Dân số Đà Nẵng hiện nay đạt hơn 1 triệu người. Năm 2018, ngành du lịch thành phố đón hơn 7,66 triệu lượt khách. Các khu đô thị, khu công nghiệp được xây dựng ngày càng nhiều. Hiện tượng biến đổi khí hậu, bê-tông hóa bề mặt đất, ô nhiễm nguồn nước,… tác động lớn đến sự suy giảm và mất cân bằng nguồn tài nguyên nước ngầm.
Các bãi tắm công cộng có phục vụ tắm nước ngọt thường xuyên khai thác, sử dụng khối lượng nước ngầm lớn để phục vụ người dân và du khách. Ảnh: Lam Phương |
Nguồn tài nguyên nước ngầm
Theo kết quả đề án “Điều tra, đánh giá mực nước dưới đất, khoanh định khu vực phải đăng ký công trình khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” năm 2016 - 2018 do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất hiện nay khoảng 342.437m3/ngày đêm.Nguồn nước dưới đất tồn tại trong các tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước khe nứt.
Cũng theo kết quả điều tra, trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác được trên địa bàn thành phố khoảng 73.898m3/ngày đêm, chiếm 21,6% so với trữ lượng tiềm năng nước dưới đất. Từ kết quả cho thấy, trữ lượng nước ngầm hiện nay khá dồi dào. Công suất khai thác nước ngầm chiếm khoảng ¼ trữ lượng hiện có.
Theo báo cáo của Sở TN&MT về “Hiện trạng khai thác, sử dụng và công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” năm 2018, trên địa bàn thành phố hiện có 52 công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10m3/ngày đêm được UBND thành phố cấp phép. Tổng lưu lượng nước ngầm cấp phép khai thác tối đa là 14.476m3/ngày đêm, chiếm 19,6% tổng trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác.
Ngoài ra còn có trên 2.500 công trình khai thác, sử dụng nước ngầm có quy mô nhỏ, phân bổ khắp 7 quận, huyện. Các doanh nghiệp, đơn vị khai thác nguồn nước ngầm chủ yếu phục vụ tưới cây, xây dựng, chữa cháy và đặc biệt là phục vụ tắm nước ngọt tại các bãi tắm công cộng.
Theo ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, hiện nay, dọc các bãi biển Đà Nẵng có 12 bãi tắm công cộng có dịch vụ tắm nước ngọt phục vụ người dân và du khách, có hệ thống giếng khoan lấy nước ngầm. Tại mỗi bãi tắm trung bình có từ 8-14 giàn tắm nước ngọt với số lượng từ 80-140 vòi sen. Trong các đợt cao điểm mùa hè, tất cả 12 bãi tắm phục vụ từ 7.000-10.000 lượt khách/ngày.
Việc không của riêng ai
Theo đại diện Phòng Tài nguyên nước (Sở TN&MT), nguồn nước mặt đang đối mặt với nguy cơ suy giảm về số lượng do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng và các tác động xấu từ môi trường. Do đó, việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm là vấn đề tất yếu; đặc biệt là ở các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cần nhiều nước phục vụ tưới cây, cỏ; những vùng chưa được cấp nước thủy cục, xa các nguồn nước mặt. Việc giữ gìn, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước dưới đất, đặc biệt là ở các khu vực ven biển dễ bị xâm nhập mặn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hiện nay, điều kiện để bắt buộc đăng ký khai thác nước dưới đất phải đủ yếu tố: quy mô khai thác không vượt quá 10m3/ngày đêm và chiều sâu giếng lớn hơn 20m. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm vượt mức quy định vì theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đồng hồ đo lưu lượng nước thường bị hư hỏng phải thay thế. Mặt khác, với các giếng khoan quy mô nhỏ thường có chiều sâu không quá 20m nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng điều này để khai thác nước vượt mức 10m3/ngày đêm.
Việc giám sát lưu lượng, ghi chép nhật ký khai thác đều do doanh nghiệp, đơn vị khai thác tự thực hiện nên khó xác định chính xác lưu lượng nước ngầm được các doanh nghiệp khai thác. Mặt khác, nhiều đơn vị, doanh nghiệp theo thủ tục không đăng ký khai thác vì cho rằng công suất sử dụng nhỏ hơn 10m3/ngày đêm, nhưng trong quá trình khai thác có thể vượt mức nhưng cơ quan chức năng lại khó phát hiện vì không có thiết bị đo lường. Thậm chí, khi phát hiện, cơ quan chức năng cũng khó xử lý vì không xác định được chính xác lưu lượng nước khai thác. Từ đó dẫn đến tình trạng thất thu trong việc khai thác.
Từ thực tế đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố xây dựng các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay. Sở TN&MT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước dưới đất và có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp khai thác nước ngầm không phép, quá mức quy định. Sở cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, xã, phường trong công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra và thu thuế, phí khai thác nước ngầm, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải từ nguồn tự khai thác.
Ngày 6-11-2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5266/QĐ-UBND phân cấp cho các địa phương đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các giếng quy mô nhỏ. Với quyết định này, các giếng khoan với quy mô khai thác không quá 10m3/ngày đêm và chiều sâu giếng lớn hơn 20m phải thực hiện đăng ký đầy đủ.
Sở TN&MT cũng vận động các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tái sử dụng nước thải để giảm thiểu khai thác nước ngầm. Hiện nay có 7 cơ sở đăng ký và cam kết tham gia chương trình sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước thải an toàn cho môi trường để tưới cây, chữa cháy.
Tại các bãi tắm công cộng, những bảng hiệu tuyên truyền với nội dung “Xin hãy tắt vòi nước để sử dụng tiết kiệm nước” được gắn khắp các vòi tắm để tuyên truyền người dân, du khách chung tay bảo vệ nước ngầm.
Sở TN&MT cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố ban hành quy định mới về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Trong đó, trọng tâm là các quy định cụ thể của địa phương về bắt buộc lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước ngầm khai thác tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô nhỏ; quy định về niêm phong, kiểm định đồng hồ đo lưu lượng; quy định về các khu vực hạn chế khai thác nước ngầm. Đồng thời, Sở TN&MT thực hiện nhân rộng mô hình sử dụng tiết kiệm và tái sử dụng nước thải an toàn cho môi trường để hạn chế khai thác và dự trữ nguồn nước ngầm.
Việc sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, trong đó có nước ngầm là nhiệm vụ không của riêng ai. Mỗi người cần hiểu rõ sự quý giá của nguồn tài nguyên nước ngầm để có kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên ngầm.
LAM PHƯƠNG