Nhớ cội mai vàng

.

Cội mai ấy có tự bao giờ, tôi không biết. Chắc là tuổi của cây lớn hơn của tôi rất nhiều. Chỉ biết rằng khi tôi bắt đầu vào tiểu học, biết theo chân ba vô nhà thờ tộc, ngồi trên bậc thềm chờ ba quét dọn nhà thờ và ngước mắt ngó lên cây thấy những nụ hoa chuẩn bị bung xòe những cánh hoa vàng rực là biết Tết sắp về, được nghỉ học, được mặc đồ mới tung tăng, được ăn những món mà ngày thường không có. Cội mai ấy gắn với những cái Tết đong đầy niềm vui, không gợn một chút lo toan của tuổi thơ tôi ngày xưa ấy.

Ba tôi kể rằng, quê tôi ở làng Kim Bồng, bên kia sông Hoài. Khi cuộc chiến tranh chống Pháp lan rộng, người dân trong làng dắt díu nhau đi tản cư để tránh bom đạn. Gia tộc tôi chia làm hai nhánh, một nhánh do ông cố tôi ngược dòng Thu Bồn về lập nghiệp ở Trung Phước, một nhánh qua bên kia sông lập làng Ngọc Thành cư ngụ.

Trong hành trang đi lập làng mới, ông của tôi đã đem theo một nhánh mai chiết từ cội mai cổ thụ trước nhà thờ đại tộc. Họ tộc phải chia các chi họ thành từng nhánh nhỏ về các nơi và làm nhà thờ họ để con cháu có chỗ sum vầy. Ba tôi là trưởng một chi trong họ nên được giao cai quản nhà thờ họ và lo hương khói cho tổ tiên. Nhà thờ họ của chúng tôi được xây lại và ba tôi đã chọn nhiều loại cây để trồng như vàng bạc, mẫu đơn, chuối nước….; trong đó cây mai vàng chiết từ cội mai cổ đứng trước sân nhà thờ là được ba tôi chăm chút nhất.

Với tôi, cây mai ấy như người báo tin vui. Cứ đến rằm tháng mười một, có bận rộn việc gì ba tôi cũng thu xếp để lặt lá cho cây mai. Mỗi lần thấy ba vác cái thang gỗ vào sân nhà thờ, tôi đều lẽo đẽo theo sau với cái giỏ bội đựng rác.

Ba leo lên lặt lá còn tôi ở dưới gốc gom lá cho vào giỏ và ngồi mơ màng nghĩ đến những ngày vui  sắp đến. Ba tôi lặt tỉ mẩn từng lá một, như sợ chạm mạnh sẽ làm đau cây. Nhìn cách ba chăm chút lặt từng lá, gượng nhẹ từng cành, đủ thấy ba tôi yêu cây mai thế nào.

Khi cây mai được lặt xong lá thì nhà thờ tộc của chúng tôi cũng được sơn quét lại chuẩn bị cho ngày chạp mả vào giữa cuối tháng Chạp. Sau những đợt gió bấc cuối mùa, nắng bắt đầu hửng để các nhà trong xóm tôi bắt đầu rộn ràng rang nếp, xay bột làm bánh in, bánh nổ; hong mấy nia củ cải, củ kiệu ra sân nhà thờ để làm dưa món thì những cành mai bắt đầu bung những nụ hoa e ấp.

Tôi có cảm giác như tâm trí ba tôi những ngày này để hết vào cây mai. Cứ sáng sáng, chiều chiều ba tôi đều vào nhà thờ, đứng dưới gốc mai nhìn lên cây với ánh mắt hân hoan.

Thỉnh thoảng còn nói lẩm bẩm một mình: “ Cây mai năm ni nụ nhiều, hoa sẽ nở to chắc sang năm họ nhà mình sung túc lắm đây”. Tôi chưa đủ lớn để hiểu ý ba nói, nhưng nhìn vẻ mặt của ba, tôi như vui lây, thấy cây mai như người bạn tâm đầu ý hợp, hiểu được mong ước của ba tôi.

Và năm nào cũng vậy, cứ tầm hăm chín tết, ba tôi đều nhờ người cắt cành mai đẹp nhất để chưng vào cái độc bình to trước bàn thờ tổ tiên. Sau khi cắm cành mai đầy hoa vàng vào độc bình đặt trang trọng giữa nhà thờ, ba tôi mặc áo dài đen, khăn đóng và thắp hương đèn sáng trưng trên bàn thờ tổ tiên và quỳ lạy, khấn vái.

Nhà tôi cũng được chưng một cành mai đẹp cắt từ cội mai già. Chiếc độc bình cổ mà ba tôi nâng niu lau chùi, cất trong một góc tủ thờ chỉ để mỗi năm một lần đem ra chưng cành mai đón Tết. Cắm xong cành mai, ba tôi đi tới đi lui ngắm nghía, lộ rõ vẻ mãn nguyện. Với ba tôi, chỉ cần có nhành mai vàng rực tỏa  hương thơm tinh khiết trong nhà là Tết đã đến.

Mỗi lần đến Tết, về nhà thờ thắp hương tổ tiên, tôi như vẫn thấy bóng dáng ba đứng trầm ngâm nhìn lên cội mai già để coi năm tới hoa có nở đẹp để bà con trong họ làm ăn khấm khá. Và tôi như nghe mắt mình có sóng.  

KIM EM

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.