Xuân đã về, Tết đang đến gần, đường phố trở nên nhộn nhịp, rộn ràng hơn, và chắc hẳn, lòng người cũng thấy phấn chấn, tươi vui hơn. Đối với mỗi người, đón năm mới là dịp để quây quần, vui vẻ bên gia đình, bạn bè và dành thời gian thư giãn cho bản thân.
Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động tích cực, có ý nghĩa thiết thực, từ bao giờ, việc tập trung ăn nhậu, rượu bia quá đà lại đang trở thành một hoạt động không thể thiếu ở khắp nơi, từ ngõ nhỏ đến phố lớn và đặc biệt là “bùng phát dữ dội” vào mỗi dịp lễ, Tết.
Nếu dành thời gian thả bộ dọc các con đường ven biển hay kể cả nhiều tuyến đường nội đô, không khó bắt gặp tràn ngập hình ảnh các quán nhậu san sát nhau, đông nghẹt khách. Và sau mỗi kỳ nghỉ Tết năm nào, hệ lụy từ những tiếng hô hào liên tiếp: “dzô, dzô…” là những con số thống kê tai nạn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khiến bao người phải ngậm ngùi thốt lên 2 chữ “giá như”. Mới nhất, trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), trên địa bàn cả nước xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông, làm chết 195 người và bị thương 199 người; trong số đó, thật đáng lo ngại khi phần lớn nạn nhân đều là những người “quá ham vui”, đã sử dụng đồ uống có cồn trước khi ngồi sau tay lái.
Ai cũng biết rằng uống rượu, bia rất có hại cho sức khỏe. Thế nhưng một khi tập thể nhiều người coi mối quan hệ anh em, đồng nghiệp… được xây dựng bằng các cuộc nhậu nhẹt thì tất yếu, bia rượu luôn có chỗ đứng. Thậm chí có người còn quan niệm, có tửu lượng tốt thì mới xã giao giỏi. Tại hội thảo Đánh giá tác động kinh tế - xã hội liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 15-11-2018, nhà văn Trần Thị Trường đã bày tỏ: “Nếu như thời xưa rượu, bia là để nếm và thưởng thức thì ngày nay việc sử dụng rượu, bia đã trở nên thái quá, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người uống, gia đình và cộng đồng. Từ đó tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt”.
Thật ra, bản lĩnh, văn hóa của người tham gia các cuộc nhậu là biết từ chối khi cảm thấy không cần thiết hoặc thấy mình đã đủ để dừng lại đúng lúc. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này để rồi phía sau những cuộc vui là nỗi đau khôn nguôi mà người thân và xã hội phải gánh chịu. Hãy thử tưởng tượng, những ngày vui xuân đón Tết ở khắp nơi sẽ trọn vẹn biết bao nếu hằng ngày, chúng ta không phải chứng kiến những vụ tai nạn đau lòng, không phải nghe những con số thống kê “lạnh lùng” về số người thương vong sau mỗi dịp nghỉ lễ! Để làm được điều này, trước hết, cần lắm ý thức làm chủ bản thân, vì mình, vì mọi người của mỗi cá nhân.
Tiếp theo, có lẽ đã đến lúc chúng ta nghĩ đến khung hình phạt nghiêm khắc hơn nữa dành cho những tội danh liên quan đến bia, rượu. Lái xe trong tình trạng say xỉn do bia, rượu quá chén, không kiểm soát được tốc độ rồi tước đi mạng sống của người khác, thậm chí là hàng chục người - đó chẳng phải “giết người”? Áp dụng khung hình phạt cao nhất có thể giúp mỗi người khi tham gia giao thông ý thức được rằng, mạng sống của người khác cũng quý giá như chính mạng sống của mình; tương lai của gia đình người khác cũng đáng trân trọng như chính tương lai của vợ, con và gia đình mình, để có trách nhiệm hơn khi cầm tay lái. Nói cách khác, để hạn chế được những tai nạn đáng tiếc mà nguyên nhân chính là do sử dụng bia, rượu và các chất kích thích, cần có sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng - từ tuyên truyền, giáo dục nhận thức đến ngăn chặn, lên án và trừng trị thích đáng.
“Phía trước tay lái là sự sống” - vì vậy, hãy lái xe bằng trái tim và máu không chứa cồn. Những bài học, hậu quả về tai nạn giao thông sau mỗi dịp lễ, Tết luôn nhắc nhở chúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi nâng ly để hòa vào những tiếng “dzô dzô” nơi bàn nhậu.
ĐỖ LAN HƯƠNG