Trái ngọt từ yêu thương…

.

“Thầy động viên em ấy cố gắng học hành. Đừng vì không có tiền mà bỏ học giữa chừng. Tụi em luôn đứng phía sau hỗ trợ hết mình. Thầy cũng đừng nói cho em ấy biết ai là người giúp đỡ. Nhắn em ấy chỉ cần học giỏi là đã đền đáp ơn người giúp mình”… Đây là một trong hàng trăm tin nhắn của cựu học sinh mà thầy Bùi Hữu Tiên, giáo viên phụ trách Đoàn-Đội Trường phổ thông (PT) Hermann Gmeiner nhận được trong nhiều năm nay.

Lê Ngọc Vân (thứ 2 từ phải qua) trong một lần về trao quà cho học sinh của trường.
Lê Ngọc Vân (thứ 2 từ phải qua) trong một lần về trao quà cho học sinh của trường.

Ngôi trường của tình yêu thương

Có lẽ, Trường PT Hermann Gmeiner là một trong những ngôi trường đặc biệt nhất thành phố Đà Nẵng. Ngôi trường này có đến 1/5 học sinh đến từ Làng trẻ em SOS. Các em là những mảnh đời bất hạnh, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ nên thầy cô chính là cha mẹ, bạn bè, anh em.

Thầy Bùi Hữu Tiên đã dạy ở ngôi trường này từ những ngày đầu thành lập đến nay. Trong hơn 20 năm ấy, thầy vừa phụ trách công tác Đoàn-Đội, vừa phụ trách khuyến học và chịu trách nhiệm kết nối với cựu học sinh. Gần gũi các em là thế, thầy chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động của học trò. Đó là những em nhỏ cấp tiểu học ngày nào đến lớp cũng đứng khóc thổn thức mãi không chịu vào lớp. Khi hỏi ra nguyên nhân thì em nói, em nhớ cha mẹ lắm, em luôn là người được đón trễ nhất lớp vì ba mẹ đi làm, khi các bạn đã về hết, có hôm chỉ còn mỗi em và bác bảo vệ. Có em sáng nào cũng chảy nước mắt tủi thân khi thấy các bạn có ba mẹ đưa đón, còn em chỉ có một mình, bà ngoại em bận bán xôi buổi sáng nên không thể đưa em đến trường… Có trường hợp các em cá biệt, không trường nào nhận thì cha mẹ lại gửi các em vào Trường PT Hermann Gmeiner, vì cha mẹ bận rộn không có thời gian kèm cặp. Nhiều em còn tỏ ra bất mãn, xa cách với chúng bạn, thầy cô bởi mặc cảm những chia ly của gia đình, tâm lý các em đã phần nào tổn thương khó bù đắp.

Lê Ngọc Vân (sinh năm 1982), cựu học sinh của trường bộc bạch: “Tôi từng là học sinh cá biệt của Trường Hermann Gmeiner. Đánh lộn, quậy phá trong lớp, trêu chọc thầy cô, không bao giờ học bài trước khi lên lớp… Ấy vậy mà, dù tôi có vùng vằng cãi lại thầy cô, đánh bạn u trán mẻ đầu cũng chưa một lần các thầy cô nơi đây trừng phạt hay trách mắng tôi nặng lời. Mỗi khi tôi không kiềm chế được cảm xúc, thầy cô đều gọi tôi ra riêng, nhỏ to chia sẻ, vỗ về, an ủi. Chính cách cư xử của thầy cô ngày xưa đó mà tôi tin rằng, chỉ có tình yêu thương mới có thể cảm hóa được tất cả”.

Trường PT Hermann Gmeiner là một trong những dự án SOS do Chính phủ Việt Nam thỏa thuận với tổ chức SOS quốc tế mở ra. Tháng 1-1997, trường được khánh thành, nhằm giúp cho các em học sinh Làng SOS tiếp xúc, hòa nhập với cộng đồng. Trường tuyển sinh ở cả 3 cấp học. Có lẽ chỉ ở ngôi trường này mới thấy hình ảnh anh chị THPT sửa lại chiếc khăn quàng đỏ bị xộc xệch cho các em THCS hay các anh chị bồng những em tiểu học lên xe buýt, đỡ các em lên cầu trượt…

Đi để trở về

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, ghé Trường PT Hermann Gmeiner sẽ cảm nhận một không khí tươi vui, đầm ấm. Các em học sinh cùng nhau quây quần gói bánh chưng, bánh tét. Nhiều em học sinh cũ về trường trang trí một không gian đậm chất cổ truyền, để chuẩn bị cho chương trình “Xuân yêu thương”. Nhiều năm nay, vào mùa xuân, các anh chị cựu học sinh lại về trường chuyện trò, tỉ tê tâm sự với các em học sinh chưa ngoan; tặng quà động viên những học trò nghèo vượt khó; những em có thành tích xuất sắc trong học tập…

Là người gắn bó với chương trình “Xuân yêu thương” từ ngày đầu, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nói rằng, để gieo vào trẻ lòng nhân ái, tình yêu thương thì việc nuôi heo đất rồi cuối năm tặng quà cho nhau là không đủ. Việc tạo ra cho chúng một không gian đầm ấm, cùng nhau gói những chiếc bánh chưng tặng nhau, niềm vui sẽ nhân lên nhiều lần. Khi đó, trẻ sẽ học được cách san sẻ. Các em ngoài làng trẻ em SOS sẽ nhận ra rằng, mình may mắn hơn các bạn rất nhiều. Ngược lại, các em làng SOS sẽ nhận được sự quan tâm, tình yêu thương chan hòa của thầy cô, bè bạn. Tình yêu thương đó xuất phát từ tấm lòng trong sáng chứ không phải là sự bù đắp cho những tổn thương.

Trái ngọt của Trường PT Hermann Gmeiner mỗi ngày được thành hình, những học sinh đã thành đạt, nhiều em đã lập gia đình riêng vẫn đến giúp đỡ trường khi có thể. Quỹ học bổng “Vì học sinh Hermann thân yêu” do cựu học sinh thành lập là niềm tự hào của trường. Quỹ này do những trò cũ như Lê Ngọc Vân, Trần Hải Lịch, Nguyễn Đức Hồng - lứa học sinh đầu tiên của trường lập nên… Không chỉ đóng góp về vật chất, cựu học sinh còn thường xuyên về trường kết nối với thế hệ sau.

Trần Hải Lịch (sinh năm 1984) chia sẻ, anh tự hào khi là học sinh của Trường PT Hermann Gmeiner. Đặc thù của trường là học bán trú cả ngày nên thời gian tiếp xúc với thầy cô, bè bạn còn nhiều hơn với người thân trong gia đình. Cùng học hành, sinh hoạt với các bạn làng SOS, anh thấy thương yêu các bạn, các em nhiều hơn. Sau khi ra trường, có công việc ổn định, anh bắt đầu nghĩ đến việc phải làm gì đó cho mái trường này. Vậy là, anh cùng các thế hệ cựu học sinh Hermann quyết định thành lập Hội cựu học sinh, hoạt động chung trong sự quản lý của nhà trường. Hội có trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ, kêu gọi hỗ trợ từ mạnh thường quân để hỗ trợ học bổng hằng năm cho các em.

Mới đây, khi nghe nhà trường bày tỏ các em thiếu một sân bóng đá, Hội cựu học sinh cũng đã cùng nhau đóng góp tiền để xây dựng sân cỏ nhân tạo cho các em. Đây là sân cỏ “tự túc” đầu tiên của trường học trên địa bàn Đà Nẵng. Ngoài những hoạt động thường niên, bất cứ khi nào nhận được điện thoại của thầy Tiên về trường hợp học sinh khó khăn, tai nạn,… các anh đều kết nối với nhau để hỗ trợ hết mình. Anh Lịch nói rằng, những việc tụi anh làm hôm nay chính là những bài học anh đã được học dưới mái trường này.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.