Người dân xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), ít ai dùng cụm từ đầy đủ "Lễ hội bà Thu Bồn" mà hay nói là "Lệ Bà" để nói đến lễ tế bà Thu Bồn lệ thường hằng năm. Tại lễ hội mang đậm bản sắc của cư dân sông nước này, văn hóa ẩm thực được xem là nét độc đáo nhất bởi sự đan xen đầy lý thú giữa ẩm thực Chăm truyền thống và thuần Việt, ẩm thực cổ điển và hiện đại...
Bánh gừng (giữa) không thể thiếu trong Lệ Bà Thu Bồn hằng năm. Ảnh: N.H |
Trong đoàn rước nước từ sông Thu lên Lăng Bà có những cô thôn nữ xinh tươi phụng kính bưng tháp bánh gừng cùng trầu cau, hoa quả. Người dân Thu Bồn dường như đã quá quen với hương vị món bánh gừng bởi sự tồn tại trải qua hàng mấy trăm năm. Lâu đến nỗi không còn nhớ đến gốc tích của nó có từ khi nào cũng như ý nghĩa của món bánh độc đáo này.
Từ loại bánh gốc Chăm
Hỏi thăm những người già trong làng, ai nấy đều trả lời y chang như nhau: Xưa làm, nay bắt chước. Đã thành lệ rồi. Rồi còn cho biết thêm, bánh gừng là loại bánh không làm thường xuyên, mà chỉ làm vào dịp Tết, lễ lạt, giỗ chạp, dâng cúng… Đặc biệt, nếu nhà có người mất, thì mâm cúng ngày đầu tiên phải có bánh gừng.
Dường như lời giải thích của các cụ cao niên vẫn không giải mã hết được ẩn ý đằng sau món bánh gừng độc đáo chỉ xuất hiện ở Lệ Bà trong khi các làng xã khác dọc hai bên sông Thu không có.
Tình cờ gặp hai bạn trẻ Trương Diễm My và Trương Quốc Cường ở gian hàng ẩm thực Chăm tại lễ hội, chúng tôi phần nào vơi bớt những tò mò về sản vật bánh gừng dân dã. Hai bạn bán bánh Linh, một món bánh làm bằng bột nếp, trứng gà và đường, tất cả được nhào dẻo rồi cán thành những miếng mỏng, sau đó đem chiên giòn, tiếng Chăm gọi là Ahar K’ling.
Lần đầu tiên được ăn món bánh với những nguyên liệu thân quen đậm chất hương đồng gió nội nhưng hương vị nhẹ nhàng như một bài ca dao, chúng tôi mới hiểu những vì sao giữa một lễ hội đặc biệt như thế này, các bạn chọn cách quảng bá cho một món ăn dân dã đã đi vào quên lãng. Được biết, các bạn trong nhóm đang theo đuổi dự án Tìm hiểu và khôi phục văn hóa ẩm thực Chăm trên đất Quảng Nam.
Diễm My cho biết, món bánh gừng của người dân Thu Bồn phụng cúng Bà có nguồn gốc từ cộng đồng người Chăm cũng như người dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bánh gừng, tiếng Chăm gọi là Ginrong Liya - không chỉ là món ăn, mà còn là một phần văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận. Trong những ngày lễ hội, bánh gừng được ghim vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đem chưng trên bàn thờ cùng với bánh tét, bánh gang tay. Đặc biệt, vào dịp cưới hỏi, Tết Katê, bánh củ gừng bao giờ cũng được đặt trên hết, là lễ vật quan trọng nhất. Bánh gừng còn tượng trưng cho lòng chung thủy sắt son bền chặt của vợ chồng.
Theo truyền thuyết, Bà Bô Bô hay Bà Thu Bồn vốn là nữ tướng người Chăm có công đánh giặc, sau khi chết đã nhiều lần hiển linh cứu độ dân làng. Việc người dân Thu Bồn dâng món bánh gừng quả thật đã vượt ra khỏi ranh giới thực phẩm và làm nên một nét Chăm trên bức tranh văn hóa Việt đa dạng, đậm đà bản sắc.
... đến muôn vẻ ẩm thực Việt
Nếu ai đã một lần dự Lệ Bà mà chưa nếm thử tô mì Quảng cá mòi thì coi như... chưa đến Lệ Bà. Thịt nghé, bánh chưng, bánh ít, thậm chí mì Quảng tôm, thịt, gà, sứa… ở đâu chẳng có chớ mì Quảng cá mòi độc nhất chỉ làng Thu Bồn mà thôi.
Ở quán Bà Hai không xa Lăng Bà, ông chủ quán nhẩn nha khoe: Lệ Bà năm mô cũng trúng vào mùa cá từ trên nguồn (Hòn Kẽm, Đá Dừng) xuống đẻ đông đặc. Mỗi đêm đánh đầy ghe… Cá tươi mới lưới đem về làm sạch, xay nhuyễn thêm tiêu, hành, nghệ, sả, mắm muối rồi viên tròn làm nhưn mì. Nấu nước lèo sôi, thả cá vô. Rứa là có tô mì cá mòi đậm đà tình sông nước… Sợ khách chưa “thấm”, ông Hai thêm: Đó là lộc Bà ban cho dân làng Thu Bồn hằng năm, quý lắm!
Tục cúng Bà, ngoài các vật phẩm bánh trái, dân làng vẫn giữ lệ xưa là tế trâu. Trâu tế sau khi bị giết, để nguyên con, bôi huyết đỏ tươi (không qua nấu nướng). Có phải vì lệ xưa như thế mà làng Thu Bồn nức tiếng với món thịt nghé (trâu tơ) chăng? Nhiều người con xa xứ, lặn lội cho kịp ngày về dâng lễ Bà, gặp lại bà con, cùng nhau ăn tô mì cá mòi, nếm miếng thịt nghé quê hương cho thỏa lòng mong nhớ.
Ngoài ẩm thực truyền thống, tại lễ hội còn có các món ăn phổ biến ngày nay như bánh tráng nướng nhân thịt bò khô, trứng cút, sốt hành, tương ớt, cá viên chiên, trà sữa, hay các món nướng BBQ đa dạng. Những mặt hàng mang tính thời thượng này thường do người từ Đà Nẵng, Đại Lộc, Điện Bàn mang đến.
Từ sáng 11-2 âm lịch, người bán hàng từ các nơi đổ về, cả quãng đất trống sau lưng Lăng Bà trở thành hội chợ tấp nập. Tiếng hô bài chòi náo nức, tiếng trẻ con cười đùa vây quanh các gian hàng ẩm thực thơm phức rộn ràng cả một vùng.
Tạm biệt Thu Bồn. Hẹn năm sau lại gặp nhau tại Lệ Bà để nghe câu hát bài chòi say đắm, được đi rước nước thiêng, và đâu đó tìm lại hương vị chân quê trong không gian văn hóa ẩm thực của Lệ Bà.
Như Hạnh