Góp phần xây dựng Đà Nẵng thành "thành phố sự kiện"

.

Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa 9 (17-12-2018), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo: “Phải xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị và sự kiện quốc tế”.

Để thực hiện được mục tiêu này cần có sự tham gia của các ngành, các lĩnh vực công tác. Phóng viên (PV) Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) về vai trò của ĐHĐN trong việc góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.

Lễ hội pháo hoa quốc tế được bình chọn đứng đầu top 10 sự kiện tiêu biểu văn hóa, du lịch quốc gia 2018. Ảnh: MINH TRÍ
Lễ hội pháo hoa quốc tế được bình chọn đứng đầu top 10 sự kiện tiêu biểu văn hóa, du lịch quốc gia 2018. Ảnh: MINH TRÍ

* ĐHĐN là ĐH Vùng trọng điểm quốc gia, ông có ý kiến gì về định hướng xây dựng “Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị và sự kiện quốc tế”?

- Trước hết, cần khẳng định tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Trung ương trong chỉ đạo đối với Đà Nẵng. Chúng ta đều biết thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn trong phát triển du lịch: Có vị trí địa chiến lược, tâm điểm giữa các di sản thế giới; thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp; có biển, sông, rừng, núi; bản sắc văn hóa phong phú, người dân thân thiện, mến khách; có cơ sở hạ tầng đô thị, khách sạn, sân bay, cảng biển khá đồng bộ, hiện đại…

Đà Nẵng ngày càng nổi tiếng bởi những thương hiệu đáng tự hào: Top 20 thành phố sạch nhất hành tinh; Một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới (Continental); Địa điểm du lịch mới hấp dẫn nhất hành tinh; Cúp vàng điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á; Thành phố Xanh quốc gia - 2018 (nhiều lần từ chối các dự án đầu tư không bền vững, đóng cửa nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường…).

Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công những sự kiện mang tầm quốc tế: Lễ hội trình diễn pháo hoa; Cuộc thi marathon; Cuộc thi đua thuyền buồm và nổi bật, ấn tượng nhất là việc đăng cai thành công “Tuần lễ Cấp cao APEC-2017”. Đà Nẵng còn là địa danh lịch sử, ghi dấu cuộc đấu tranh kiên cường của dân tộc ta. Đây chính là những điều kiện rất thuận lợi để Đà Nẵng tiếp tục vươn lên theo chỉ đạo của Trung ương trong tương lai.

Thông thường, các hội nghị, sự kiện quốc tế diễn ra ở những địa điểm có truyền thống văn hóa, địa điểm du lịch nổi tiếng, thuận tiện đi lại bằng đường hàng không, có cơ sở hạ tầng, khách sạn tốt. Như trên đã nói, Đà Nẵng có những điều kiện cơ bản đáp ứng yêu cầu này.

Vì vậy, trong lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng đã gặt hái những thành công hết sức ấn tượng với lượng khách đến thành phố tăng trưởng 20-30%/năm. Tuy nhiên, hầu hết các khách du lịch đến Đà Nẵng hiện nay phần lớn là bình dân, mục đích tham quan và du lịch.

Trong khi đó, Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà chính trị, nhà khoa học, doanh nghiệp đến tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học, diễn đàn và sự kiện quốc tế kết hợp với tham quan, nghỉ dưỡng góp phần nâng cao chất lượng ngành du lịch của thành phố. Để làm được việc này, Đà Nẵng cần quan tâm khai thác, phát triển các lợi thế mang tính chiều sâu của địa phương kết hợp với các trường đại học danh tiếng như ĐHĐN.

* Thưa ông, ĐHĐN có thể đóng góp những gì trong định hướng phát triển nêu trên?

- ĐH Đà Nẵng có tiềm lực đội ngũ gần 2.500 cán bộ, giảng viên, phần lớn được đào tạo ở nước ngoài, có trình độ chuyên môn cao và giỏi ngoại ngữ; có mối quan hệ hợp tác sâu rộng, ký kết MOU, MOA với hơn 200 đối tác các trường ĐH, tổ chức khoa học, giáo dục và doanh nghiệp khắp thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc, Asean…); có nhiều dự án, lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo về du lịch, ngoại ngữ và văn hóa (dự án Eramus +, USAID; Viện VN-UK hợp tác với Vương quốc Anh; Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT hợp tác với Pháp và EU; Trung tâm văn hóa

Nhật Bản, các khoa Du lịch, Quốc tế học quy tụ hàng trăm chuyên gia, giảng viên ngoại ngữ, hàng chục nghìn sinh viên, cựu sinh viên (đủ chuẩn đầu ra về ngoại ngữ) làm nòng cốt, tham gia tích cực nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quốc tế…

Thừa hưởng lợi thế của thành phố năng động “đáng sống”, ĐHĐN liên tục tổ chức hàng loạt hội nghị quốc tế thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, giảng viên và lưu học sinh nước ngoài. Trong 2 năm (2017 và 2018), ĐHĐN và các trường thành viên tổ chức gần 40 hội nghị quốc gia và quốc tế lớn đủ các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, marketing, công nghệ cao, thành phố “thông minh”, năng lượng sạch, y sinh và xã hội nhân văn.

Điều đó cho thấy, ĐHĐN đang “chuyển động” trở thành “điểm đến” tin cậy, uy tín được các đối tác, du khách lựa chọn, kết hợp tham dự sự kiện với du lịch, quảng bá hình ảnh, con người Đà Nẵng và miền Trung giàu bản sắc…

Với chiến lược phát triển bền vững theo định hướng ĐH nghiên cứu - một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia, có vị thế trong khu vực và thế giới, có thể khẳng định: ĐHĐN có đủ tiềm lực, quyết tâm và đóng góp tích cực góp phần thực hiện chiến lược đưa Đà Nẵng thực sự “trở thành trung tâm hội nghị, hội thảo và sự kiện quốc tế”.

* Ông có đề xuất, hiến kế gì góp phần đưa thành phố thực sự là điểm đến, trung tâm của các sự kiện, hội nghị quốc tế?

- Bên cạnh những điểm sáng nổi bật, chính quyền thành phố đã thẳng thắn nhận thấy không được “ngủ quên” trên chiến thắng (hoàn thành trước 2020 chỉ tiêu 9,5 triệu lượt khách với 3,5 triệu lượt khách quốc tế).

Để những danh hiệu không chỉ là “danh xưng”, Đà Nẵng cần hướng đến thị trường du lịch đẳng cấp (không chỉ là những thị trường hiện có: Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean…), chuyển mô hình tăng trưởng số lượng sang chất lượng; gia tăng thời gian lưu trú (không chỉ là “điểm đến” mà phải thành “điểm dừng”, “điểm ưa thích lựa chọn trở lại” của du khách); mở rộng thị phần, khai phá các thị trường chất lượng cao (Nhật Bản, Nga, Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu hay Trung Đông…).

Đặc biệt, thành phố cần đa dạng hóa loại hình du lịch (nghỉ dưỡng cao cấp, sinh thái, văn hóa, lễ hội, sự kiện quốc tế…); trong đó chú trọng phát triển, nâng tầm, “mài giũa” làm sáng những thương hiệu sự kiện nổi bật.  

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ có những sản phẩm du lịch thông thường, cố định thì du khách cũng chỉ đến một lần rồi đi, không quay lại. Để Đà Nẵng thực sự trở thành trung tâm sự kiện, hội nghị quốc tế, phát triển du lịch bền vững, theo tôi chính quyền địa phương nên quan tâm hơn nữa đến phát triển các lợi thế sau:

Một là phát triển các sản phẩm văn hóa mang tính chiều sâu, thay đổi phương thức thể hiện liên tục để du khách luôn thấy mới mẻ. Ví dụ chọn một khu phố để chỉnh trang phát triển đậm nét về nghề biển truyền thống, thể hiện đầy đủ sinh hoạt đặc thù của người dân làm nghề chài lưới; hay xây dựng một tuyến đường sắt nội đô (tramway) mà mỗi ga tàu thể hiện một nét đặc thù của văn hóa, sinh hoạt truyền thống của người dân địa phương…

Khách đến Đà Nẵng lần sau sẽ thấy khác lần trước, không nhàm chán. Du lịch văn hóa sẽ tạo nên sự khác biệt giữa địa phương này với địa phương khác, giữa nước này với nước khác. Chúng ta cần thể hiện nét văn hóa địa phương qua cuộc sống thực chứ không phải thể hiện qua các mô hình ở một số khu du lịch trong nước hay nước ngoài đã làm.

Hai là đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp, nhất là những ngành công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ. Kêu gọi các nhà đầu tư mang tính chiến lược vào đầu tư để làm nền tảng lôi cuốn những nhà đầu tư khác cùng tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, phụ kiện.

Phù hợp nhất hiện nay là sản xuất các thiết bị thông minh phục vụ sản xuất và đời sống. Khi có một số ngành công nghiệp phát triển thì khách nước ngoài đến giao lưu, hợp tác làm ăn ngày càng nhiều. Khi đó chúng ta mới có thể tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, du lịch thành phố mới phát triển bền vững, không còn là trạm dừng chân, trung chuyển khách.

Ba là hoàn thành dự án Làng ĐHĐN, xây dựng khuôn viên ĐHĐN hoàn chỉnh theo quy hoạch đã được thiết lập từ gần 20 năm nay. Đây là yếu tố quan trọng góp phần phát triển Đà Nẵng bền vững, lâu dài. Cơ sở ĐHĐN xây dựng hoàn chỉnh, với đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu trình độ cao sẽ mở rộng giao lưu quốc tế, thu hút các hội nghị mang tính khu vực và toàn cầu.

Các hội nghị có chiều sâu khoa học, văn hóa, lịch sử… thường diễn ra ở trường ĐH thay vì ở các khách sạn. Kết hợp với các điều kiện địa lý, lịch sử nêu trên, khu ĐHĐN hoàn chỉnh sẽ là sự khác biệt của Đà Nẵng trong tổ chức các sự kiện, hội nghị mang tầm cỡ quốc tế mà các địa phương khác không thể có được.

ĐHĐN mong muốn thời gian đến, các sở, ngành (du lịch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ngoại vụ, hiệp hội…) tăng cường gắn kết, hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành trong chiến lược quốc tế hóa ĐH, phát triển hợp tác quốc tế và đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Lãnh đạo thành phố tin tưởng, giao cho ĐHĐN xây dựng, phản biện chính sách, dự án, đăng cai, phối hợp tổ chức các sự kiện, hội nghị lớn; tạo điều kiện thủ tục cấp thị thực cho chuyên gia, giảng viên, lưu học sinh quốc tế; tham dự, hỗ trợ để hình thành chuỗi sự kiện, hội nghị quốc tế trở thành “sản phẩm du lịch sự kiện” thường niên…

Với sự quan tâm, chỉ đạo và ủng hộ của thành phố, dù phía trước còn nhiều thách thức, ĐHĐN sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, vì một Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh được bạn bè, du khách trong nước và quốc tế yêu mến, lựa chọn.

Tân An (thực hiện)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.