Xây hồ đập, nhà máy nước mới

.

Hiện nay, 95% nguồn nước phục vụ các mục tiêu kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng được khai thác tại hạ lưu của sông Vu Gia là sông Yên và sông Cầu Đỏ, nên mỗi khi xảy ra sự cố môi trường tại nguồn nước sông này thì người dân thành phố bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước có vị lợ. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho thành phố Đà Nẵng đến các mốc 2020, 2025, 2030, 2035, tầm nhìn đến năm 2045 và giảm tỉ lệ phụ thuộc nguồn nước sông Vu Gia từ 30-40%, bên cạnh xây dựng thêm đập Nam Mỹ, hồ Sông Bắc và nhà máy nước (NMN) Hòa Liên, Hòa Trung, cần xây dựng thêm  các NMN khai thác nước thô từ đập Bàu Nít, hồ Đồng Nghệ.

Đến năm 2025, Đà Nẵng phải hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy nước khai thác nước thô từ đập dâng Bàu Nít để bảo đảm cấp nước cho thành phố. Ảnh: N.T
Đến năm 2025, Đà Nẵng phải hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy nước khai thác nước thô từ đập dâng Bàu Nít để bảo đảm cấp nước cho thành phố. Ảnh: N.T

Khai thác nước trên sông Vu Gia hợp lý hơn

Theo định hướng nguồn tài nguyên nước mặt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng vẫn phải khai thác đến 60% trữ lượng nước thô từ sông Vu Gia để cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, việc vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa kiệt và xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ nước, khai thác nước sông Vu Gia vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Đánh giá về việc vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong những năm qua, ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho rằng, các hồ thủy điện đã tham gia phân phối lại dòng chảy trên các sông. Qua nghiên cứu số liệu vận hành các hồ thủy điện trong mùa kiệt từ năm 2016 đến nay, kết quả vận hành xả nước qua phát điện của các hồ chứa thủy điện với lưu lượng hằng tháng đều lớn hơn so với lưu lượng tính toán và cấp bổ sung nước cho hạ du sông Vu Gia. Cụ thể, lưu lượng nước được điều tiết về hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa kiệt dao động từ 72-140m3/s. Với lưu lượng nước này, không thể thực hiện đẩy mặn trên sông cũng như khống chế không xâm nhập mặn sâu vào nội địa vùng hạ du. Cao trình mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cơ bản bảo đảm mực nước tối thiểu quy định theo quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (trên 2,67m) và nguồn nước ngọt trên sông Vu Gia được sử dụng hiệu quả nhờ có hệ thống đập dâng An Trạch giữ nước lại.

Ông Trương Xuân Tý cho biết, các hồ chứa tham gia phân phối lại dòng chảy trên sông và cung cấp nước bổ sung cho hạ du trong mùa kiệt cơ bản đã đáp ứng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân phối dòng chảy chưa phù hợp giữa các tháng nên hiệu quả sử dụng nước chưa cao, khống chế độ mặn đạt hiệu quả thấp. Mặt khác, nước đưa về hạ du không được sử dụng hiệu quả vì chưa có công trình giữ nước ở hạ du. Vì thế, bên cạnh tính toán phân phối lại dòng chảy giữa các tháng và điều tiết các hồ thủy điện cho hợp lý hơn, tỉnh Quảng Nam thường đắp đập tạm tại sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén hằng năm để ngăn mặn, giữ ngọt, bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Tỉnh cũng phối hợp với thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn theo hướng điều phối nguồn nước xả, phát điện hợp lý trong mùa cạn và trong mùa lũ nhằm tăng cường nước về hạ du sông Vu Gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, tăng hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du. Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam tiến đến xây dựng đập điều tiết cứng trên các sông để chủ động ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả, bền vững. Cạnh đó, phối hợp với thành phố Đà Nẵng xây dựng đập điều tiết cửa van tại sông Quảng Huế và nạo vét sông Vu Gia để bảo đảm lưu lượng nước từ thượng nguồn chảy về hạ du sông Vu Gia trong mùa kiệt.

Còn ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam đề xuất thành phố Đà Nẵng cần khai thác nguồn nước từ sông Vu Gia chảy về đập dâng Bàu Nít để phục vụ cấp nước sinh hoạt bởi nguồn nước giữ lại tại thượng lưu đập mới chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, không áp lực về nhiễm mặn ở hạ du như đối với sông Yên và đập dâng An Trạch.

Phát triển nhiều nguồn nước khác

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, qua nghiên cứu, tính toán của Liên danh CKT-IHECC (Trung tâm Tư vấn và Xây dựng, Trường CĐ Công nghệ Kinh tế - Thủy lợi Miền Trung và Viện Thủy văn-Môi trường-Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Thủy lợi), trong trường hợp khai thác nước thô tại thượng lưu đập dâng An Trạch và đập Bàu Nít để cấp nước cho thành phố, lưu lượng nước phân bổ trong tháng kiệt nhất tương ứng với tần suất 95% (trong 100 năm thì có 5 năm kiệt nhất) đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của Đà Nẵng đến năm 2030 với lưu lượng 8,95m3/s.

Đối với lưu vực sông Cu Đê, lưu lượng dòng chảy tự nhiên trong tháng kiệt nhất không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước thiết yếu, thường xảy ra thiếu nước vào tháng 3, 4 và tháng 8 hằng năm. Tại đoạn sông Cu Đê qua thôn Nam Mỹ, nếu khai thác nước với công suất 120.000m3/ngày thì phải có hồ điều tiết mùa với dung tích hiệu quả là 3,6 triệu m3 nước; nếu khai thác nước với công suất 240.000m3/ngày thì phải có hồ điều tiết với dung tích 7,2 triệu m3 nước.

Tại hồ Hòa Trung, đến năm 2025, khi hầu hết diện tích đất nông nghiệp ở khu vực xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) đã chuyển sang đất đô thị thì công suất cấp nước sinh hoạt của hồ lên đến 20.000m3/ngày, đến năm 2030 thì có thể khai thác 30.000m3/ngày. Tại cửa sông Bắc, để không bị xảy ra thiếu nước trong các tháng kiệt nhất, cần xây dựng hồ chứa nước với dung tích hơn 50 triệu m3 nước.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Liên danh CKT-IHECC đã hoàn thành lập đề án Tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đề xuất đầu tư xây dựng hồ chứa Sông Bắc và khai thác thêm nguồn nước hồ Hòa Trung, hồ Đồng Nghệ để phát triển nguồn nước trong thành phố, giảm dần sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước sông Vu Gia để bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước cho thành phố, cũng như tạo nguồn nước dự trữ cho giai đoạn đến năm 2050.

Cạnh đó, thành phố đầu tư phát triển các công trình khai thác nước hài hòa trên các lưu vực sông để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước khai thác tại sông Cầu Đỏ. Mặt khác, khi các đô thị vệ tinh như: Bà Nà, Hòa Phong-Hòa Nhơn, Hòa Phước-Hòa Châu và các khu công nghiệp trên lưu vực Túy Loan gần lấp đầy theo quy hoạch thì cần hạn chế khai thác nước tại sông Cầu Đỏ để tránh nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nguồn nước.

Theo đó, đến năm 2025, phải hoàn thành việc đầu tư các NMN Bàu Nít có công suất 66.000m3/ngày, NMN Hòa Trung có công suất 10.500m3/ngày, NMN Hòa Liên có công suất 126.000m3/ngày, nâng công suất trạm bơm An Trạch và NMN Cầu Đỏ lên 366.000m3/ngày để bảo đảm công suất dùng nước của thành phố Đà Nẵng là 584.500m3/ngày.

Đến năm 2030 phải hoàn thành việc đầu tư mới NMN Đồng Nghệ với công suất 31.500m3/ngày; nâng công suất NMN Bàu Nít lên 126.000m3/ngày, NMN Hòa Trung lên 21.000m3/ngày, NMN Hòa Liên lên 252.000m3/ngày để bảo đảm công suất đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố là 815.500m3/ngày. Đà Nẵng cần hoàn thành việc xây dựng hồ chứa Sông Bắc 2 với dung tích điều tiết tối thiểu là 50 triệu m3 nước trước năm 2035 để tạo nguồn nước nội tỉnh đáp ứng được 40% tổng nhu cầu dùng nước của thành phố Đà Nẵng vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045.  

10 đề tài nghiên cứu nguồn nước chưa được áp dụng hiệu quả

Trong 10 năm qua, đã có 10 đề tài nghiên cứu khoa học về nguồn nước mặt từ cấp thành phố đến cấp quốc gia đã được triển khai với tổng kinh phí 16,6 tỷ đồng. Trong đó, có đến 9 đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu và hầu hết các đề tài đều có hàm lượng khoa học, tính chuyên môn cao.

Điển hình là các đề tài như: Nghiên cứu đề xuất giải pháp, quản lý sử dụng tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia-sông Hàn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng (Đề tài cấp quốc gia do Viện Công nghệ Môi trường chủ trì, đã được nghiệm thu năm 2011); Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn cho thành phố Đà Nẵng (đề tài cấp quốc gia do Viện Địa lý chủ trì, được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu vào tháng 1-2019)… Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu khoa học nói trên hiện chưa được triển khai áp dụng hiệu quả.

Trước tình hình đó, vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về nguồn nước mặt đã được triển khai và tốn nhiều kinh phí. Vì thế, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm số liệu tính toán nguồn tài nguyên nước mặt cho chính xác; quy hoạch, định hướng cho hiệu quả.

NAM TRÂN
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.