Cây dừa trên lưng ba

.

Ba nằm giữa mớ dây nhựa chằng chịt. Tiếng tít… tít… của máy đo điện tâm đồ vang lên bức bối trong căn phòng bệnh ngột ngạt. Cơ thể ba sọp xuống, co quắp trong tiếng thở mệt nhọc, nước da xanh tái hằn những vết đồi mồi qua một đêm đã đậm thêm trên khuôn mặt chỉ còn thấy hai gò má hóp sâu. Trong cơn mê sảng, ba gồng người hét “Nằm xuống!... Tiến lên!...”. Người lính già kiên cường của chị em tôi vừa phải chiến đấu với tử thần để trở về với sự sống sau cơn nhồi máu cơ tim. Năm hôm trước, ba đã thở mệt nhọc. Mấy đứa con gái bận bịu với công việc, loay hoay với con nhỏ cứ gọi điện chừng chừng, hỏi ba đi khám chưa… Vẫn ngỡ như mọi lần, ba tự đi khám được, tự lấy thuốc uống. Cho đến khi ba vào cấp cứu, đau đớn đưa mắt nhìn các con lần cuối trước khi lịm đi…

Tôi giặt khăn ấm lau cho ba. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh làm ba ngứa ngáy, vừa mê man vừa cào cấu vô thức trầy xước khắp cả người. Không dám lau mạnh, chỉ lấy tay khẽ cọ vào da cho ba dễ chịu hơn. Vạt nắng cuối chiều hắt qua ô cửa sổ, vàng vọt và hiu hắt như sự sống trong căn phòng bệnh này. Tôi luồn tay vào lưng ba, khẽ vuốt nhẹ. Bỗng sững người lại khi tay tôi chạm phải một mảng da sần lên ở giữa lưng, ngay cạnh xương sống. Trong khoảnh khắc, nước mắt như chực trào ra, tôi ngỡ ngàng tì chậm men theo vết da sần sùi ấy và thảng thốt với ý nghĩ: cây dừa thời thơ ấu của tôi, cây dừa nằm trên lưng ba!

…Tiếng tôi cười vang khắp sân khu nhà: “Ba đừng có lừa con!”. “Đố con chặt được cái cây đó!”, ba nằm úp xuống cái giường được kê ra giữa sân vì khu tập thể đêm nào cũng mất điện, quay đầu cười thách đố. Tôi chễm chệ ngồi trên lưng ba, đám trẻ hàng xóm xúm xít hai bên, chồng tay lên lưng ba và bắt đầu hát Chặt cây dừa/Chừa cây đậu/Trái ép dầu/Cây chụm lửa... Những đêm sáng trăng, lũ con nít chúng tôi sau lúc mệt nhoài với bao nhiêu trò chơi, bao giờ cũng quay lại nằm ngổn ngang trên chiếc giường tạm bợ với mấy miếng gỗ ép kê trên mấy cái ghế dài, rồi xúm xít và vắt vẻo trên lưng ba với trò chặt cây dừa ấy.

Nhưng chưa bao giờ tôi và lũ bạn chặt được cây dừa trên lưng ba. Cây dừa, cứ oai phong, lầm lì trên tấm lưng gầy guộc. Làm sao chặt được, cây dừa đó là vết sẹo của một lần ba bị thương nơi chiến trường. Nó kéo thành một vệt dài rồi gắn với mảng da sần hình tròn tròn. Không hiểu sao, trong đầu óc non nớt của đứa trẻ ngày ấy, tôi cứ tưởng tượng và hình dung nó giống thân cây dừa và mấy tán lá dừa tỏa ra. Không biết đã bao lần, sau những lần ba thách chặt cây dừa đó khỏi lưng, tôi cố tình miết thật mạnh, kéo thật căng mảng da sần sùi ấy, mà ba vẫn cười sảng khoái: “Không chặt được đâu con!”.

Ký ức trong phút giây bỗng hiện về như thước phim quay chậm, kỹ càng và ngỡ ngàng trong tâm trí của đứa trẻ đã ba mươi lăm. Tôi kéo cái áo ba lên để lặng nhìn cây dừa đã theo tôi suốt thời thơ ấu. Nó vẫn nằm đó, lì lợm nhưng không còn oai phong nữa. Thân cây dường như ngắn hơn, tán lá cũng không vươn căng tràn trề nhựa sống mà trĩu xuống, nhăn nheo. Cây dừa đã già thật rồi, trên tấm lưng lốm đốm vết đồi mồi của ba tôi!

Ba oằn người, tấm lưng gầy trườn hẳn về phía trước, chân ghì bàn đạp cố sức leo lên con dốc đầy cát. Đứa trẻ tôi ngồi sau xe, nghịch ngợm hò hét: “Cố lên ba ơi!”. Ba là bộ đội, đi suốt. Chỉ có mình má ở nhà loay hoay với ba đứa con gái. Tranh thủ những ngày phép, ba đèo tôi phía sau xe đạp để về thăm bà nội.

Có những chiều, ba vội vàng từ đơn vị về nhà, ăn bữa cơm trắng với mấy miếng khuôn đậu chiên, rồi tất tả đạp xe đi. Ngày má sinh đứa em kế tôi, cũng là con gái, cơn bão số 2 đổ về vần vũ xám đen trên mái nhà. Ba đội nón lá rách, một tay ôm hòn đá lớn, một tay vịn leo thang lên mái, chần mái tôn đang rạp lên rạp xuống chực bay khỏi nóc. Tấm lưng ba oằn xuống giữa mưa gió rít gào. Tấm lưng ấy sinh ra để gánh vác. Gánh cả việc tìm kiếm đứa con trai nối dõi cho dòng họ, gánh cả núi yêu thương với bốn đứa con gái nheo nhóc. Cây dừa trên lưng, theo ba năm tháng, có lẽ đã lì lợm với nắng mưa giữa đời…

Tôi òa khóc. Cố nén lại tiếng nấc để ba không giật mình. Niềm xao xót lẫn với nỗi ân hận chực trào lên lồng ngực, đau nhói. Hậm hụi với cuộc sống, tất tả với ngược xuôi mà quên mất tuổi tác ném dấu thời gian trên lưng mẹ cha. Ba tôi đã già rồi... Người thương binh trở về từ khói lửa đạn bom dẫu gan góc đến mấy cũng không thể thắng nổi sức mạnh của tháng năm. May sao, cây dừa chỉ mới ngã rạp bởi con gió lớn. Cây dừa kiên cường của chúng tôi!

Ngoài hành lang của phòng bệnh, những chiếc băng ca trắng di chuyển qua lại liên hồi. Tôi co người sợ hãi. Không biết tự lúc nào, tôi đã ghì siết vào tay ba, nghe hơi nóng trong mình len vào kẽ các ngón tay xương cứng già nua ấy. Trong nhịp thở mệt nhoài, tôi cứ như thấy cây dừa trên lưng ba đang cố chút hơi sức tàn để vươn dậy, vươn thẳng dậy. Xin đừng ngã xuống, đừng ngã xuống, cây dừa của tôi ơi!...

TRẦN THỊ HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.