Qua miền Đông Bắc

.

Không có cơ hội được dự một phiên chợ ở đó có người Dao, người Tày hay người H’Mông để tìm người trong mộng, tôi về với biển, với nắng gió miền Trung trong niềm nhớ rừng đá tai mèo sắc lạnh, nhớ đến cồn cào những ngày đi trên đá, đi qua đá trong điệp trùng núi rừng của vùng cao Đông Bắc và men rượu ngô chếnh choáng.

Mỗi nơi chúng tôi qua, thấy những cây sa mộc loang loáng ngoài cửa xe, và những câu thơ trong bài Khau Vai của ông thầy lãng tử Trần Hòa Bình cứ ám ảnh suốt trên từng chặng đường:

Nếu một mai mình không lấy được nhau
Em có đi tìm anh
Qua điệp trùng đá sắc
Những Khau Vai bầm dập dấu chân người?

Những bản làng nhỏ bé dưới các thung lũng.
Những bản làng nhỏ bé dưới các thung lũng.

1. Con đường từ Bắc Giang đi Lạng Sơn nườm nượp người xe, những chuyến xe chở hàng nông sản qua biên giới. Xe ngược núi nặng trĩu, xe về xuôi có nhiều xe không tải nên chạy rất nhanh, khiến đoàn chúng tôi phải dấm dứ một lúc mới dám qua đường, lúc ghé lại lũy ải trên đoạn quốc lộ mới đi qua thuộc quần thể di tích Ải Chi Lăng.

Cửa ải xưa, được tính từ cầu Quan Âm (thị trấn Chi Lăng) đến đền Hổ Lai (xã Mai Sao), có một bên là dãy núi đá vôi Kai Kinh hay còn gọi Bảo Đài và một bên dãy núi đất Thái Họa-địa danh lịch sử ghi dấu chiến công hiển hách của các triều đại nhà Lê, nhà Lý đã đánh tan quân Tống 2 lần; đánh Nguyên Mông vào năm 1285 do chính Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cầm quân; nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1427 chém Liễu Thăng của nhà Minh; thế kỷ 18 quân của Hoàng đế Quang Trung đánh tan đoàn quân của nhà Thanh… Không đến được cửa ải vang danh này, chúng tôi đành chụp một tấm hình kỷ niệm trên con đường ra biên ải.

Có lẽ Lạng Sơn là một trong những địa phương trồng mãng cầu (miền Bắc gọi là quả na) nhiều nhất cả nước. Hai bên đường, những vườn mãng cầu xanh um. Đi một đoạn là thấy bà con chưng trái cây hai bên đường bán cho du khách. Muốn quả chín ăn ngay sẽ có mãng cầu chín cây, hoặc quả xanh mang về làm quà cho khách đường xa. Đất đai tươi tốt của vùng đất tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi từ Bắc Giang lên đây, giúp cho người dân có rất nhiều vùng trồng trái cây chuyên canh. Như Bắc Giang có vùng trồng cam, táo; Lạng Sơn thì trồng nhiều mãng cầu. Màu xanh tươi tốt của những vùng cây trái khiến đời sống của người dân mang vẻ phồn thịnh, qua những thị tứ toàn những ngôi nhà đẹp đẽ hai bên đường.

Bữa cơm trưa ở Lạng Sơn, chúng tôi bắt đầu được nếm những sản vật từng ưu ái cho Sơn Tinh giành được công chúa năm xưa. Nếm một miếng thịt, miếng măng vầu, tự nhiên nghĩ đến những bữa cơm chỉ toàn cá, tôm của người xứ biển. Nhớ mình vừa rời Đà Nẵng mấy hôm, nay đặt chân lên vùng rừng núi, dù chưa ở hẳn những nơi chỉ có rừng và rừng, đã bắt đầu nhớ tiếng sóng vỗ, nhớ nước mênh mông của biển, của sông. Ai đi xa nhà chưa đủ để lâu, chỉ mới qua vài ba bữa cơm mới thấy niềm nhớ nhà, nhớ những gì thân thuộc đôi khi làm lòng mình nhoi nhói. Rồi nhìn cảnh, nhìn người, bắt đầu có chút so sánh với thân quen ngày cũ…

2. Tình thân mà anh em làm báo dành cho nhau, rất lạ. Mới gặp mà như đã thân lâu lắm rồi, rất dễ chia sẻ với nhau, có lẽ một phần do đặc thù công việc ai cũng đi nhiều, lăn lộn với đời sống của người dân, hiểu từng tấc đất ngọn cỏ quê mình. Chúng tôi, những người làm báo ở một thành phố được người dân cả nước ưu ái gọi là “thành phố đáng sống”, thấy quá trình tác nghiệp của mình có nhiều phần thuận lợi hơn anh em làm báo các tỉnh miền núi phía Bắc. Bởi, chỉ cần một buổi chúng tôi đã có thể đến địa phương xa nhất của thành phố, lấy thông tin rồi đi về trong vài giờ đồng hồ. Nhưng ở Lạng Sơn hay Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, các anh chị phải “cày” nát từng con đường về xã, về huyện, dài cả trăm cây số, mỗi chuyến công tác phải mất cả tuần.

Người và xe đều chinh chiến như nhau. Báo Hà Giang có rất nhiều phóng viên trẻ, và họ có mặt ở Đồng Văn, Xí Mần, Mèo Vạc… như cách mình hay gọi đùa với nghề giáo là “cắm bản”. Cũng không biết so thế nào là sướng, là khổ trên từng cung đường, trên từng trang tài liệu để làm nên một tác phẩm báo chí. Các đồng nghiệp chỉ còn biết kể chuyện đường dài của mình, và chia sẻ với nhau chân tình như những người bạn thân. Ở đâu cũng có sướng, có khổ, có hạnh phúc và chia sớt, song chúng tôi tự hào mình được đặt chân đến nhiều nơi, tiếp xúc với những cuộc đời bình dị nhất để cho ra đời những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống.

Buổi sáng chia tay chúng tôi đi qua Hà Giang, các đồng nghiệp Báo Cao Bằng tiễn cả đoàn đến đoạn dẫn vào Quốc lộ 34, nơi giao với Quốc lộ 4A và Quốc lộ 2. Những ly rượu ngô men lá được rót ra, sóng sánh, mỗi người nhấp một ngụm nhỏ; rồi chụp chung với nhau tấm hình. Tình cảm mến thương ấy chúng tôi kể cho nhau suốt dọc dài chuyến đi, thấy mình được yêu thương chi lạ!  

3. Con đường qua Hà Giang của chúng tôi theo vòng cung sông Gâm, từ Cao Bằng đi Tĩnh Túc, Bảo Lạc, rồi qua Mèo Vạc để đi lên Đồng Văn. Xe hướng về phía Nguyên Bình, đường khá đẹp, đèo mỏ thiếc Tĩnh Túc có lẽ là một con đèo ấn tượng nhất mà tôi từng đi qua. Phía dưới chân đèo, trời hửng nắng, vậy mà khi lên cao, sương mù dày đặc đến mức xe phải đi thật chậm, cẩn thận bám đường. Thỉnh thoảng vào mùa đông, cô phát thanh viên thời tiết xinh đẹp đưa ra cảnh báo về sương mù, tầm nhìn xa chừng mươi mét ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, mình cứ thấy thật xa xôi. Nhưng giờ ở trong lớp sương mù dày đặc mà chỉ cách chừng vài mét là không thấy gì trước mặt, khi mùa đông chưa áp sát, thấy khí hậu thật khắc nghiệt cho cuộc sống của người vùng cao. Nhớ chị gái ở Hà Giang kể vào mùa đông, nước lúc nào cũng có một lớp băng mỏng trên mặt, và điều đó hiện diện suốt nhiều tháng. Nên những người ở vùng nắng gió như mình ra đây, đi trong màn sương dày đặc cũng là điều kỳ thú.

Qua Hà Giang đầy đá tai mèo mới thấy cảnh sắc hai bên đường thay đổi theo độ cao. Đường ở Cao Bằng rừng xanh hoang dại. Các ngọn đèo ở đây không dữ dội với cua gắt bên vực thẳm cheo leo, mà lại dịu dàng vờn quanh sườn núi với cây xanh rừng thẳm. Vẫn những dốc ngược rì rì bò vút lên cao, rồi ào ào quay xuống núi; trong khi ở Hà Giang vực sâu cặp sát vào con dốc, một đoạn đường đèo lại mềm mại đổ xuống những cua lơi. Bởi vậy có thể nói đường đi Hà Giang qua đoạn Bảo Lạc có hơi khó đi, nhưng cảnh quan trên đường mang vẻ dịu dàng hiếm có.

Tháng 11, ruộng bậc thang đã hết mùa thu hoạch lúa, con đường dẫn chúng tôi băng ngang một vùng rừng núi điệp trùng, hai bên đường là những rừng tre kỳ lạ, không um tùm rậm rạp mà thẳng đứng một cách uyển chuyển, đều tăm tắp một cách đầy đặn đủ thưa, giống y bối cảnh rừng tre trong phim “Thập diện mai phục” từng làm mưa làm gió trên màn ảnh mấy năm trước. Cảnh đẹp đến nao lòng.

Mèo Vạc đón chúng tôi bằng những cây sa mộc bên đường. Sa mộc cùng họ với thông, lá như những búp thông khi cây còn bé, và những chùm quả lúc lỉu. Như trong bài thơ Khau Vai, sa mộc nằm lặng lẽ bên đường, những hàng cây đứng cạnh nhau, im lìm. Chắc ít người để ý, chứ tôi thấy chỉ bắt đầu qua đất Hà Giang, sa mộc mới xuất hiện. Mèo Vạc vẫn còn nhiều rừng, nhất là phía dưới đoạn giáp Cao Bằng, nhưng càng lên cao cây càng ít dần, thay vào đó là những rừng núi đá tai mèo nhọn sắc, thấp chứ chưa cao. Tôi gọi là rừng núi đá tai mèo bởi đá nối đá, liên hoàn, như một rừng cây bụi nối nhau như không muốn đứt lìa. Nhưng gần đến đèo Mã Pì Lèng thì từng cụm núi đá nhường chỗ cho từng ngọn núi đá cao sừng sững, uy nghi.

Mã Pì Lèng, con đèo được nhắc đến thường xuyên với những ai đã và đang muốn chinh phục vùng Đông Bắc, mang vẻ đẹp hiếm có khi một bên là núi đá cao, một bên là vực sâu dưới kia là dòng sông Nho Quế xanh ngắt một màu, sâu thăm thẳm. Dòng sông như một dải lụa, mảnh mai uốn lượn phía dưới. Chúng tôi dừng lại bên đường, cạnh một homestay đang hoàn thiện những bước cuối cùng, chuẩn bị đón khách cho mùa lễ hội hoa tam giác mạch. Ngôi nhà xây những ban-công nhỏ cho khách ngồi uống trà ngắm dòng sông bên dưới. Tôi nghe tim mình xốn xang. Nho Quế ơi, Đồng Văn ơi! Lần đầu tiên mình được đặt chân đến đây, nhưng cảm giác như thân quen lắm lắm, như được trở về một miền thân thuộc. Bởi suốt 4 năm đại học ở Hà Nội, người chị thân thương của chúng tôi, nhà văn Đỗ Bích Thúy, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, đã kể cho chúng tôi những nơi chị từng đi qua, nơi chị lớn lên trong một thung lũng ở huyện Vị Xuyên.

Mà một người làm báo, lại nhiều năm gắn bó với mảng quân đội của Báo Hà Giang, thì những chuyến đi, những trải nghiệm của chị đầy ăm ắp con người nơi chốn ấy. Chưa kể hơn mười năm qua, Đỗ Bích Thúy là người giới thiệu Hà Giang ra với bạn đọc cả nước, với thế giới qua những tác phẩm văn học, những kịch bản phim say đắm lòng người.

Đèo Mã Phì Lèng thuộc xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, là nơi sinh sống của người dân 8 dân tộc gồm Kinh, Tày, Giấy, Xuồng, Mông, Dao… Trong đó, dân tộc Mông chiếm 96,3%. Pải Lủng nằm trong vùng lõi quan trọng và đẹp nhất của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với nhiều dãy núi cao hiểm trở tạo cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng. Tại điểm dừng chân Mã Pì Lèng, anh em cô gái Vàng Thị Sao, 18 tuổi, thay mẹ ra đây bán hàng cho du khách.

Những quả trứng gà nướng, khoai nướng, bắp nướng thơm lừng làm du khách nấn ná không muốn rời đi. Vàng Thị Sao ngồi bên bếp lửa, má ửng hồng, em là người dân tộc Giấy. Sao bảo, mình chưa muốn lấy chồng vì còn phải giúp mẹ bán hàng và cũng chưa có bạn trai. Có lẽ tiếp xúc với nhiều người, nên tuổi lấy chồng của cô gái này còn chưa có, chứ nếu cô ở trong một bản nằm trong một thung lũng nào đó, có lẽ bây giờ đã có vài đứa con ríu rít bên cạnh.

Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định và cháu gái của vua Mèo Vương Chính Đức ở Đồng Văn.
Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định và cháu gái của vua Mèo Vương Chính Đức ở Đồng Văn.

Pải Lủng đang có tuyến đường đi bộ lên vách đá trắng có tổng chiều dài 5,3km, điểm bắt đầu từ khu vực tượng đài Thanh niên xung phong thuộc thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng, điểm cuối cùng là thôn Mã Pì Lèng A, xã Pả Vi của huyện Mèo Vạc. Lý Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng - một trong 600 cử nhân ưu tú về làm chủ tịch, bí thư các xã trong cả nước, cho biết Pải Lủng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đang tìm hướng phát triển du lịch. Như tuyến đường đi bộ lên vách đá trắng, để hiểu hơn về “tứ đại hùng đèo”, hiểu hơn lịch sử hình thành con đường dài khoảng 20km mang tên Hạnh Phúc này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động; trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.

Ngoài ra, tại thôn Mã Pì Lèng A, những người ưa khám phá có thể thám hiểm hẻm vực Tu Sản, là hẻm vực cao bậc nhất Đông Nam Á, phong cảnh vô cùng hùng vĩ được thiên nhiên ban tặng. Trong vài năm tới, Lý Văn Đông nghĩ đến tour chèo thuyền ngắm cảnh khu vực hẻm Tu Sản… Biến những điều khó khăn mà thiên nhiên có trở thành cái mà mình gọi là “ban tặng”, hy vọng ước vọng của Đông và lớp cán bộ lãnh đạo rất trẻ của Mèo Vạc và nhiều nơi khác trên cao nguyên đá này sớm thành hiện thực.

Đêm trên thị trấn Đồng Văn, hơi lạnh của núi đá như chẳng thấm gì bởi những chén rượu ngô trong veo làm chúng tôi đỏ “rực rỡ”. Rượu không làm say mèm, chúng tôi chỉ chếnh choáng một lúc trong tình cảm ấm áp của anh em Báo Hà Giang và các cô giáo từ Mèo Vạc lên chơi. Cả thị trấn nhỏ đầy ắp khách du lịch, trong đó nhiều nhất có lẽ là các phượt thủ đủ dân Tây, dân Việt. Sáng hôm sau, chúng tôi được mục sở thị một phiên chợ của bà con địa phương, đủ các sản vật rau, măng, mật ong của nhà “trồng được”, giá rất rẻ. Những người đàn ông gùi một mớ măng cây chỉ nhỏ bằng ngón tay ra chợ, đứng mời khách mà miệng cười cười như có phần xấu hổ trước những cô gái miền xuôi miệng mồm liến thoắng.

…Chưa rời Hà Giang, tôi đã rất nhớ vùng đất này, nhớ đến ứa nước mắt, cảm xúc bồi hồi như lúc đứng bên cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Miền Đông Bắc đẹp dịu dàng trong mùa hoa tam giác mạch, rực rỡ bên đường và lộng lẫy giữa trời, đủ làm say bất cứ ai một lần đến đây.
Những con đường mềm mại, uốn lượn trên nền đá tai mèo xám xịt, ẩn hiện trong làn khói lam chiều, mây cứ trồi lên cuồn cuộn, những bản làng xanh mượt bé tí xíu dưới ánh nắng sớm, gió mơn man chứ không dữ dội như vùng biển quê mình. Tôi nhớ lúc mình đứng trên một quả núi, trên cung đường, nhìn ngang tầm mắt là mây trời ngút ngàn, dưới chân là cả một thung lũng mênh mang xanh rì, những dãy núi trập trùng và hùng vĩ khiến ta thấy mình thật bé nhỏ. Chúng tôi sẽ trở lại vùng đất mến yêu này, “bằng một chuyến đi phượt”, như lời rủ rê thật hấp dẫn của một anh bạn đồng nghiệp.

 Ký của Hoàng Nhung

 

;
;
.
.
.
.
.