật tình cờ, chúng tôi gặp cụ Trần Thị Bảy, dễ chừng đã ngót nghét tuổi 80 đang ngồi chọn mua củ kiệu tại chợ Đầu mối Hòa Cường. Đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo của cụ săm soi từng bó kiệu hãy còn tươi rói. Trong câu chuyện đẩy đưa, cụ cho biết mấy năm nay già yếu, cụ xuống ở với con trai tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu.
Tết nào cũng tự tay ra chợ mua kiệu, đu đủ về làm dưa món, củ kiệu dầm chua… cho có không khí Tết trong nhà. Trong lúc chờ con đến rước về, cụ Bảy vui vẻ kể, ngày trước dành dụm cả năm để cuối năm sắm Tết nên chợ đông vui lắm. Chủ yếu là sắm cho bọn trẻ tấm áo mới và thực phẩm dự trữ cho ba ngày xuân. Hồi đó, dễ chừng đến mồng 7, mồng 8 tháng Giêng mới họp phiên chợ đầu tiên. Nên đi chợ mua cả gánh đầy chứ chẳng chơi.
Bây giờ, chợ ngày nào cũng mở. Siêu thị nhan nhản khắp nơi và đóng cửa lúc 10 giờ đêm nên việc mua sắm cũng thong thả hơn trước đây rất nhiều. Trong khi đó rất nhiều người mẹ trẻ thú nhận rằng mình rất ngại đưa con đi chợ Tết vì ngại đông đúc xảy ra chen lấn xô đẩy.
Thay vào đó sẽ cho các con theo cha mẹ đến các cửa hàng hoặc siêu thị để mua sắm. Tất nhiên sẽ không có những trò chơi dân gian xưa cũ mà thay vào đó là những màn quảng cáo của các nhãn hàng cũng vui nhộn không kém và các món quà vặt cũng phong phú lắm.
Dẫu là vậy, nhưng đối với nhiều người thì những phiên chợ Tết xưa không chỉ là kỷ niệm mà còn là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Vì vậy việc được đắm chìm trong một không gian chợ Tết xưa là một nhu cầu về tinh thần chính đáng.
Những năm gần đây, nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố thường tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian cho học sinh vào dịp kết thúc học kỳ 1, đó cũng là thời gian sắp Tết. Tại lễ hội, các khu chợ quê được mở ra với các gian hàng ẩm thực mang đậm hơi thở vùng đất Quảng xưa như mì Quảng, hến trộn, bánh đập, bánh bèo, bánh đúc…, trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê, kéo co, thi nặn tò he, hát bài chòi.
Ở một đẳng cấp khác, năm 2018 vừa rồi cũng là năm thứ 8 khu nghỉ mát biển, ẩm thực Furama Đà Nẵng lưu giữ và tái hiện thành công phiên “Chợ quê ngày Tết” thu hút đông đảo người dân thành phố và khách du lịch trong và ngoài nước.
Việc càng ngày càng có nhiều đơn vị tái hiện các phiên chợ Tết xưa giữa phố không chỉ đơn thuần là hoài niệm hay kinh doanh mà còn là ý thức về việc lưu giữ một không gian văn hóa đặc sắc của người Việt cũng như khơi gợi, dưỡng nuôi tâm hồn mỗi người thêm tinh khiết, sáng trong.
Như Hạnh