Về tên gọi dòng sông Mẹ xứ Quảng

.

Ngày nay, nhắc đến sông Mẹ của xứ Quảng, ai cũng gọi tên dòng sông Thu Bồn. Nhưng lùi về quá khứ xa xưa, tìm trong các nguồn sử liệu hiếm hoi, chúng ta cũng biết được, các lớp tiền nhân của vùng đất này có thể đã gọi Thu Bồn bằng những tên khác nhau…

Cầu Sắt - có thể là nơi dòng Đại Hoài Thủy và Tiểu Hoài Thủy hội lưu trước khi đổ qua kinh thành Điển Xung  xưa (Trà Kiệu nay). Ảnh: H.G
Cầu Sắt - có thể là nơi dòng Đại Hoài Thủy và Tiểu Hoài Thủy hội lưu trước khi đổ qua kinh thành Điển Xung xưa (Trà Kiệu nay). Ảnh: H.G

Duy Xuyên - có phải tên dòng sông?

Tôi là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Duy Xuyên. Tình quê như mạch máu chảy trong người, niềm tự hào về quê hương cũng chưa bao giờ vơi. Nhưng từ lúc đi học đến bây giờ, tôi vẫn đau đáu một câu hỏi lớn và thường không biết giải thích thế nào cho thỏa với mình, với bạn bè: Không biết tên gọi Duy Xuyên có nghĩa là gì? Sao các địa danh khác có thể lý giải được, bằng nhiều giả thuyết, mà chưa có ai băn khoăn rằng cái tên gọi thân thương này có nguồn gốc từ đâu? Lẽ nào nó là một cái tên vô nghĩa?

Khác với nhiều danh xưng khác, từ xưa đến nay, về niên đại ra đời danh xưng Duy Xuyên, nhờ chính sử chép rõ nên không có tranh luận nào. Đó là vào năm Giáp Thìn (1604), với cuộc cải cách hành chính lớn của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, huyện Hy Giang (thuộc đạo thừa tuyên Quảng Nam năm 1471) được đổi thành huyện Duy Xuyên. Từ đó đến nay, ngoài một thời gian ngắn (thời Pháp thuộc), Duy Xuyên là tên của một phủ thì danh xưng Duy Xuyên xuyên suốt là tên một huyện lớn của vùng đất Quảng Nam. Theo thời gian, diên cách địa lý của huyện thay đổi rất nhiều nhưng tựu chung đất đai của huyện, lúc rộng lớn nhất, đã bao quát một địa bàn rộng lớn ở vùng trung và hạ lưu sông Thu Bồn (bao gồm đất của huyện Duy Xuyên và phần đất của các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức,… ngày nay). Về hình thể, Duy Xuyên như một dải lụa trải dọc theo dòng sông lớn, sông cái của xứ Quảng. Có thể nào, nó chính là tên của dòng sông này thời xa xưa?

Các từ điển Hán-Việt đều định nghĩa rằng: “Giang” (江) là sông lớn, sông cái; “xuyên” (川) là dòng sông, sông. Ngoài ra, trong tiếng Hán còn có chữ “Thủy” (水) chỉ chung sông, hồ, khe, suối, ngòi… Theo đó, tôi đã lờ mờ đoán rằng: chữ Xuyên là sông thì Duy Xuyên có thể dịch là “sông Duy”. Trong các nguồn tài liệu gồm thư tịch cổ, văn bia, châu bản, gia phả… tên huyện Duy Xuyên thường có hai tự dạng: 濰川,維川 nhưng tự dạng có bộ ba chấm thủy (氵) phía trước thường gặp hơn. Trong các sử liệu đó, tên huyện Duy Xuyên là tên đất rất rõ ràng. Nhưng thỉnh thoảng trên một số văn bia trong vùng, chúng tôi cũng bắt gặp bài thơ hoặc đôi câu đối có dùng danh xưng Duy Thủy, mà Duy Thủy cũng có nghĩa là “sông Duy”:

(1) Bia ghi công đức họ Lê ở làng Lang Châu (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) có câu:

Duy Thủy uyên nguyên giai hải khoát/ Lang đình Bàn trĩ cộng thiên trường (濰水淵源偕海濶,琅亭盤峙共天長)

(2) Bia của xã Quảng Đợi/Đại (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) có câu:

Bàn Sơn Duy Thủy hậu căn nguyên/ Địa mạch chung linh vạn cổ tồn (磐山濰水厚根源,地脉鍾靈万古存)
Như đã nói đến ở trên, tên huyện Duy Xuyên được đổi từ tên Hy Giang (熙江). Trong lần đổi tên huyện từ Hy Giang sang Duy Xuyên, về mặt ngữ nghĩa, “Giang” đổi “Xuyên” đều có nghĩa là dòng sông, không có gì phải băn khoăn. Có chăng, nguyên nhân của việc đổi địa danh này không biết có phải là do tị húy chữ “Giang” (giống như trường hợp huyện Lê Giang(黎江)cũng đổi thành Lễ Dương(醴陽)cũng vào thời điểm này) hay không? Còn lại, điều đáng suy ngẫm là chữ “Hy” đổi thành chữ “Duy”. Các nhà ngôn ngữ học từ góc nhìn của sự biến âm, có thể cho điều đó là hợp lý không? Và quan trọng hơn, cứ theo mạch nghĩ như trên, tôi lại đoán Hy Giang cũng có thể dịch là “sông Hy”.

Tên huyện Hy Giang với ý nghĩa là tên đất đã rất rõ ràng. Nhưng cũng như trường hợp danh xưng Duy Xuyên trên đây, tôi cho rằng Hy Giang cũng là tên gọi của dòng sông. Sự lựa chọn một ngọn núi (Tào Sơn) và một dòng sông (Hy Giang) lớn trong vùng làm biểu trưng xứ sở như đôi câu đối dưới đây là trường hợp hiếm gặp, là một chứng tích quan trọng cho ý nghĩa “sông Hy”. Đó là đôi câu đối trên hai trụ cổng trước khu mộ ngài tiền hiền làng Mỹ Xuyên (nằm ở Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) là Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công (ngài có thể là một trong các chiến tướng theo vua Lê Thánh Tông bình Chiêm năm 1471 và ở lại khai khẩn đất đai, trấn quản vùng đất huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa, đạo thừa tuyên Quảng Nam): Tào Lãnh thiên trùng hổ bái long triều long phước địa Hy Giang nhứt đới sa hoàn thủy nhiễu bảo tôn phần

艚嶺千重虎拜龍朝隆福地
熙江弌带沙環水繞保尊墳

Thông thường, người ta vẫn lấy tên đất/tên làng để gọi tên dòng sông/đoạn sông chảy qua đất ấy/làng ấy. Nhưng tôi lại đọc được ý này của cố giáo sư Trần Quốc Vượng khi thầy khảo sát về một dòng sông: “Lấy sông làm tên đất là một nét bản sắc của địa danh học Việt Nam - Đông Dương” (Trần Quốc Vượng, Mai Đình Yên, “Về dòng sông Thiên Đức”, in trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994, NXB Khoa học xã hội, 1995, tr.459). Vì vậy, dù đoán định Hy Giang hay Duy Xuyên đều là tên dòng sông nhưng chưa thể khẳng định được: là lấy tên đất để gọi tên sông hay ngược lại - lấy sông làm tên đất?

Đến đây, dù là tên sông có trước hay có sau thì cũng đã có tên sông. Vậy ai đã đặt tên cho dòng sông? Sông Hy hay sông Duy thì có liên quan gì với tên gọi của dòng sông vĩ đại của chủ nhân vùng đất này (người Chăm) trước khi nó được Việt hóa không? Đó cũng là một câu hỏi lớn mà để trả lời được nó, chúng ta có thể phải lùi về quá khứ xa xưa hơn nữa…

Hoài Thủy trong sách Thủy Kinh chú để lại tên gọi sông Hoài của phố cổ Hội An nay?

Khi tìm hiểu, giải thích về tên gọi dòng sông Thu Bồn, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu để ý đến danh xưng Hoài Thủy trong sách Thủy Kinh chú (水經注)và đều cho đó là tên gọi của dòng sông này vào thời vương quốc Lâm Ấp.

Theo mô tả, đô thành Điển Xung (kinh thành Sư Tử Simhapura của vương quốc Lâm Ấp - Champa, di tích tại Trà Kiệu, Duy Xuyên ngày nay) được bao bọc bởi dòng Hoài Thủy (淮水,sông Hoài) và có hai nguồn lớn nhỏ (Đại Hoài Thủy và Tiểu Hoài Thủy). Nhiều nhà nghiên cứu khảo sát trên tư liệu bi ký thì mô tả, gọi tên Đại Hoài Thủy là “nguồn sông đô thành Sư Tử”, “dòng sông vĩ đại”.

Theo những khảo sát bước đầu trên thực tế của chúng tôi, nguồn sông lớn nhất chảy ở phía bắc vùng này hiện nay là sông Cái - sông Thu Bồn; một nhánh nhỏ của nó chảy ở phía bắc khu vực di tích đô thành đến cầu Chìm rồi tiếp tục chảy về đông, hội lưu với dòng chính Thu Bồn, chảy về Câu Lâu, hướng ra Cửa Đại và các con suối nhỏ, các đoạn sông ngắn, các dấu vết dòng chảy cổ bị khô cạn hiện nay ở phía bắc Trà Kiệu đều là tàn tích của dòng Đại Hoài Thủy xưa. Trong khi đó, một con suối nhỏ khá dài - dân gian trong vùng có người gọi là sông Tiên - chảy từ vùng rừng núi phía tây nam (khu vực thủy điện Duy Sơn nay) qua làng Dương Bi (nơi có phế tích tháp Dương Bi) đổ về sát phía tây đồi Bửu Châu - Trà Kiệu Thượng, hội lưu với dòng suối nhỏ (chảy từ hướng tây, qua làng Đông Yên) ở cầu Sắt rồi chảy qua trước di tích thành Trà Kiệu nay, có thể là dấu vết còn lại của dòng Tiểu Hoài Thủy.

Và một dấu ấn khác rất quan trọng liên quan mật thiết đến câu chuyện tên gọi dòng sông Mẹ của xứ Quảng ở đây là: Hiện nay, ở phía hạ lưu, nơi dòng sông chuẩn bị đổ ra biển lớn tồn tại danh xưng sông Hoài và phố cổ ra đời trên bờ tả của nó có tên là Hoài Phố. Mặt khác, trong các nguồn thư tịch cổ (như sách Ô Châu cận lục), chữ Hoài trong tên làng Hoài Phô/ Hoài Phố được viết với tự dạng là 淮. Sự phổ biến và quen thuộc của các danh xưng hiện tồn và sự trùng khớp với thư tịch cổ như vậy, có thể nói, là minh chứng sống động cho sự hiện hữu của dòng sông có tên là Hoài Thủy từ ngàn năm trước ở trong lòng đất Quảng nay.

Hoài Thủy - Hy Giang - Duy Xuyên đều là tên dòng sông Mẹ của xứ Quảng xưa?

Hy Giang (Sông Hy) - Duy Xuyên (sông Duy) với tên gọi Hoài Thủy (sông Hoài) trong sách Thủy Kinh chú - có liên quan gì với nhau không? Có phải cả ba danh xưng này đều là tên dòng sông Mẹ của xứ Quảng xưa?

Như đã dẫn ở bài trước, đã có một vài cơ sở để có thể suy luận Hy Giang hay Duy Xuyên đều là tên dòng sông, mặc dù chưa thể khẳng định được: danh xưng huyện Hy Giang, huyện Duy Xuyên là lấy tên đất để gọi tên sông hay ngược lại - lấy sông làm tên đất. Dù tên đất hay tên sông có trước, tôi cho rằng hai danh xưng này đều liên quan đến việc định danh của chủ nhân vùng đất này trước khi người Việt đến đất của người Chăm. Và cả hai danh xưng này có thể có quan hệ mật thiết với tên sông Hoài Thủy trong sách Thủy Kinh chú.

Giải thích nguồn gốc tên gọi Hoài Thủy, trước đây đã có một vài nghiên cứu suy luận do sự tương đồng giữa danh xưng Hoài Thủy của vương quốc Lâm Ấp với Hoài Thủy/Hoài Hà (sông Hoài) của Trung Quốc. Nhưng dựa vào nguyên tắc ký âm các danh xưng bên ngoài trong các sử tịch Trung Quốc, tôi cho rằng tác giả sách Lâm Ấp ký đã dùng tên Hoài Thủy để ký âm một danh xưng Chăm nào đó của dòng sông này. Có thể đoán định, chữ “Hoài” (淮) ở đây chính là ký âm của tên dòng sông này trong tiếng Chăm. Và rõ ràng, tên gọi Kraun Simhapura (nghĩa là “nguồn sông đô thành Sư tử”, trong đó Kraun nghĩa là sông, nguồn sông) xuất hiện trên bia ký của vua Jaya Harivarman I nằm trước tháp G5 trong quần thể thánh địa Mỹ Sơn không thể được ký âm là Hoài Thủy. Hiện tại, chúng tôi không biết trong các tài liệu bia ký hiện còn của vương quốc Champa xưa, có một danh xưng nào khác định danh cho “dòng sông vĩ đại”, “dòng sông thiêng” ở vùng Amaravati này không?

Không dừng lại ở chữ “Hoài”, theo mạch logic, tôi đã nghĩ đến vấn đề: tên gọi Hoài Thủy (sông Hoài) trong sách Thủy Kinh chú - có liên quan gì với tên gọi Hy Giang (sông Hy) - Duy Xuyên (sông Duy) không? Phải chăng cả ba danh xưng này đều là tên dòng sông Mẹ của xứ Quảng thời xa xưa?
Xét ba danh xưng Hoài Thủy, Hy Giang và Duy Xuyên, chúng ta đều thấy một yếu tố chung chỉ dòng sông là “Thủy”, “Giang”, “Xuyên”. Còn các yếu tố riêng là “Hoài”, “Hy”, “Duy” đều chỉ có một âm tiết và mang ý nghĩa định danh cho dòng sông. Từ phân tích này, chúng tôi bước đầu có hai đoán định:

(1) Hai danh xưng Hy Giang 熙江, Duy Xuyên 濰川/維川cũng giống như Hoài Thủy 淮水 có thể đều là tên của dòng sông lớn nhất xứ Quảng xưa, là tiền thân của các tên sông khác như Thu Bồn, Sài Giang/Sài Thị Giang...

(2) Ba chữ “Hoài 淮, “Hy 熙”, “Duy 濰/維” có thể là ký âm cùng tên của một dòng sông trong tiếng Chăm mà lời giải còn đợi các nhà ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Chăm quan tâm nghiên cứu.

Mỗi dòng sông có đời sống riêng của nó. Câu chuyện dòng sông Mẹ xứ Quảng là câu chuyện dài như chính lịch sử của vùng đất này. Trải qua hàng nghìn năm, lớp lớp cư dân thay nhau sinh tồn nhờ vào dòng sông như dòng sữa mẹ hiền hòa. Còn dòng sông như mạch sống lắng đọng, chuyển tải các giá trị nhân văn ở đôi bờ. Dòng sông đổi dòng, bồi lấp, tên sông biến thiên như dòng thời gian “thương hải tang điền” vô tình.

Ngày nay, nhắc đến sông Mẹ của xứ Quảng, ai cũng gọi tên dòng sông Thu Bồn. Nhưng lùi về quá khứ xa xưa, tìm trong các nguồn sử liệu hiếm hoi, chúng ta cũng biết được, các lớp cư dân của vùng đất này có thể đã gọi nó bằng những tên gọi khác nhau: Hoài Thủy (sông Hoài), Kraun Simhapura (nguồn sông kinh thành Sư Tử), Hy Giang (sông Hy), Duy Xuyên (sông Duy)… mà dấu ấn của nó ngày nay vẫn còn được tìm thấy trên đất Quảng.

HY GIANG

;
;
.
.
.
.
.