Trao đổi với Báo Đà Nẵng, bà Quách Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp trong việc thu gom, xử lý rác thải đô thị để bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ rất cấp bách.
Một mô hình kêu gọi phân loại rác tại nguồn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Ảnh: P.A |
Đốt rác là giải pháp sau cùng!
Theo bà Quách Thị Xuân, không riêng Đà Nẵng, rác thải ở Việt Nam đang là một thực trạng đáng lo ngại. Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đang khiến rác thải sinh hoạt và y tế tại các thành phố lớn ở Việt Nam tăng nhanh hơn cả các nước khác trên thế giới.
Tương tự như ở các nước đã phát triển trước đây và các nước đang phát triển hiện nay, xử lý chất thải rắn đối với Việt Nam hiện là một thách thức vô cùng lớn. Và cho đến nay, hai phương pháp xử lý rác truyền thống vẫn được sử dụng phổ biến là đốt và chôn lấp.
Theo đó, trên khắp cả nước, nhiều lò đốt rác đã được lắp đặt. Gần đây, có thể tính đến lò đốt rác tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa năm 2016. Tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2014 và 2015, 3 lò đốt rác được lắp đặt ở huyện Châu Thành, huyện Long Phú và thị xã Ngã Năm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, các lò đốt rác này hằng ngày phun ra môi trường chất độc gây ung thư rất nguy hiểm là dioxin/furan với mức cao hơn hàng chục lần quy chuẩn cho phép...
Cuối năm 2016, UBND xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Hoàng Kim Long tiếp nhận, đưa vào vận hành, xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Quốc Tuấn và một số xã lân cận. Kinh phí vận hành lò đốt là 20 triệu đồng/ tháng do UBND xã Quốc Tuấn chi trả, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường huyện cấp cho xã. Bên cạnh đó, một số loại rác thải không đốt được, tập kết về sau khi phân loại không có bãi chôn, chứa, phải đổ tràn cả lên đê sông Văn Úc, đồng nghĩa rằng việc đốt rác không giải quyết được triệt để vấn đề rác thải...
Một vài trường hợp nêu trên cho thấy hiệu quả từ công nghệ đốt rác vẫn chưa được khẳng định ở Việt Nam. Cho tới nay, trên thế giới, trong các công nghệ đốt rác được biết đến bao gồm công nghệ dựa trên sự đốt cháy, nhiệt phân, nhiệt hóa và plasma, thì ngoài công nghệ plasma có chi phí cao và vẫn còn đang bị hoài nghi thì đốt rác là một phương pháp không bền vững và lỗi thời trong xử lý chất thải. Dường như việc chi tiêu một khoản tiền lớn vào lò đốt đã tạo ra nhiều vấn đề hơn so với những gì mà chúng đã giải quyết.
Vì vậy, Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế đốt rác (Global Alliance on Incinerator Alternatives - GAIA) được hình thành từ năm 2000. Ban đầu có 20 nước tham gia, nhưng hiện nay đã có 90 nước tham gia. Kể từ sau năm 2000, nhiều nước không xây mới các nhà máy đốt rác, thậm chí Nhật Bản đã đóng cửa một số nhà máy đốt chất thải.
Nguyên nhân dẫn tới phong trào chống đốt rác được chỉ ra gồm: Đốt rác gây lãng phí tài nguyên. Mặc dù nhiều nước thiết kế lò đốt để phát điện nhưng lợi ích từ phát điện không đủ bù đắp chi phí; đốt rác không giải quyết triệt để vấn đề mà chỉ chuyển ô nhiễm từ dạng này sang dạng khác. Đặc biệt, với những lò đốt có nhiệt độ thấp hơn 850 độ C thì khi đốt sẽ phát sinh khí dioxin là khí cực độc, không được phép phát thải. Với những lò đốt duy trì nhiệt độ trên 850 độ C thì cũng chưa đánh giá được mức độ an toàn đối với môi trường sau khi đốt.
Theo bà Xuân, để nói “không” với đốt rác có thể chuyển hướng tới 90% chất thải khỏi lò đốt hoặc bãi chôn lấp nhờ áp dụng thực hành không rác (tức là thực hành từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, tái thiết kế và làm phân compost). Và nhiều nước đã thực hiện thành công chương trình hành động không chất thải.
Tháng 11 - 2018 vừa qua, được sự cho phép của UBND thành phố, Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Viện) đã có chuyến thăm, làm việc tại Philippines và ghi nhận được một số kinh nghiệm quý ở đất nước này. Đó là những mô hình tại một số khu dân cư, trường học tại thành phố San Fernado, nơi mỗi hộ gia đình có trách nhiệm tự phân loại rác thải tại nhà thành 4 loại (rác hữu cơ, rác tái chế giá trị cao, rác tái chế giá trị thấp, rác không thể tái chế). Sau đó, tổ thu gom (được trả lương do các hộ dân tự đóng góp và 40% lợi nhuận từ các sản phẩm tái chế) của khu dân cư sẽ có trách nhiệm thu gom, đưa rác tới trung tâm phục hồi chất thải của khu dân cư (Material Recovery Facility, viết tắt là MRF).
Tại trường St. Scholastica’ s Academy, nơi có khoảng 3.000 học sinh, nhà trường cũng xây dựng một trung tâm phục hồi chất thải MRF diện tích 200m2 vào năm 2013. Trong khuôn viên nhà trường, các thùng rác phân loại được bố trí khắp mọi nơi.
Tại nhà ăn, các em học sinh tiểu học khi ăn xong thì phải tự dọn và phân loại rác. Các tranh ảnh, panel hướng dẫn phân loại rác và các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm nâng cao, giáo dục nhận thức về môi trường. Ý thức về thực hành không rác đã được hình thành từ nhỏ. Chính các em là người dạy lại cha mẹ mình cách phân loại rác... Theo báo cáo, thành phố San Fernando đã tái chế khoảng 76% lượng chất thải.
Phân loại rác tại nguồn: Có quá khó!
Qua nhiều dẫn chứng, phân tích cho thấy, vấn đề phân loại rác tại nguồn có tính chất quyết định đối với các vấn đề về rác. “Rác là tài nguyên, là tiền, vì vậy hãy tích cực phân loại, tái chế rác thay vì đốt. Đó là lãng phí tài nguyên và có khả năng phát sinh khí thải độc hại trong quá trình vận hành”, bà Xuân nhấn mạnh. Vì vậy, vị đại diện của Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững đã nêu kiến nghị rằng UBND thành phố không khuyến khích và xây dựng mới các dự án đầu tư lò đốt rác tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn tương lai.
Một tín hiệu vui là hiện Đà Nẵng đang tích cực thực hiện quá trình phân loại rác tại nguồn nhằm bảo đảm định hướng phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, phấn đấu đạt mục tiêu thành phố môi trường. Theo ý kiến của đoàn đi thực tế của Viện tại Philippines vừa qua, việc phân loại và tái chế chất thải hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các tổ dân phố và người dân thông qua mô hình MRF.
Công ty CP Môi trường đô thị chỉ vận chuyển phần chất thải không tái chế được từ các trung tâm phục hồi chất thải tới bãi chôn lấp rác. Nếu thành phố cho phép, đoàn sẽ nghiên cứu và triển khai mô hình MRF tại các khu dân cư, tổ dân phố. Đối với vấn đề về đất để xây dựng các trung tâm phục hồi chất thải MRF, cần rà soát đất trống, chưa được sử dụng thì có thể nghiên cứu xây dựng. Nơi nào không còn đất thì có thể áp dụng MRF di động. Chất thải hữu cơ có thể được làm ở quy mô hộ gia đình với chế phẩm phân vi sinh.
Kinh nghiệm của Phillipines cho thấy những người lãnh đạo có quyền ra quyết định đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách thức quản lý, xử lý chất thải rắn và rất cần những “phong trào” thành công. Muốn có những phong trào thành công cần những nhóm người như sau: tiên phong trong thay đổi hành vi, thói quen tiêu cực, nuôi dưỡng, tuyên truyền, hình thành và phát triển mạng lưới, khảo sát, điều tra, đánh giá và xây dựng!
PHƯƠNG ÁN