Cách cho

.

Dịp Tết, khắp các trường học đều tổ chức trao quà cho học trò nghèo. Ngay cả cấp lớp, các hội phụ huynh cũng có quà cho học sinh khó khăn. Hoạt động này còn trở thành động lực để nhà trường tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ nhằm mỗi năm có thể giúp thêm nhiều em như: nuôi heo đất, biểu diễn văn nghệ hay đón tiếp các tổ chức, cá nhân hảo tâm đến tặng quà. Nhà trường bận rộn hơn nhưng trên tất cả là niềm vui khi thấy học trò của mình có cái Tết đỡ phần nào thiếu thốn. Thế nhưng, sự long trọng, rầm rộ trong cách cho học trò nghèo cũng có những điều cần suy nghĩ.

Cô bé xóm tôi cách đây vài hôm rinh về một phần quà phải nói hơi quá sức khiêng của em, gồm: bao gạo, thùng mì gói, chai dầu ăn, mì chính, bánh kẹo. Gói quà khiến mấy bà nội trợ trầm trồ vì đối với một gia đình kinh tế eo hẹp, gian bếp ngày Tết có đủ chừng đó món thì cơ bản không cần sắm thêm nữa. Riêng cô bé lại kể toàn chuyện… mắc cỡ. Em kể: “Tụi con được mời lên trước toàn trường trong giờ chào cờ rồi nhận quà có tất cả các bạn chứng kiến.

Nếu mình là học sinh giỏi được lên nhận quà trước trường sẽ vui hơn, còn tại nghèo nên được quà thì con ngại”, rồi em chốt vấn đề: “Nhận quà bự con thấy thích nhưng nếu cho kín đáo thì con ưng hơn”. Một người lớn tuổi trong xóm nghe cô bé kể chuyện không chỉ em mà vài bạn khác ở ngôi trường THCS này mắc cỡ khi ôm quà đã trách tụi nhỏ sĩ diện, nghèo được giúp phải biết mừng, có chi xấu hổ.

Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên món quà dù lớn hay nhỏ đều thực sự quý giá và nói lên sự quan tâm của cộng đồng, nhà trường dành cho các em. Tuy vậy, cũng thật cần lắng nghe cảm xúc của các em khi “được” nhận quà – những đứa trẻ mới lớn đầy nỗi sĩ diện tưởng chừng vô cớ mà bất kỳ ai cũng một thời trải qua. Anh họ tôi ngày trước không thích mẹ đến trường đón vì lúc nào mẹ anh cũng đội chiếc nón lá tả tơi. Anh sợ bạn biết rồi chọc mình nghèo. Giờ anh ôm mẹ kể lại “nỗi sợ” xưa cũ để rồi cùng cười cho cái thuở “trẻ trâu”. Dường như với những người lớn lên trong gia cảnh không bằng bạn bằng bè, ai cũng từng có những cảm xúc “trẻ trâu” như thế. Ngày xưa ba tôi chạy chiếc xe mà tiếng máy của nó nổ vang dội cả con đường, nhưng giá như nó ồn hoành tráng kiểu mô-tô phân khối lớn thì oai biết mấy, đằng này xe ba cũ và xấu đến mức khi ba không còn dùng nữa và có ý cho một người bà con ở quê thì người này ngay lập tức từ chối khéo. Thế nên mỗi khi ba đưa tôi đến trường bằng chiếc xe đó, tôi đều muốn ba dừng cách càng xa cổng trường càng tốt rồi đi bộ vào để các bạn khỏi bắt gặp. Chẳng ai chọc ghẹo ra mặt và cũng không phải không thương ba vậy mà tự nhiên cứ mắc cỡ. Chỉ đến khi đi qua thời “ẩm ương”, nhìn lại mới thấy tự hào về ba mẹ của mình và thương cái xe của ba biết mấy.

Có lẽ bởi cái cảm xúc “trẻ trâu” còn tươi mới nên tôi không trách cô bé hàng xóm như bác lớn tuổi kia. Tôi hiểu cảm giác khi “nhờ” rinh quà mà bạn bè ai ai cũng biết em nghèo thiệt. Vì lăn tăn câu chuyện của em nên tôi hỏi một người bạn ở nước ngoài (nơi có nền giáo dục phát triển) về cách tặng quà cho học trò nghèo xứ họ. Vừa nghe tôi hỏi, bạn trả lời không mất thời gian suy nghĩ: “Có tặng chi đâu!”. Rồi bạn giải thích để tôi không hụt hẫng lâu, không tặng chi nghĩa là không làm kiểu gọi lên rầm rộ để ai cũng chứng kiến. Trường con bạn cũng có học sinh khó khăn và các em hoàn toàn yên tâm đi học vì mọi khoản đều miễn phí, kể cả tiền ăn trưa bán trú. Mỗi cuối tuần, cô giáo còn đóng thức ăn vào hộp để học sinh mang về nhà dùng. Cha mẹ các em được miễn, giảm các loại thuế, nhất là thuế mua thực phẩm. Đặc biệt, mọi sự hỗ trợ đều diễn ra theo tổ chức nhằm hỗ trợ đúng mục đích nhất có thể mà không khiến học sinh mặc cảm.

Hỏi chỉ để tham khảo bởi không thể so sánh giữa hai môi trường sống và hai nền giáo dục, nhưng “cách cho” thì ở đâu cũng cần chung thước đo, đó là làm sao món quà khiến người nhận hài lòng. Một cô giáo tại Đà Nẵng chia sẻ, cách làm của trường cô vào dịp Tết là tặng quà cho học trò nghèo dưới tên gọi “học bổng” để các em cảm thấy được động viên và có tinh thần học tập hơn. Còn nhiều năm trước, có tặng quà thì nhà trường mời riêng các em và phụ huynh cùng cô giáo chủ nhiệm đến nhận. Đó cũng là một cách để suy nghĩ, nhất là đối với những đối tượng vốn rất nhạy cảm. Và có thể “cách cho” còn là một bài học hữu ích đối với các em về sự cho và nhận chứ không chỉ là cho đi một món quà mang giá trị vật chất.

CHÍCH BÔNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.