Nạn nhân của chính mình

.

Tôi đi dạy, học trò đều ở lứa tuổi học sinh THPT. Vào lớp, điều đầu tiên tôi dặn dò các em là chỉnh sửa khăn trải bàn của giáo viên cho thẳng thớm, không xô lệch, xếp khăn lau bảng ngay ngắn, để bên cạnh hộp phấn gọn gàng.

Tôi dạy các em, nếu có, dù chỉ mẩu giấy nhỏ hoặc cây bút bi hết mực dưới chỗ mình ngồi hoặc ở bất cứ đâu, cũng phải nhặt bỏ vào thùng rác. Tôi dạy các em, đứng chào cô giáo phải nghiêm túc, không lao xao trò chuyện… Học trò cấp THPT, tôi vẫn phải bày biểu các em những điều nhỏ nhặt như thế. Tôi hay nói cùng tụi nhỏ: các con hãy học trước những điều cơ bản nhất, nhỏ thôi nhưng quyết định tính cách, sự thành công của các con về sau! Để trước khi đi cùng các em đến chân trời kiến thức vô tận, chúng tôi biết, mình có bên cạnh những người bạn đồng hành biết sống và yêu thương. Tôi nghĩ, có rất nhiều những đồng nghiệp có cùng quan điểm giáo dục như mình.

Là giáo viên, chúng tôi luôn nghe một âm vang thôi thúc đâu đó tự bên trong mình. Tiếng nói thầm lặng mà giục giã, rằng hãy không ngừng truyền cảm hứng và yêu thương! Chúng tôi bị cuốn theo những thanh âm vô hình đó, cố gắng hoàn thiện mình, để có thể tự tin, kiêu hãnh khi đối diện với học trò. Có lẽ, ai làm nghề giáo, đều hơn đôi lần bứt rứt vì bài giảng chưa đúng dụng ý, vì đáng lẽ phải tổ chức hoạt động này học sinh dễ hiểu bài hơn thì mình lại triển khai cách thức kia…

Những người bạn đồng nghiệp của tôi khi ngồi lại vừa thích thú vừa không khỏi cảm giác sợ hãi khi kể về những nỗi “ám ảnh” riêng có của nghề giáo như thức dậy trễ giờ đến lớp, đi coi thi làm mất bài của học sinh… Nỗi bứt rứt, sợ hãi đó là biểu hiện ý thức tổ chức kỷ luật và lòng tự trọng với nghề. Nghề giáo, hơn bất cứ nghề nào khác, đòi hỏi ý thức kỷ luật, lòng tự trọng-và tất nhiên, cả tình yêu!

Nhưng có lẽ, cũng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy xót xa như lúc này, khi dư luận xã hội dành cho ngành giáo dục và người làm nghề giáo những mối quan tâm không mấy thiện cảm! Mỗi ngày, trên các phương tiện truyền thông, câu chuyện tối tăm và xấu xí của ngành, của nghề nghiễm nhiên xuất hiện với tần suất dày hơn.

Một ông hiệu trưởng ở Phú Thọ lạm dụng tình dục rất nhiều nam sinh, một cô giáo ở Quảng Bình cho trẻ con tát lẫn nhau, cô giáo ở Hải Phòng ép học trò uống nước giẻ lau bảng, cô hiệu trưởng ngồi taxi vào tận sân trường để taxi gây tai nạn cho học sinh tiểu học rồi lấy phiếu khảo sát để chối tội, một cô giáo ở TP. Hồ Chí Minh suốt ba tháng lên lớp không giảng bài… Và mấy hôm nay, một trường mầm non ở Bắc Ninh cho học trò ăn thịt lợn nhiễm sán! Đau đớn!

Tôi tự hỏi, cái ác ở nơi nào khác còn có thể hiểu được, nhưng tại sao ngay trong môi trường giáo dục nó lại hiện hình như vậy? Không phải là trường hợp cá biệt nữa, cái ác đã lây lan, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuẩn mực đạo đức của nghề giáo thiêng liêng và cao quý!

Tôi tức giận khi nghĩ đến một số thầy cô giáo ở những ngôi trường đó. Lẽ nào họ không nhìn thấy gì? Hay vì cái sai diễn ra thường ngày hóa thành cái bình thường? Họ không quan tâm vì những đứa trẻ đáng thương kia không phải là con em mình, hay họ vì miếng cơm manh áo mà nhắm mắt làm ngơ?... Lẽ nào vì sự yên ổn của chính mình, thầy cô đó lại tiếp tay cho cái xấu xa!

Tôi nghĩ đến những đứa trẻ không được an toàn - ngay nơi đáng ra phải an toàn nhất, không được học những điều đẹp đẽ - ngay nơi đáng ra phải đẹp đẽ nhất, không được đón nhận yêu thương - ngay nơi đáng ra phải yêu thương nhiều nhất…

Tôi day dứt tự hỏi, rồi mai kia, khi phải đứng trước ánh mắt trong trẻo và tâm hồn thơ ngây của con trẻ để truyền dạy về lẽ sống đẹp, lòng yêu thương, về sự dũng cảm, ước mơ hoài bão…, những thầy cô ấy sẽ nói gì? Họ sẽ thành nạn nhân, trước hết, là nạn nhân của chính mình!

TRẦN THỊ HỒNG VÂN
 

;
;
.
.
.
.
.