Về nghe Kim!

.

Kim về sau cơn mưa mau. Xe đò chạy muộn, cặp đèn mờ tỏ, dò dẫm, khật khừ trong đêm như người ốm dậy tập đi. Vừa sốt ruột, vừa uể oải. Hai chín Tết rồi, ba má vẫn rảnh rang đi ăn phường, bù khú bạn bè chưa thấy về. Hai đứa em, đứa nhỏ theo ba má, đứa lớn ngủ lăn quay. Nội biểu Kim thay quần áo rửa ráy tay chân rồi quày quả đi chưng mắm.

Kim nằm mệt trên bộ ván ngựa, tưởng ngủ được một lúc, nhưng tai cứ dỏng lên hóng nghe giọng nội nhỏ to dưới bếp, nghe gió rượt nhau ràn rạt sau vườn. Một chặp, mùi mắm chưng thơm lừng dựng Kim dậy, tự động ra khạp, múc nước rửa mặt. Nước trời làm Kim tỉnh hẳn. Vói người lấy chiếc khăn nội vắt sẵn trên dây, Kim điếng người khi đèn vụt tắt rồi sáng òa lên cùng giọng nói dễ ghét: “Ma nè! Sợ hông?”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trời đất, không biết hắn tới hồi nào (chắc từ lúc Kim còn nằm dài trên bộ ván, hắn với nội chuyện trò rù rì dưới bếp). Tính lườm cháy má gã hàng xóm rồi không nỡ khi mắt Kim tia thấy rổ đọt rau hắn đang cắp bên hông. Quét ánh nhìn xuống dưới thấy đôi ống quần ướt rượt. Ai biểu giờ này lội ra vườn làm chi? Ờ, nhưng mắm chưng phải có đọt rau chớ. Hắn không kêu ca thì chớ, sao Kim phải lăn tăn?

“Hắn” chỉ là từ xưng hô Kim nhủ thầm trong bụng. Chớ bề ngoài không ai bạo gan kêu thầy giáo vỡ lòng những phím đàn cho mình là “hắn” bao giờ. Ai biểu ba “hắn” đi nước ngoài làm chi, gửi tiền về nhờ người bạn trên thành phố mua cho “hắn” một cây dương cầm. Cũng là người bạn là giáo viên thanh nhạc ấy đã dạy hắn bấm phím dương cầm. Rồi hắn ỷ có khiếu, ỷ hơn Kim một tuổi bọ, ỷ là láng giềng chung một bờ bao bông bụt chỉ cho Kim món đàn hắn học được. Cùng xóm có con Lưu Ly, con Minh Phụng cũng qua vòi hắn dạy cho mấy đường cơ bản nhưng không đi tới đâu, phần vì “hắn” đâu có nhiệt tình hết lòng hết dạ như chỉ cho Kim. Cộng thêm cái thói cả thèm chóng chán của hai nhỏ nữa.
Trời xui đất khiến thế nào, năm trước hắn thi khoa Toán - Lý trường sư phạm tỉnh (hổng liên quan gì tới món dương cầm), năm sau Kim cũng thi trường sư phạm nhưng là khoa nhạc. Tốt nghiệp loại giỏi, hắn được nhận về dạy ở trường cấp ba gần nhà. Còn Kim, ở lại thành phố, mix nhạc ở phòng thu.

Kim nhớ hồi cấp ba, thường qua nhà hắn ngủ với… nội hắn. Hắn vô đại học rồi, Kim càng năng sang. Ai biểu nhà hắn chỉ có hai bà cháu còn nhà Kim đầy nhóc người, nào nội, nào ba má với hai đứa em. Hồi đó cô Ba, cô Tư còn chưa lấy chồng nữa. Đi vô đụng, đi ra đụng. Má hắn mất sớm, ba hắn ở miết bên trời Tây, ngày nào Kim cũng theo nội qua chơi với nội hắn. Một bữa, nội hắn tỉ tê: “Qua ngủ với nội cho vui”, vầy mà thành quen, tối nào Kim cũng gấp tập qua sớm. Kim không thích học.

Tới bây giờ, Kim vẫn phải nói điều đó. Bài vở luôn là một điều quá sức với Kim. Nhìn vô tập, Kim y như người mắc nghẹn. Đọc truyện, chơi đàn thì được. Tuy vậy, học lực của Kim không đến nỗi tệ. Thi đại học, Kim vẫn thừa mấy điểm. Kim thích sự tĩnh lặng trong căn nhà của nội hắn. Ở đó, Kim hoàn toàn thả hồn vô những giấc mơ, không bị phân tâm bởi cười đùa rí rách của mấy đứa em, tiếng hai cô thì thào tâm sự chuyện hẹn hò, tiếng ho của nội và tiếng ba má lẩm nhẩm tính tiền hàng trong ngày. Quan trọng hơn là Kim được luyện đàn.

Học mơ học mót vầy mà cũng thạo chơi. Nhiều lần Kim nài nỉ ba má mua cho một cây dương cầm nhưng rồi sau lần sửa lại nhà, chiều ý Kim, dành riêng cho căn phòng đơn vắt vẻo lầu trên, có ban công có mái che xây chìa ra, mắc cả võng, đặt cả bộ bàn ghế mini, nối với cầu thang riêng ở ngoài trời, ba má ra nghị quyết từ giờ cấm có đòi hỏi gì nữa. Vậy là hết. Kim tự nhủ: suốt đời suốt kiếp này, Kim chẳng thể có một cây dương cầm cho riêng mình.

Kim đi làm, cả làm thêm nữa, cũng có dư dả. Kỳ nào về, Kim cũng đưa tiền cho ba má, biếu cả nội, mua đồ cho hai đứa em với mấy đứa nhỏ con cô Ba, cô Tư. Ngón nghề mix nhạc thần sầu giúp Kim kiếm bộn sau bốn năm năm, đủ để mua một căn hộ trả góp chút đỉnh. Nhưng Kim vẫn đi ở trọ. Căn phòng trọ bé tí tẹo, có thể nghe được cả tiếng gióng giọng của người sát vách đâu phải là chỗ lý tưởng để đặt một cây dương cầm. Với cả công việc bận rộn cuốn Kim đi. Đôi lần, Kim nghĩ vẩn vơ, bao lâu không thử đặt tay đàng hoàng lên những phím đàn, có lẽ đã quên đi cách chơi một bản nhạc đơn giản.

Cả ngày ba mươi, Kim ra chợ mua hoa rồi về quanh quẩn phụ nội dọn dẹp nhà cửa. Đêm ba mươi, như mọi năm, nhà hắn và nhà Kim nấu chung một nồi bánh chưng. Hai đứa đều khéo tay đùm bánh, được giao coi sóc củi lửa, hắn rủ mai ra ruộng hoa chụp hình, năm nay người ta dành ra nửa ruộng chờ tới rằm mới cắt, đãi dân địa phương chụp hình lấy may đầu năm. Kim ậm ừ và y như những lần trước, Kim đánh giấc trước khi bánh kịp chín.

Ngoại Kim mất đã lâu. Mùng một lên nhà cậu mợ chúc Tết ăn một bữa cơm rồi về vọt lên ban công lầu, nằm vắt vẻo trên võng, đang thiu thiu thì nghe dưới nhà rạo lên tiếng chào hỏi của mấy đứa nhỏ con cô Ba, cô Tư. Mồng một mấy năm nay tụi nó chẳng tổng tiến công xông đất, soán luôn vị trí bền vững mười mấy năm nay của hắn.

Chưa kịp xuống đã nghe réo tên chị Kim đòi lì xì. Lại phải quá bộ xuống dẹp yên bọn quỷ sứ. Non trưa tưởng xong thì má đi vòng vòng quanh xóm về, lết lên chiếc cầu thang dựng đứng, giọng buồn buồn, biểu: “Con Lưu Ly, con Minh Phụng đưa con về chúc Tết bên ngoại xôm quá. Đồng trang lứa mà tụi nó đã con bồng con bế…”. Má chưa hết chuyện thì bên nhà hắn vọng sang những tiếng cười nói quá cỡ. Má tự hỏi “Ai vậy ta? Rồi tự trả lời: “Học trò của Nguyên Bình tới chúc Tết hả?”. Trời đất! Tụi quỷ sứ. Người ta nói “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Tụi này định phá lệ, chơi trội chắc? Má xuống rồi, Kim ngóc cổ nhìn sang. Bộ bàn ghế dài kê ra sân, lúc nhúc người đứng người ngồi.

Tụi nhỏ cấp ba hồi này phổng phao ăn mặc mô-đen quá ha? Toàn chơi áo dài cách tân với váy vóc lung tung xòe. Còn nhỏ không lo học hành, tới lúc thi rớt mới chảy máu mắt nghe mấy cưng! Mà thói đâu học trò kề vai bá cổ chụp hình tự sướng với thầy vậy trời! Ngó thấy nổ đom đóm mắt rồi nha! Kim đi ngoắt vô phòng cho đỡ xốn mắt, qua tấm gương ba treo trên tường, liếc vô, thấy một con nhỏ “người bé dé to” (lời của bà Sáu người gốc Bắc) bận chiếc váy liền không tay màu hoa mơ, tóc thẳng mướt xõa ngang vai, cặp chân mày rậm nhỏ bạn cùng phòng trọ mới đè ra cạo cho ngự trên đôi mắt trong veo vì ngủ đủ giấc. Kim cầm cuốn sách mà không được chữ nào vô đầu. Cả ngày hôm đó, nhà bên vọng sang tiếng cười nói không ngớt. Tịnh không thấy hắn lảng vảng qua bên này. Trong bữa tối, nội Kim nhắc chuyện xông đất đầu năm, biểu nội hắn kỹ tính quá. Bà cụ, chị gái nội hắn mất gần năm rồi mà vẫn kiêng cữ, mồng một Tết bà cháu không dám đi đâu hết.

Mồng hai Tết, Kim nằm trên gác, nghe lao xao tiếng dì Bảy, cậu Ba tới chúc Tết. Rồi nghe giọng hắn thưa chào nội, chào ba má Kim. Vẫn mấy lời chúc Tết cũ rích năm nào hắn cũng “diễn” lấy le. Tiếng nội Kim xuýt xoa rút phong bao lì xì rột roạt. Đúng là con nít quá mà. Vậy mà lần nào về, nội Kim cũng khen hắn lấy được. Còn biểu cái gì mà, Kim còn phải học hắn dài dài. Đã vậy á, Kim dậy, mở toang tủ quần áo, lôi ra bộ đầm lụa hồng ngực thêu ren nhỏ bạn học thiết kế thời trang tặng bữa trước (bộ đầm này Kim chẳng biết mặc vô dịp nào nên mang về nhà, định bụng tặng cô Ba bận đi ăn cưới).

Một chút kem nền, chút son kem, loáng sượt trên tóc chút dầu dừa, Kim bước xuống nhà, hắng giọng thưa nội, ba má, cậu dì, anh Bình. “Bé Kim xinh quá ha? Cậu vừa đi qua ruộng hoa, thấy mấy cặp đang tạo dáng chụp hình. Chắc hai đứa định ra đó mà ăn diện tông xuyệt tông quá ha”. Kim nhìn qua hắn, hai má đỏ ửng. Đàn ông con trai mà bận áo hồng. Hổng biết hắn nghĩ gì? Hắn, cổ đeo máy chụp hình (chắc cậu Ba nhìn vô đó rồi đoán ra), chớp ngay: “Thưa nội, thưa chú thím Hai, tụi con đi ạ”. Trời đất! Nhanh hơn điện xẹt. Kim như người bị thôi miên, líu ríu lặp lại mấy lời đó rồi cung cúc xỏ vô đôi guốc má mới mua cho diện Tết, đi theo hắn như ma làm.

Ruộng hoa chỉ cách nhà Kim chừng vài trăm mét chớ mấy, đi lẹ nên tới lẹ. Dấu chân người chằng chịt, chắc lúc nãy cũng đông người chụp nhưng giờ người ta đi trốn nắng hết trơn. Mà, vầy cũng đỡ ngại chớ lỡ người ta hỏi chớ té ra hai đứa cũng gì gì với nhau ha? Dắt nhau đi chụp hình vầy nè. Kim nhìn qua, hắn sơ-mi hồng, quần jean, giầy thể thao khỏe khoắn, còn Kim đầm hồng, guốc cao châng lâng coi giống hình ăn hỏi bữa trước của vợ chồng nhỏ em con chú Tư.

Lâu quá không để ý, hồi này hắn đô dữ. Dáng đó lên thành phố được người ta mời đi làm mẫu không chừng. Kim nè, mét mốt bẻ đôi mà mấy nhỏ bạn mở cửa hàng thời trang toàn kêu tới tròng áo đầm làm mẫu giùm. Mà Kim cũng khái tính ghê nha. Nhất quyết không chịu chụp với mấy bộ đầm hở hang kệ mấy đứa nài nỉ ỉ ôi: “Đẹp phô ra đi mà”. Ai biểu Kim được thừa hưởng gen bồng đảo tốt tươi của nhà ngoại. Nhưng bận mấy bộ xẻ sâu đó cứ thấy ớn ớn, sao sao. Chừng nào làm cô dâu chắc cũng hổng dám bận chớ nói đâu chụp hình trưng lên đãi mắt thiên hạ. Mà hai từ “cô dâu” nghe vừa thinh thích vừa ngài ngại làm sao. Kim hơi cúi xuống, ngó lơ giấu đi đôi má nóng bừng, tay vờ víu một nhành lưu ly. Hành động vô tình làm nên một shoot hình tự nhiên, tấm hình đẹp nhất buổi sáng hôm đó. Tấm hình mà sau này Kim tình cờ trông thấy trong ví của hắn.

Cả chiều mồng hai, hắn cắm trại ở nhà Kim, hết chơi điện tử với thằng em kế Kim lại vô coi nội Kim, nội hắn với mấy bà trong xóm chơi tú lơ khơ. Chiều tối bên nhà có tiếng í ới, hắn mới chịu rút về. Được một lúc đã thấy bên nhà kêu: “Bé Kim, bé Kim, qua đây chút nè”. Tưởng đâu nội hắn lên máu, cần người đỡ, Kim nhào qua như tên bắn. Qua rồi thấy hắn đang ngồi giữa một dàn các em xinh tươi. Kim nhận ra có nhỏ Lành, nhỏ Mai mới lên đại học năm rồi. Tưởng gì, ờ há, hắn nhớ dai thiệt, nhớ cả chuyện Kim từng tham gia đội nhảy flashmob hồi còn sinh viên. Triệu qua cũng chỉ là xếp Kim vô cho đẹp đội hình nhảy trong buổi gặp mặt trao quà sinh viên đỗ đại học năm qua của xã.

Trời đất, tối mai trao rồi mà tối nay mới bắt đầu tập nhảy. Mà đâu phải chỉ có nhảy. Hắn còn lấy quyền gì đó không biết, giao cho Kim đệm đàn cho tiết mục đơn ca của Thủy Linh, con nhỏ xinh như mộng, cao gần mét bảy, gương mặt giả nai thấy ghét! Thương lượng hồi lâu, Kim mới thoát khỏi đội nhảy, nhưng vẫn phải đàn.

Chắc trần đời không ai ngu như Kim, khuya khoắt người ta rút hết trơn, vẫn còn ngồi luyện lại ngón đàn. “Nói chung là nhạc khớp lời rồi nhưng nét nhạc chưa nhuyễn lắm”. Ờ, hắn nói hay lắm. Dễ đến hơn năm nay, Kim đâu có đụng vô đàn. Cứng tay là đúng rồi. Ngon thì hắn chơi luôn đi, Kim khỏi tham gia mắc mệt. Nói vậy chớ thấy hắn tận tâm chỉ dẫn lại, Kim cũng không nỡ xéo xắt. Nội hắn ngáp ngắn ngáp dài, bưng ra đĩa bánh đậu, biểu “hai đứa tập đi nha, nội ngủ đây, bữa nay chơi bài ngồi mỏi thí mồ”. Công nhận Kim cũng nản với mình luôn đó.

Sáng hôm đó, Kim phải tập đàn dưới sự giám sát, đốc thúc của hắn. Xong rồi còn ráp nhạc với nhỏ Thủy Linh. Con nhỏ điệu đàng, luôn miệng “Thầy Nguyên Bình” mà con mắt liếc ngang. Trưa, Kim nhón về nhà ăn cơm, để tụi họ ở lại với nhau cho tự nhiên.

 Nửa chiều, tàm tạm ổn, hắn mới gia ân cho Kim ăn chút bánh trái. Tết nhứt coi như hết, dù chỉ mới mồng ba. Mọi năm Kim ăn Tết đến rằm kìa. Cho tới khi phải quay lên thành phố. Ăn xong lại quần quật tập đàn. Kim mỏi rũ tay mà hắn đâu chịu tha cho. Bên trọng bên khinh. Nhỏ Thủy Linh thì đã được về rồi. Chắc thấy Kim oải quá, hắn ẩy Kim qua mé ghế, ngồi ghé vô.

Rất lâu rồi, chắc từ hồi mới võ vẽ tập đàn, Kim và hắn mới lại song kiếm hợp bích. Mấy nốt cuối của bản “Tuổi 18” kết thúc, Kim vẫn bần thần, tay chưa nỡ rời khỏi phím đàn. Bản đàn gợi nhớ lại lứa tuổi đã qua rồi. Kim bây giờ đâu còn là cô bé 18 tuổi lí lắc xinh tươi. Nhìn Thủy Linh với nhóm nhảy flashmob mà thèm. Cú cụng đầu làm Kim chợt tỉnh mộng. Gương mặt hắn ghé sát mặt Kim, mắt hắn gườm gườm nhưng không có đáng sợ. “Nè, ngủ gật à? Tối nay diễn xong ngồi với nhau chút nghen!”. Tưởng gì, Kim không thích ngồi tụ tập kiểu đó. Kim không có ghét bỏ gì tụi nhỏ, nhưng không có hợp tạng đó. Cả ngày tập đàn mệt thí mồ, đàn xong chắc tếch luôn về nhà nằm dài cho sướng.

Tập tưởng rũ cả tay, vậy mà tới lúc đàn thiệt trước mặt quan khách thì sung hết biết. Những ngón tay Kim như múa trên phím đàn. Lời ca, bản nhạc vừa dứt, tiếng vỗ tay rộ lên cùng với tiếng trống ngực Kim thình thịch. Trong lúc học sinh đỗ đại học lục tục lên nhận thưởng, mọi người hóng xem con cái nhà ai, Kim lẳng lặng ra về.

Ngày Tết đường làng đèn điện sáng trưng, đi được một quãng, Kim nghe tiếng gọi. Ngoảnh lại thấy hắn đang chạy gằn đuổi theo. “Nè, sao về sớm vậy? Đã biểu ngồi với nhau chút mà!”, hắn nói giọng trách móc. “Thì cứ ngồi sau với tụi nhỏ đi. Đây, mắc… mắc… việc”, Kim ấp úng. “Ai biểu ngồi với tụi nhỏ? Thầy hiệu trưởng trường cấp hai muốn nói chuyện với Kim kìa. Trường đang thiếu giáo viên dạy nhạc.

Thầy đang tính mời Kim về dạy. Thầy biểu mời Kim mồng 6 qua trường”, hắn nói một thôi. “Ờ ờ, để Kim tính đã”, “Còn tính gì nữa. Về thôi Kim! Kim có biết, bao năm có người vẫn đợi Kim nè. Về, về nhe Kim!”. Đèn vụt tắt. Tối om. Tĩnh mịch. Kim hơi rùng mình. Kim vốn sợ bóng tối. Chắc Tết nhất dùng điện quá tải. Kim chưa kịp định thần, đã thấy hơi thở hắn kề bên.

Rồi hắn nhặt lấy tay Kim lên, ấp trọn trong tay hắn. Im lặng, lung linh ánh sáng. Kim nhìn quanh mình, thấy cả đội văn nghệ đã đứng vòng quanh, trên tay nhỏ nào cũng cầm hai que pháo sáng, miệng nheo nhéo: “Về nghe Kim! Về nghe Kim!” trong khi nhỏ Thủy Linh đưa cho hắn bó bông trao cho Kim. Trời đất, thì ra hắn đạo diễn hết trơn. Nhưng sao tim Kim rung rinh quá trời. Kim phải đưa tay lên giữ cho tim đỡ loạn nhịp. Xung quanh, tụi nhỏ vẫn nhao nhao. Kim khẽ gật đầu. Ba ngày Tết sắp qua hết mà sao lòng Kim bây giờ mới thật xuân…

Võ Thị Hà
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.