Hội thảo khoa học Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam vừa được Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Tao Đàn Thư Quán và Công ty Bạch Đằng tổ chức ngày 28-12-2018 với hơn 100 đại biểu tham dự.
Có 17 học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học từ Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và Cộng hòa Liên bang Đức gửi tham luận tham gia hội thảo. Các tham luận đề cập nhiều vấn đề về: lịch sử, ngoại giao, tư tưởng quân sự, nghệ thuật chiến tranh, tôn giáo - tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật của thời Trần, tập trung vào 3 chủ đề lớn: [1]. Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam; [2]. Vùng đất Thuận - Quảng thời Trần; và [3]. Một số vấn đề văn học - nghệ thuật thời Trần.
GS.TS Thái Kim Lan (phải) và PGS.TS. Lê Đình Sỹ điều hành thảo luận tại hội thảo. Ảnh: T.Đ.A.S |
9 tham luận trong chủ đề 1 là những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, xã hội, văn hóa, tư tưởng thời nhà Trần; đối sách bang giao giữa nhà Trần với nhà Nguyên trước, trong và sau ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông; đánh giá nghệ thuật quân sự thời Trần; phân tích phương thức tổ chức chiến tranh và tài dụng binh của vua quan nhà Trần dẫn đến chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng vào năm 1288; nghiên cứu việc quản lý làng xã và nông thôn thời Trần; xem xét và bình phản quan điểm khắt khe của các sử quan thời Lê đối với hoạt động triều chính và quan hệ nội tộc của hoàng gia nhà Trần; đánh giá nhân vật Trần Thái Tông qua việc phân tích thái độ ứng xử và hành trạng của vị vua này dựa trên nguồn sử liệu đương thời; nêu ra những điểm tương đồng và dị biệt trong đường lối trị nước của vua Trần Nhân Tông của Đại Việt và vua Mongkut của Thái Lan dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo; nghiên cứu quá trình tiếp nhận và vận dụng tư tưởng Tam giáo trong đời sống xã hội của các trí thức thời Lý - Trần.
4 tham luận trong chủ đề 2 tập trung đánh giá công lao to lớn của nhà Trần trong việc mở rộng cương vực của Đại Việt về phía Nam; điểm lại các mốc quan trọng trong quá trình Nam tiến của cư dân Đại Việt thời Trần và phác họa một bức tranh tổng thể về phân bố dân cư và đơn vị hành chính trên vùng đất Thuận - Quảng, từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XV.
4 tham luận của chủ đề 3 tập trung khảo cứu về thơ văn thời Trần, về ứng xử của nhà Trần đối với nền văn hóa và nghệ thuật Champa, về quá trình giao thoa - tiếp biến văn hóa giữa Đại Việt với Champa thời Trần và giới thiệu di vật từ thời Trần hiện còn bảo lưu trong một ngôi chùa ở Thanh Hóa.
Vai trò của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam
Đánh giá về bang giao giữa nhà Trần với nhà Nguyên qua 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, tham luận của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử) cho rằng nhà Trần đã “thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc trong quan hệ đối ngoại, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà thực hiện sách lược vừa khôn khéo, mềm dẻo vừa cương quyết, không chịu khuất phục trước một đế chế hùng mạnh như Mông - Nguyên”.
Do đó, nhà Trần không chỉ chiến thắng quân Nguyên về quân sự mà còn giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. TS. Nguyễn Thu Hiền (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng: “Hoạt động bang giao trở thành động lực, hỗ trợ cho những thắng lợi trên chiến trường giúp Đại Việt bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia dân tộc”.
Về nghệ thuật quân sự thời Trần, PGS.TS. Lê Đình Sỹ (Viện Khoa học quân sự) đánh giá: “Nghệ thuật quân sự thời Trần có bước phát triển rất lớn, đạt đến đỉnh cao của tư tưởng và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thời quân chủ.
Đó chính là cơ sở tạo nên sức mạnh quân sự thời Trần, là nguyên nhân dẫn đến những thắng lợi vĩ đại trong cả ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông”. Đối với chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng vào năm 1288, TS. Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) nhận định:
“Chiến thắng Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ 3 vào năm 1288 có một ý nghĩa hết sức lớn lao, chẳng những với lịch sử sau đó của nhà Trần mà còn tác động mạnh đến cục diện hòa bình cho Đông Á và Đông Nam Á ở cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV trước hiểm họa bành trướng của đế chế Nguyên - Mông”.
GS.TS. Thái Kim Lan (ĐH Ludwig-Maximilian, Đức) dành trọn sự quan tâm đối với Trần Thái Tông-vị vua khai sáng triều Trần, cũng là người chịu nhiều phán xét của hậu thế, đặc biệt là của các sử thần thời Lê trên các phương diện đạo đức và nhân nghĩa.
Dựa vào những tác phẩm văn học và tư tưởng do chính Trần Thái Tông trước tác và truyền giảng, GS.TS Thái Kim Lan đã đặt mình vào vị thế của “người trong cuộc” để biện minh cho Trần Thái Tông trước những cáo buộc thị phi của người đời sau, cũng như “hành trình sám hối” của vua sau khi thoát ly quyền lực, trở thành một Thiền sư sáng tạo và truyền giảng lý thuyết Phật giáo cho môn đồ, chúng sinh và hậu thế.
Từ những phân tích sâu sắc về tư tưởng, sự chuyển hóa, sự sám hối mà Trần Thái Tông để lại trong các trước tác của ông, GS.TS. Thái Kim Lan cho rằng vua Trần Thái Tông là người đã “khai đạo và đặt nền tảng cho một nếp sống đạo đức Phật giáo Việt Nam”.
Đối với vùng đất Thuận - Quảng, các tham luận cũng như những ý kiến thảo luận tại hội thảo đều khẳng định nhà Trần đã có công đầu trong việc đặt nền móng cho công cuộc mở cõi về phương Nam của Đại Việt.
ThS. Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng) cho rằng: “Hành trình mở rộng bờ cõi Đại Việt về phương Nam và từ Quảng Nam vào thời nhà Trần có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổng thể công cuộc quảng-nam-mở-cõi, tạo điều kiện để các chặng đường tiếp theo như thời nhà Hồ, thời Hậu Lê - với cuộc chinh phạt Champa năm 1471 của Lê Thánh Tông, và nhất là thời các chúa Nguyễn, rút ngắn được rất nhiều thời gian và trở lực để sớm đi đến tận chót mũi Cà Mau”.
TS. Dương Thanh Mừng (Bảo tàng Đà Nẵng) nhận xét: “Công bằng mà xét thì công cuộc [mở cõi] này được mở màn từ thời Tiền Lê ở thế kỷ X, quyết liệt trong thời Lý, tương đối hòa bình trong thời Trần, vừa đánh, vừa lấn vừa đàm ở thời Hồ, thời Hậu Lê đối với Chiêm Thành.
Tới thời các chúa Nguyễn, Đại Việt đã biết lợi dụng cuộc nội tranh trong vương thất các nước Chiêm Thành, Chân Lạp mà thực hiện vừa bảo hộ, vừa lấn, vừa dần chiếm rồi dứt điểm xác lập chủ quyền cả về đất đai và dân cư. Tuy nhiên, khi đề cập đến sự nghiệp mở cõi vùng đất xứ Quảng, nên đặt công đầu thuộc về nhà Trần”.
Gợi mở nhiều vấn đề mới
17 tham luận tham gia hội thảo khoa học Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam tại Đà Nẵng là 17 mảnh ghép, phác họa nên một bức tranh tổng thể về chính trị - xã hội, quân sự - ngoại giao, văn hóa - nghệ thuật, văn học - tư tưởng thời nhà Trần. Có những tham luận là những nghiên cứu chuyên sâu, đưa ra những kiến giải mới, khách quan, khoa học và thuyết phục.
Có những tham luận chỉ mới cung cấp một vài gợi ý để các học giả, cử tọa tham dự hội thảo cùng đánh giá, thảo luận để vấn đề được sáng tỏ. Nhưng vượt trên tất cả là tinh thần khoa học, sự tâm huyết trong nghiên cứu và giá trị học thuật mà các tham luận đã và đang cố gắng đạt đến khi nghiên cứu và đánh giá về nhà Trần, một triều đại rực rỡ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, phần thảo luận tại hội thảo diễn ra cuối mỗi phiên họp mới là những đóng góp quan trọng và thú vị làm nên sự thành công của hội thảo này. Hội thảo diễn ra cả ngày với 3 phiên họp. Cuối mỗi phiên họp đều có một giờ dành cho thảo luận. Kết quả là đã có hơn 40 ý kiến thảo luận, trao đổi giữa cử tọa và tác giả các tham luận, tạo nên một không khí tranh luận học thuật rất sôi nổi.
Những vấn đề được đưa ra thảo luận tại 3 phiên của hội thảo là những vấn đề rất được các nhà nghiên cứu và những người yêu thích lịch sử Việt Nam quan tâm. Đó là:
Tính xác thực của Đại Việt sử ký toàn thư, bộ thông sử nổi tiếng của nền sử học phong kiến Việt Nam, được chấp bút bởi 8 tác giả trong suốt 425 năm.
Việc công chúa Huyền Trân trở lại Đại Việt sau cái chết của vua Champa Chế Mân (1307) là do Trần Khắc Chung mang quân vào đánh cướp hay do người Champa muốn giao trả công chúa Huyền Trân để đổi lại hai châu Ô, Rí mà Chế Mân đã dâng cho Đại Việt để cưới Huyền Trân?
Việc vận dụng hệ tư tưởng Tam giáo thời Lý - Trần để trị nước và an dân. Nho giáo và Đạo giáo có phải là tôn giáo hay chỉ là hệ tư tưởng?
Bình phản quan điểm của sử quan nhà Lê đối với một số nhân vật lịch sử thời Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ, Công chúa Huyền Trân, Trần Khắc Chung…
Vấn đề địa giới hành chính trên vùng đất Thuận - Quảng thời nhà Trần.
Sự giao thoa - tiếp biến văn hóa Đại Việt - Champa thời Trần và chính sách của nhà Trần đối với người Chăm và với văn hóa Champa.
Sau hơn 3 giờ thảo luận sôi nổi, hào hứng và trách nhiệm (chiếm gần một nửa thời gian diễn ra hội thảo), nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ bằng các tư liệu mới công bố, bằng các phương pháp nghiên cứu khách quan và khoa học và bằng các lý lẽ biện dẫn thuyết phục như: đánh giá lại một số nhân vật lịch sử thời Trần; vấn đề dân cư và địa giới hành chính ở Thuận - Quảng thời Trần, tam giáo thời Lý - Trần.
Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến trái chiều như: đánh giá về tính xác thực của Đại Việt sử ký toàn thư, việc Trần Khắc Chung đánh cướp công chúa Huyền Trân mang về Đại Việt…
Các ý kiến thảo luận đã gợi mở những vấn đề để các nhà nghiên cứu, các nhà sử học tiếp tục nghiên cứu về thời Trần và về vùng đất Thuận - Quảng trong tương lai. Đây chính là điều góp phần làm nên thành công của hội thảo khoa học Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam được tổ chức ở Đà Nẵng trong một ngày cuối năm bận rộn nhưng đầy ý nghĩa.
Trần Đức Anh Sơn