Nói đến Tourane/Đà Nẵngkhông thể không nhắc đến xe, trước hết là xe kéo. Ông nội người viết bài này từng là phu xe kéo ở Tourane những năm 30 của thế kỷ 20. Hình ảnh xe kéo Tourane còn được lưu lại trong một bức tranh vẽ hai chiếc xe kéo đang chở khách Tây ngang qua Tòa Đốc sứ trên đường Courbet/Bạch Đằng (hình số 1).
So với xe ngựa hoặc xe bò thì xe kéo là một bước lùi, bởi phu xe ngựa/phu xe bò dẫu sao cũng còn dựa vào sức kéo của ngựa của bò, khác với phu xe kéo chỉ biết dựa vào sức kéo của… chính đôi chân mình. Ông nội tôi thường kể rằng sợ nhất và nhọc nhằn nhất là khi kéo xe xuống dốc - chứ không phải lên dốc - bởi cùng lúc đôi chân người phu xe kéo vừa phải là chân ga vừa phải là chân phanh.
Một bức tranh khác trong bộ sưu tập HinhanhVietNam.com cũng vẽ chiếc xe kéo ngoại cỡ đang đi trên đường Courbet nhưng không phải chở người mà là chở nước và không chỉ một người kéo mà là 4-5 người (hình số 2). Sau này, Đà Nẵng vẫn còn xe kéo chở hàng, dân gian quen gọi là xe ba gác.
Riêng xe kéo chở người thì được thay bằng xe “đẩy” người - tức phu xe không kéo khách từ phía trước mà là “đẩy” khách từ phía sau và tuy vẫn dùng sức đôi chân mình để “đẩy” nhưng được hộ trợ bởi nhiều bộ phận của bản thân chiếc “xe đạp ba bánh”. Đó chính là xe cyclo/xích lô đạp. Sở dĩ phải gọi “xích lô đạp” là để phân biệt với loại xích lô được cơ giới hóa thành “xích lô máy” dường như chỉ Sài Gòn mới có…
Đà Nẵng không có xích lô máy nhưng đời tôi mấy lần được ngồi xích lô máy. Mặc dầu không còn cái cảm giác rằng mình đang làm khổ đôi chân người đạp xích lô song lại rất hú tim bởi luôn phải căng người chịu trận ở “tuyến đầu” khi xích lô máy đang lao vun vút giữa đường phố Sài Gòn…
Nhân nói chuyện xích lô được cơ giới hóa thành “xích lô máy”, không thể không nhắc đến một loại “xe kéo được cơ giới hóa” rất thông dụng không chỉ ở Đà Nẵng - đó là xe lam, tên gọi tắt của một loại xe máy ba bánh của hãng Lambretta sản xuất ở Italia - gồm một cabin cho lái xe ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở hàng hay chở gần chục người khách phía sau, chưa kể có lúc còn chở thêm hai người ngồi cùng lái xe trong cabin.
Đương nhiên một nơi đô thị hóa sớm như Tourane không thể không có ô-tô, thậm chí là ô-tô chuyên dùng để kinh doanh dịch vụ vận tải. Một tấm ảnh trong bộ sưu tập HinhanhVietNam.com chụp vào năm 1950 cũng trên đường Courbet/Bạch Đằng ghi cận cảnh chiếc xe Renault đời 1927 của hãng S.T.A.C.A/ Société des Transports Automobiles du Centre Annam đang chở khách ngang qua trụ sở của hãng Liên hiệp thương mại Đông Dương và Phi Châu (L’U.C.I.A)(1) thành lập năm 1904 (hình số 3).
S.T.A.C.A là một hãng xe khách - còn gọi là xe thơ vì kết hợp chuyển thư tín và bưu phẩm - của người Pháp có trụ sở chính trên đường Général Galliéni/Yên Bái Tourane và có cả chi nhánh ở Huế cũng như ở Đà Lạt.
Trước năm 1924, S.T.A.C.A độc quyền chở khách trên tuyến Tourane - Nha Trang, mỗi ngày có một chuyến duy nhất từ Tourane vào Nha Trang và một chuyến cũng duy nhất từ Nha Trang ra Tourane, hai xe S.T.A.C.A thường gặp nhau ở Quảng Ngãi khoảng 12 giờ trưa; nhưng đến năm 1924 bắt đầu có xe đò của chủ người Việt cạnh tranh với S.T.A.C.A (hình số 4).
Sau năm 1954, xe đò của chủ người Việt phát triển mạnh ở Đà Nẵng với các hãng xe nổi tiếng như Phi Long, Tiến Lực, Nam Lộc… vẫn với xe Renault Goelette 1400 là chính, cùng với một số xe ca. Xin nói thêm là vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, do khan hiếm xăng dầu nên ở Đà Nẵng người ta đã “độ” lại các xe Renault Goelette 1400 chạy xăng thành xe chạy than(2).
Nói đến các hãng xe tư nhân ở Đà Nẵng trước năm 1975, còn có thể kể thêm hãng xe An Lợi chạy tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại, đón/trả khách tại khu vực Ngã Năm, với thương hiệu xe Citroen Traction Avant nhằm tăng độ an toàn khi lưu thông qua đèo Hải Vân hiểm trở - cho đến đầu thập niên 1960, đường đèo chỉ được lưu thông một chiều, xe lên đến đỉnh đèo phải dừng lại để nhường đường cho chiều ngược lại. Ngoài ra cũng có những người Đà Nẵng đi lại bằng ô-tô riêng.
Hồi còn học Trường Trung học Phan Châu Trinh, tôi nhớ có một vài thầy cô tự lái ô-tô đi dạy, phổ biến là xe Citroen deux cheveaux - thường được gọi là “xe con cóc”, bởi dáng xe thoạt trông rất giống… cậu ông Trời.
Tuy nhiên sẽ là thiếu sót khi nói đến ô-tô ở Đà Nẵng thời chiến tranh mà không nói tới xe quân sự - dân gian quen gọi “xe nhà binh” dành cho lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên, cảnh sát và quân đội Sài Gòn, phổ biến là xe GMC, xe Dodge và xe Jeep…
Sau năm 1975, các loại xe này vẫn còn được tận dụng. Còn nhớ đầu thập niên 1980, người viết bài này làm việc ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thỉnh thoảng vẫn đi kiểm tra hoạt động dạy-học ở các huyện trên chiếc xe Jeep của sở, chở đông người đến mức mấy thầy giáo trẻ như tôi được… ưu tiên ngồi dưới sàn xe, quay mặt ra phía sau và hai chân thõng xuống mặt đường - dẫu sao cũng “oai” hơn, đỡ khổ hơn và đỡ mất thời gian hơn là đi công tác bằng xe đò.
Không hiểu sao người Việt gọi tàu lửa là “xe lửa” mà không gọi tàu bay là “xe bay”, cũng không gọi tàu thủy là “xe nước”.
Ngay cả từ Hán Việt cũng định danh tàu lửa là “hỏa xa” - “xa” nghĩa là “xe”, không thấy từ tố “xa” trong các từ liên quan đến máy bay và tàu thủy. Có lẽ điểm chung giữa xe và xe lửa là đều di chuyển trên mặt đất, đều chạy trên cầu bắc qua sông và những cây cầu đầu tiên của Đà Nẵng như cầu Nam Ô, cầu Đỏ hay cầu De Lattre de Tassigny… là cầu đường sắt tích hợp với cầu đường bộ, chứ không phải ngược lại, đơn giản vì đường sắt có trước đường bộ. Qua những cây cầu lưỡng dụng này, xe lửa được ưu tiên tuyệt đối, nếu muốn đường ai nấy đi thì Đà Nẵng làm Cầu Vồng, tạo thành nút giao thông khác mức.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng chục năm trước đây, khi mới bắt đầu hình thành ý tưởng di dời ga đường sắt từ khu vực nội thành ra ngoại ô, GS.TSKH Bùi Văn Ga đã chủ trì nghiên cứu một đề án hình thành tuyến tramway/xe điện mặt đất trên nền đoạn đường sắt sẽ phải di dời.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thay vì khai thác nhà ga trung tâm và đoạn đường sắt sẽ phải di dời như là bất động sản/đất vàng thì vẫn có thể tiếp tục duy trì một tuyến vận tải công cộng ở nội thành: Ga Đà Nẵng hiện nay sẽ thành ga tramway trung tâm, đoạn đường sắt phải di dời sẽ thành đường bộ kết hợp với đường rail tramway - do đường rail tramway chìm hẳn xuống nền đường nên khi tramway chạy qua rồi thì tất cả chỉ như một đường bộ bình thường.
Có một loại xe đặc biệt được phép vừa chạy nhanh vừa hú còi giành quyền ưu tiên trên đường - đó là xe “còi hú” với ba loại chính: xe hú ngồi, xe hú đứng và xe hú nằm. Xe hú ngồi là xe cảnh sát khi làm nhiệm vụ dẫn đường cho các đoàn xe ưu tiên, chẳng hạn như khi đón nguyên thủ quốc gia, và khi còi đương hú, mọi người trên xe đều ngồi - kể cả trên xe cảnh sát cũng như trên xe chở VIP. Xe hú đứng là xe cứu hỏa hú còi để giành quyền ưu tiên chạy đến nơi có đám cháy, và khi còi đương hú, lính cứu hỏa vẫn phải đứng trên xe với tư thế sẵn sàng. Còn xe hú nằm là xe cứu thương hú còi đưa bệnh nhân/nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, và khi còi đương hú thì trên xe ít nhất có một người… nằm.
Đô thị có xe còi hú chạy nhanh nhưng lại có một loại xe lúc nào cũng chạy với tốc độ rùa bò - mà muốn chạy nhanh hơn cũng không được - đó là xe hủ lô, còn gọi là xe lu. Thực ra hủ lô theo cách gọi phổ biến ở phía nam hay lu theo cách gọi phổ biến ở phía bắc đều phiên âm từ chữ Rouleau trong tiếng Pháp. Hình ảnh xe hủ lô thường gắn với các đoạn đường đang thi công và trong khi tác nghiệp thì xe hủ lô không những chạy chậm mà còn chạy tới chạy lui “dậm chân tại chỗ” để đầm nén/san lấp.
Lái xe quan trọng nhất là biết chạy đúng tốc độ quy định - phổ biến là quy định tốc độ tối đa, nhưng có khi quy định tốc độ tối thiểu. Và quan trọng nhất cũng không phải ở chỗ nhanh/chậm mà là ở chỗ biết dừng đúng lúc/ đúng nơi…
Bùi Văn Tiếng
(1) Nay là Indochina Riverside Towers số 74 đường Bạch Đằng.
(2) Thực ra “sáng kiến” chuyển xe chạy xăng thành xe chạy than là của người Sài Gòn từ đầu thập niên 1940 khi Nhật đảo chính Pháp - cũng nhằm mục đích khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu.