Trong cuộc thi “Sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề về môi trường dành cho học sinh THCS, THPT lần thứ 2-2018” do Sở GD-ĐT thành phố tổ chức, nhóm các em học sinh Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (quận Ngũ Hành Sơn) đoạt giải nhất với đề tài: “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường từ mô hình Tổ dân phố không rác ở tổ 24 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn”.
Cô Trà Mân cùng các bạn trong nhóm thảo luận phương pháp nghiên cứu. Ảnh: H.A |
Nói về lý do chọn tổ dân phố 24, phường Hòa Hải để áp dụng mô hình “Tổ dân phố không rác”, Trần Thị Ngọc Quỳnh nói: “Tổ 24 là nơi 5 thành viên trong nhóm sinh sống. Đây cũng là nơi nằm gần các khu du lịch nổi tiếng như khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Quán Thế Âm, khu đô thị Phú Mỹ An… nhưng tình trạng đổ giá hạ, xà bần vẫn diễn ra hằng ngày, lượng rác thải sinh hoạt lớn trong khi công tác thu gom chưa được thực hiện kịp thời. Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân phố sạch đẹp còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, chúng em thực hiện đề tài này với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình nhằm xây dựng quận Ngũ Hành Sơn thành quận môi trường, thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường”.
Nhóm gồm 5 thành viên: Ngọc Quỳnh (lớp 9/2), Lê Minh Thành Tiến (lớp 9/3), Nguyễn Công Hiếu (lớp 8/1), Lê Gia Huệ (lớp 9/2) và bạn nhỏ nhất Trần Văn Nghĩa mới học lớp 7. Dù vậy, các em triển khai đề tài rất… chuyên nghiệp. Cô Nguyễn Thị Trà Mân - giáo viên hướng dẫn nhóm kể, khi được các em báo cáo đề tài, cô rất bất ngờ vì các em đã phân công công việc cho nhau rất cụ thể. Các em chỉ nhờ cô cho mượn một chiếc điện thoại thông minh để làm video clip. Còn lại các công việc từ nghiên cứu tài liệu về môi trường ở Đà Nẵng, trao đổi trực tiếp với cán bộ phụ trách Tài nguyên môi trường quận Ngũ Hành Sơn, phỏng vấn bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, người dân… các em đều tự làm.
Trong nhóm có bạn học buổi sáng, bạn học buổi chiều nhưng các em đã biết cách sắp xếp thời gian hợp lý đề cùng tham gia với nhau. 90 phiếu khảo sát được phát đến 90 hộ dân ở tổ 24. Sau khi nhận về phiếu khảo sát, các em tập hợp nghiên cứu, phân tích và tiến hành thực hiện mô hình. Đầu tiên, các em đến từng nhà dân để vận động các hộ gia đình góp rác tái chế cho người thu gom (người thu gom này là một “cô môi trường” có hoàn cảnh khó khăn tại tổ 24-PV). Sau đó, các em hướng dẫn người thu gom lọc ra những thành phần phù hợp để có thể chế biến nước rửa chén, nước lau sàn. Những thành phần còn lại và chất bã sẽ được ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vấn đề giờ giấc thu gom rác thải cũng được các em đặt ra. Trước đây, với 96 hộ dân, mỗi ngày, xe thu gom rác của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng phải đến từng nhà, vừa chạy xe vừa thu gom nên vương vãi rác khắp nơi, gây nhếch nhác. Các em đề xuất nên trang bị cho mỗi tổ dân phố 1 thùng rác 660 lít. Thùng rác này sẽ được bố trí tại khu vực của người thu gom rác. Như vậy, với 1 thùng lớn sẽ bảo đảm việc chứa rác của cả tổ dân phố, tránh việc để quá nhiều thùng rác gây mất mỹ quan đô thị; đồng thời, tiện lợi cho việc tái chế của người thu gom cũng như việc vận chuyển của Công ty CP Môi trường đô thị.
Em Trần Văn Nghĩa hớn hở khoe: “Từ ngày tham gia dự án, em ý thức rõ ràng hơn vai trò của từng cá nhân đối với môi trường sống. Em vận động ba mẹ, người thân trong gia đình phải phân loại rác từ nguồn. Đồng thời, mỗi ngày chủ nhật, em cùng với ba đều ra phố tham gia ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp với mọi người trong xóm”.
Nói về nhóm học trò nhỏ của mình, cô Trà Mân tự hào: “Kết quả mà các em đạt được là rất đáng tự hào. Những cô cậu bé ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà đã ý thức cao về môi trường, vận động, thuyết phục người xung quanh thay đổi thói quen ứng xử với môi trường, rồi có những cách làm tái chế rác thải… Có thể dự án sẽ gặp những khó khăn, trở ngại nhưng tôi tin, điều quan trọng nhất các em nhận được sau cuộc thi đó là thái độ sống tử tế với môi trường”.
Hải Âu