Ngày nào còn là một cô sinh viên năm nhất đại học xa nhà, mỗi khi cảm thấy lo lắng, bất an, mỗi lần cần được xoa dịu, vỗ về, tôi lại đi bộ, len lỏi giữa con phố đông đúc của Sài Gòn để đến ngôi chùa lớn gần trường, thắp một nén hương rồi ngồi trên ghế đá trong khuôn viên chùa, cứ thế tĩnh tại nghe nhạc kinh Phật và thấy nhẹ nhõm, an yên lạ. Vì vậy, dù không theo tôn giáo nào nhưng tôi rất thích đi chùa, đơn giản chỉ để thấy lòng thảnh thơi và có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Thói quen và sở thích này tôi vẫn giữ đến tận hôm nay - khi đã U40 với một gia đình nhỏ êm ấm. Chỉ có điều, khi đi chùa vào những ngày lễ, ngày rằm, tôi rất sợ phải chứng kiến những hình ảnh lẽ ra không bao giờ có tại chốn tâm linh cần sự trang trọng và thành tâm.
Ở nơi nào đó, ngay từ đường dẫn vào chùa, nhiều chiếu bạc bầu cua tôm cá cầu may với đông người vây quanh, tiền thật được chuyền tay cùng không ít câu nói thô tục. Bước vào sâu hơn, thấy khách hành hương nhét đầy các tờ tiền vào tay, vào thân tượng Phật, rồi họ tranh nhau sờ tay, sờ chân tượng, có khi trèo cả lên đài sen. Họ dâng cả mâm vàng mã với đủ loại tiền, vàng, đô-la, xe hơi, nhà lầu… lên trước ban thờ và họ hóa tro không biết bao nhiêu tiền thật - số tiền mà theo quan niệm “Thiện” nơi cửa Phật, có lẽ sẽ giúp đỡ và biết đâu đem lại sự sống cho nhiều người.
Ở một nơi khác, cách cổng chùa không bao xa là các quán ăn treo đủ các vật nuôi, thú rừng đã được quay chín, thơm lừng. Vào những ngày tổ chức lễ hội đầu năm, nhiều dịch vụ bói toán mê tín dị đoan, xóc quẻ, buôn bán vàng mã, khấn hộ… xuất hiện tràn lan trước cổng chùa. Đó là chưa nói đến sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp, thậm chí đã có đổ máu để cướp lộc, mong đạt được mục đích nào đó trong năm.
Từ ngàn đời nay, giữa nhiều khó khăn, mệt mỏi của cuộc sống, hướng đến thế giới tâm linh dường như là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người; đồng thời cũng là một trong những cách nhắc nhở con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Từ đó, đi chùa và lễ hội đầu năm trở thành một nét văn hóa riêng của người Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ thật sự ý nghĩa khi mỗi người đến với lễ hội với lòng thành tâm và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc. Nói cách khác, tín ngưỡng, tôn giáo chỉ thực sự giúp đời - đẹp đạo khi con người biết gìn giữ những giá trị văn hóa đầy bản sắc và những hoạt động ý nghĩa, nhân văn, loại bỏ các yếu tố có màu sắc thần bí và mê tín dị đoan.
Ông bà xưa đã dạy: “ở hiền gặp lành” hay “phúc đức tại tâm”, nếu trong tâm chúng ta lúc nào cũng ích kỷ nhỏ nhen, không tĩnh tâm suy xét rộng lượng, chỉ biết đến bản thân thì phúc đức cũng chẳng bao giờ tới và ngược lại. Lộc có được cũng là do bản thân tu dưỡng đạo đức, bản tính lương thiện, sống tốt với những người xung quanh chứ không phải ở cái vòng, chiếc lá, vài cọng chiếu, cành hoa hay quả phết… cướp được tại lễ hội.
Đi lễ chùa mà mang ý niệm “tranh - cướp” đã là không đúng với tinh thần Phật giáo, và càng cố tình tranh giành, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp nhau để cướp lộc chốn thiêng thì liệu có nhận được phúc - an như mong muốn?! Liệu chúng ta có thể tìm thấy sự bình an hay may mắn không giữa cảnh xô bồ, ồn ã, thậm chí là bạo lực máu me? Không ít người đã không còn giữ thói quen đi chùa, lễ đầu năm chỉ vì lý do này. Đã đến lúc, cần đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm ý nghĩa thật sự, văn minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp kiên quyết, cụ thể đến từ các cơ quan chức năng và được xây dựng, giữ gìn từ nền tảng nhận thức của từng người dân.
Đi chùa, tham gia lễ hội đầu năm là hoạt động văn hóa truyền thống để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc. Đến với lễ hội đầu năm, mọi người đều cầu mong có được những điều tốt đẹp cho dân, cho nước, cho bản thân và gia đình, có dịp giải tỏa những âu lo, phiền muộn, được thư giãn tinh thần với những trò chơi dân gian lành mạnh trong ngày hội, được tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu về các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh của quê hương. Không những vậy, đây còn là dịp để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước về những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc cũng như phong tục, tập quán đặc trưng của từng vùng, miền trên cả nước. Vì vậy, các lễ hội đầu năm cần phải được duy trì và phát triển theo định hướng tích cực và nhân văn.
ĐỖ LAN HƯƠNG