Những dòng chữ viết tay

.

Nếu bạn vẫn nghĩ giờ máy tính đã viết hộ rồi, chẳng cần phải nắn nót viết tay làm gì, thì có lẽ không cần đọc đến bài viết này!

Tôi kiếm sống bằng nghề “cào bàn phím” (cách đám bạn vẫn gọi người theo nghề viết lách) - hiểu bàn phím có giá trị như thế nào, nhưng chưa bao giờ thấy thôi hào hứng khi thi thoảng gặp lại những dòng chữ viết tay mà mình gìn giữ.

Ảnh minh họa: NGỌC PHÚ
Ảnh minh họa: NGỌC PHÚ

Thứ mà tôi có thể giữ lâu nhất cho mình là bức hình cũ bố và con gái năm 1984. Lúc ấy tôi hơn 1 tuổi. Bố nguệch ngoạc mấy chữ vào đó và ký tên rất kiểu cách. Bố tôi có thói quen nắn nót chữ ký. Bố chẳng bao giờ gọi tôi là “con gái” ngoại trừ mấy dòng sau bức hình hay một vài cuốn sách sau này ông mua tặng tôi. Với tôi, đó là hai chữ rất ngọt. Mỗi khi nhìn những dòng chữ của bố - “tặng con gái” - đủ để thấy âm ấm rung rinh trong lòng.

Cái cảm giác lật mở một trang sách có những lời đề tặng ngăn ngắn, đầy ấm cúng như thế, với tôi mà nói, đã là một niềm vui. Niềm vui có khi đến từ một chuyến đi bán ve chai với mẹ, thấy cuốn sách chuyện kể về một danh nhân thế giới. Phía trong là lời đề tặng con trai Phạm Hồng Lĩnh, vào mùa thu năm 1989. Tôi đã hàng chục năm không đọc cuốn sách ấy nhưng chẳng hiểu sao vẫn gìn giữ.

Có lúc nghĩ, nếu gặp đúng Phạm Hồng Lĩnh, tôi sẽ không ngần ngại và thấy rất vui tặng lại cho cậu ấy kỷ vật đến từ quá khứ. Hẳn rằng, cậu ấy rất vui. Có lần, tôi chủ động tìm cái tên ấy trên Facebook, cẩn thận gõ thêm khoanh vùng Vinh, Hà Tĩnh, Nghệ An-là địa phương tôi ở ngày nhỏ, nơi mà cuốn sách lưu lạc. Cuốn sách ấy vẫn ở trên kệ sách nhà tôi bao năm rồi, không tặng lại cho ai-dù tôi có thói quen là sách không đọc nữa sẽ mang tặng người cần đọc để tăng giá trị cho cuốn sách.

Tôi thích đọc sách và giữ sách khá kỹ. Bao sách kỹ càng và không bao giờ có chuyện gạch bút vào sách hay đưa tay gập trang sách đánh dấu chỗ mình đọc. Tôi không muốn lần sau mình đọc bị chướng mắt hay người khác đọc sau mình thấy phiền lòng khi gặp trang sách không giống những trang sách khác như thế. Nhưng tôi vẫn luôn thích viết điều gì đó vào trang đầu tiên của những cuốn sách mình yêu và biết rằng nó sẽ luôn được gìn giữ rất lâu trên kệ sách của mình. Như hôm qua, tôi viết vào cuốn Sáu người đi khắp thế gian, đánh dấu ngày đầu tiên đưa con gái đi học đàn. Rằng, mong con sẽ có nhiều đam mê để bền bỉ theo con đường con chọn.

Thói quen ấy cũng chẳng phải riêng tôi, cô bạn gái của tôi còn “cao thủ” hơn khi viết những dòng rất tâm tư dành tặng con của mình vào cuốn sách cô rất thích khi mà cô ấy chưa hề có người yêu. Cậu nhóc của cô ấy năm sau vào lớp Một, đang bắt đầu tập đánh vần. Hẳn khi gặp những dòng chữ ấy, cậu sẽ rất thích thú và ngạc nhiên khi mai này biết rằng, mẹ đã nghĩ về mình khi mình mới chỉ là cát bụi đâu đó trong thế gian này.

Mẹ tôi làm nghề thống kê, bà thích viết lại những gì mình thích. Chẳng biết có phải do tính tỉ mỉ trong nghề của mẹ không.

Dạo ti-vi hay chiếu phim bộ Trung Quốc, Hàn Quốc, phía sau hoặc phía đầu bộ phim hay có những bài thơ. Thơ về tể tướng Lưu gù, về Yumi tình yêu của tôi. Mẹ thường thích những bài thơ ấy, chép lại vào cuốn vở nào đó tôi học năm trước vẫn còn dư khá nhiều giấy phía sau. Hoặc có khi, tiện tay, viết ngay vào tờ lịch mẹ vừa xé trên tường. Mẹ không có thói quen đọc sách như tôi. Mẹ cũng chẳng biết bao giờ có những vần thơ rất hay như thơ Olga Bergon, Tagor mà tôi vẫn chép vào sổ thơ. Giữa tôi và mẹ là hai thế giới trông có vẻ khác nhau nhưng vẫn có những điều liên quan bé nhỏ thật dễ thương như sở thích chép thơ ấy.

Và ngày kia, sau vài năm mẹ đi xa, tôi soạn kệ sách cũ, lần mở những cuốn sách trước khi chuyển tặng lớp học của bạn mình, tôi gặp tờ lịch mẹ kẹp hồi mấy năm về trước, khi bà còn sống. Dòng chữ nghiêng nghiêng của mẹ chép lại từ đâu đó (có lẽ là từ trang báo nào đó):

Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống an hòa với mọi người chung sống.

Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Tôi đã hình dung ra dáng ngồi gầy guộc của mẹ, tóc hoa râm lơ phơ, bay bay, kê tờ lịch trên tờ báo, trên chân, đeo kính vào viết nắn nót thẳng hàng. Những câu thơ quen thuộc ấy tôi đã gặp trong những bức thư pháp viết kiểu cách nhưng chỉ khi nhìn những nét chữ chân phương của mẹ mới khiến tôi trào nước mắt.

Tờ lịch ấy, mặt bên kia dĩ nhiên là ngày tôi còn mẹ. Tôi đã cất đâu đó rất kỹ để tránh bị cậu con trai siêu quậy nhìn thấy và có thể mang ra… xếp thuyền. Kỹ tới mức bây giờ chẳng nhớ đã cất ở đâu. Nhưng thực ra dáng chữ của mẹ, những câu chữ ấy, nhắm mắt lại tôi sẽ hình dung ra ngay tắp lự. 

Và đôi khi giữa những ngày cuống cuồng chạy deadline cố gõ máy tính thật nhanh cho xong bản thảo thì tôi vẫn có thói quen đốt chút tinh dầu, mở chút nhạc, viết nắn nót chút gì đó lên trang sách, lên cuốn sổ tay, thậm chí là cuốn sổ… chi tiêu của gia đình nếu bỗng dưng muốn viết điều gì đó mà ngại đi lấy một cuốn sổ mới. Khi viết tay những câu thơ hoặc câu hát mà mình vừa nghĩ tới, bao giờ cũng có quán tính cố viết đẹp nhất mức có thể, và đặc biệt có một cảm giác đầu óc mình thư thả thênh thênh, dù viết tay bao giờ cũng chậm so với đánh máy tính.

Bạn có thể sẽ thắc mắc, viết vậy để làm gì?

Chép lại một bài thơ, một câu hát hay cảm nghĩ nhẹ nhàng xẹt qua, tản mạn ngắn điều gì đó, chẳng để làm gì cụ thể. Chỉ mơ hồ biết rằng, có những điều chẳng bao giờ khác ngày xưa. Ngày mình 17, 18, tay còn đầy, ngón còn thuôn, chữ còn khá đẹp thì giờ tay mình có cứng hơn, chữ viết có xấu hơn nhưng ngọt ngào vẫn nguyên ở đó khi mình chậm rãi chép lại những gì yêu thích.

Có rất nhiều cách để chúng ta níu giữ những ngọt ngào ở lại trong đời sống của mình. Với tôi, chỉ đơn giản là những dòng chữ viết tay cũng có thể làm được điều tưởng như xa vời ấy.

VÕ THU HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.