Hoa chưng Tết

.

Hoa là món trang trí không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt dịp Tết đến, xuân về. Theo quan niệm của người xưa, những bông hoa khoe sắc rực rỡ trong nhà là điềm báo một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc, tiền tài, công danh rực rỡ.

Hoa là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết.  					Ảnh: Q.T
Hoa là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết. Ảnh: Q.T

Còn mươi ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nên chị Quỳnh Mai (trú đường Trần Quý Cáp, quận Hải Châu) đã ra chợ Hàn dặn “mối quen” để dành 3 chục bó lay ơn Đà Lạt và 2 chục hoa hồng vàng chưng Tết. Chị Mai bảo, đây là cái Tết đầu tiên vợ chồng ra riêng, sắm sửa Tết sẽ có những bỡ ngỡ nhưng riêng với chuyện chưng hoa, chị rất tự tin.

Bởi từ ngày còn con gái ở cùng với mẹ, chị đã hay phụ mẹ cắm hoa dịp Tết về. Trong ký ức của chị, cái không khí đẹp nhất, rộn ràng nhất ngày Tết là theo chân mẹ ra chợ hoa. Hồi ấy, việc thờ tự của dòng họ, một tay ba mẹ chị lo liệu hết. Gia đình chị có đến 7 vị trí đặt hoa trên bàn thờ, nên mẹ chị rất kỹ lưỡng trong việc chọn hoa cúng. Mỗi vị trí là mỗi loại hoa khác nhau.

Ví như bàn thờ Phật thì sẽ là hoa huệ trắng, bàn thờ gia tiên là lay ơn đỏ, còn bình hoa lớn chưng ở phòng khách mẹ thường chọn hoa ly. Với mẹ, hoa không chỉ nhuận sắc mà còn phải có hương thơm nữa. Học theo mẹ, năm nay, chị cũng mua hoa có sắc đỏ hoặc vàng về chưng, hai sắc màu sặc sỡ này sẽ khiến không gian trong nhà bừng lên sức sống, đem lại may mắn và tài lộc cho cả gia đình.

“Trong gia đình nhỏ của mình thì tôi chưng hoa hồng vàng, đây cũng là sắc màu cả hai vợ chồng đều thích. Tôi cũng sẽ mua về cho nhà mẹ một bó hoa ly ù Đà Lạt thật đẹp”, chị Mai nói.

Bà Hương (mẹ chị Mai, trú quận Sơn Trà) kể, dịp gần Tết con cái bận chuyện làm ăn nên gửi con về nhờ bà chăm sóc thì bà cũng đặt ra quy định: sáng 30 là phải đón cháu về để mẹ cắm hoa. Bà bảo, trong rất nhiều thứ phải chuẩn bị ngày Tết, bà thích nhất là hoa.

Những việc khác như lột kiệu, ngâm kiệu, làm thịt ngâm mắm, ngào chảo mứt gừng… đều có thể tranh thủ vừa giữ cháu vừa làm nhưng riêng cắm hoa thì không được. Cắm hoa không thể vội vàng. Bình hoa chỉ đẹp khi người cắm thong dong, tập trung, dồn hết sự chú ý, nâng niu của mình vào nó.

Để giữ được nét tươi mới của những bông hoa trong suốt 3 ngày Tết, sáng 30, bà Hương dậy thật sớm, nao nức ra chợ Hàn chọn mua những bông hoa tươi tắn nhất, hoa nở e ấp vừa đủ, sau đó giành nguyên buổi sáng để cắm vào các bình. “Tôi thường mua 2 bó cúc lưới để cắm vào bình hoa thờ ông Táo và am thờ ngoài sân. Trong dân gian, hoa cúc là loài hoa quý nằm trong tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào.

Riêng bàn thờ Bác Hồ, năm nào mua được sen đẹp, tôi sẽ chưng sen. Bình hoa phòng khách là chiếm nhiều thời gian của cô nhất. Có năm tôi mua 3-4 bó lay ơn Đà Lạt về rồi tập tành cắm tua tủa ra như bàn tay của Đức Phật, có năm tôi đổi qua chưng ly. Những bình hoa tươi thắm khi nâng niu cắm, tôi đều gửi gắm vào đó mong cầu một năm mới hạnh phúc, con cháu được bình an, yêu thương trọn vẹn cho cả gia đình”, bà Hương bộc bạch.

Có thể nói, chưng hoa ngày Tết từ rất lâu đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt. Với nhu cầu lớn của người mua, hoa trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất dịp Tết. Bà Thu (chủ một cửa hàng hoa lâu năm tại chợ Hàn) chia sẻ, buôn bán quanh năm nhưng những ngày giáp Tết là các cửa hàng hoa xôm tụ nhất.

Mỗi ngày, cửa hàng của bà đón hàng ngàn lượt khách, gấp hàng chục lần ngày thường, dù giá hoa có thể cao gấp đôi, gấp ba. Niềm vui của người bán còn ở chỗ gặp được sự đồng điệu với người mua. Hoa được mọi người nâng niu, cẩn trọng chọn lựa. Kẻ bán-người mua chia sẻ kinh nghiệm chưng hoa, cách cắm bình hoa đẹp…

Hoa Tết được bày bán ở hầu khắp các chợ lớn, nhỏ. Theo nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, các cửa hàng hoa mọc lên trên nhiều cung đường thành phố, song chợ Hàn vẫn là điểm thu hút người mua nhất. Nguồn hoa về chợ chủ yếu từ Đà Lạt hoặc các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên.

Từ sau rằm tháng Chạp, hoa về chợ dồi dào ngày một, giá hoa theo đó cũng tăng, tùy từng năm. Chị Khánh Đoan, chủ cửa hàng Thạnh Đoan tại chợ Hàn, cho biết, khoảng chừng 25 tháng Chạp trở đi là hoa về nhiều nhất.

Một số loại hoa “bắt buộc” phải nhập từ Đà Lạt như lay ơn, ly, cúc lưới, hồng, hướng dương, cẩm chướng… Vài năm trở lại đây, một số chủ hoa tại chợ Hàn bắt đầu nhập thêm nụ tầm xuân, sao màu ở phía bắc về bán, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Bên cạnh các loại hoa nhập, hoa vạn thọ-loài hoa bản địa cũng được nhiều người chọn lựa. Chị Xuân Trang, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, chia sẻ, chị thường mua 20-30 chậu vạn thọ nhỏ để đặt trong sân nhà.

Theo phong thủy, hoa vạn thọ mang lại may mắn, cuộc sống bình yên cho gia chủ. Sắc vàng của vạn thọ biểu tượng cho phúc lộc, sự sống và niềm vui tràn ngập. Bởi vậy, đây là một trong những loại hoa không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Người ta tin rằng, đặt những chậu vạn thọ nhỏ dọc lối đi trước hiên nhà còn có thể giúp ổn định phúc khí trong nhà.

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.