Tháng ba

.

Tháng 3 năm 1975, tôi còn quá nhỏ, không hiểu lắm về cái sự thay đổi chỗ ở, chỉ biết rằng từ đó mình trở thành người dân của một nơi đáng sống. Thỉnh thoảng đi đâu đó, khi trả lời câu hỏi: “Em từ đâu đến?”, tôi thường được nghe lời bình: “Thành phố đáng sống”. Dĩ nhiên, tôi rất tự hào về danh xưng ấy. Tôi hiểu đó không chỉ là một lời khen mà còn là một yêu cầu. 

Khách phương xa cảm nhận như thế nào về Đà Nẵng? Đây là nơi đường sá phong quang, người dân chất phác, hải sản ngon và rẻ, tắm biển “đã nhất” bởi hiếm nơi đâu biển sạch và hiền như ở đây. Có những điều tưởng chừng rất nhỏ như việc được vẫy vùng thỏa thích biển rộng trời xanh rồi tắm nước ngọt chỉ với giá 2.000 đồng/người.

Và có những việc không hề nhỏ như nghe đâu chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua, khi rà soát các khách sạn đủ tiêu chuẩn “thượng đỉnh” trên cả nước, Đà Nẵng vẫn chiếm đa số. Tất cả đã làm nên một Đà Nẵng vừa bình dị, vừa đẳng cấp. Tôi nghe mà vui lắm trong lòng.

Dĩ nhiên, chẳng thể nào bằng lòng với cái mình có. Những năm trước, cứ mỗi dịp tháng ba, thành phố buổi sáng động thổ, buổi chiều khánh thành một công trình lớn. Ý tưởng biến Đà Nẵng và cả người anh em Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành cực mới của tăng trưởng hẳn không phải quá xa xôi.

Làm thế nào để các tiềm năng, lợi thế du lịch, công nghiệp và năng lượng được phát huy tối đa và nhất là hỗ trợ để trở thành vùng động lực, tác động lẫn nhau cùng phát triển là đòi hỏi, thôi thúc lớn đối với lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân thành phố. Làm sao mỗi con đường, khu phố càng trở nên bình yên và tin cậy.

Biển Đà Nẵng là báu vật, nhưng nếu không sớm có biện pháp xử lý hiệu quả nước thải, thì liệu những “tiếng thơm” có còn? Làm sao để mỗi người dân có ý thức rằng, bằng thái độ ứng xử văn hóa sẽ góp phần làm cho thành phố này từng ngày đáng sống hơn?

Đà Nẵng có những thứ mà nhiều nơi khao khát. Bảo tàng Điêu khắc Chăm với những hiện vật hàng ngàn năm tuổi khiến mọi du khách sững sờ, liệu có cách nào để nơi đây có được một không gian xứng tầm hơn?

Để xây dựng một thành phố du lịch cần những việc lớn đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, nhưng cũng có những việc có thể làm trong tầm tay. Tháng ba 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Xuân Thiều, mở đầu cuộc xâm lược trực tiếp, ác liệt nhất của Mỹ tại Việt Nam. Đó cũng là thời điểm xuất hiện khẩu hiệu lừng danh “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Sự kiện đó có trong hầu hết các bài học lịch sử, nhưng buồn là không ai trả lời chính xác địa điểm xảy ra sự kiện nổi tiếng ấy ở đâu. Trên con đường dài rộng bên bãi biển Xuân Thiều, chọn chỗ nhiều cây xanh, có một tấm biển ghi “Nơi đây vào ngày 8-3-1965…”  để du khách chụp kiểu ảnh, liệu có quá khó?

Ai cũng biết, giữ được tiếng thơm rất khó, nhưng đánh mất chỉ là phút chốc. Để có được thành phố hôm nay là biết bao hy sinh, mất mát của lớp người đi trước. Nhớ hồi mới đi làm, có lần nghe thời sự kể rằng, trong khu lõm căn cứ Hòa Hải, cán bộ, du kích ta ban đêm hoạt động, ban ngày nằm hầm bí mật.

Giặc càn, xăm hầm. Cán bộ ngồi trong hầm tối, tay cầm chiếc khăn tay, nhỡ địch xăm trúng người thì lấy khăn nắm lưỡi lê vừa đủ để giặc khi rút lê lên không bị dính máu. Cán bộ có thể hy sinh nhưng bảo vệ được đồng đội, căn cứ... Bây giờ, trên những căn hầm bí mật năm xưa ấy là những sân golf với cỏ xanh, số lỗ… đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Có người nói rằng, đôi khi người ta phải lao động suốt đời để có chỉ… một phút ngạc nhiên! Để có Đà Nẵng hôm nay là kết quả của cuộc di dời hơn 130.000/330.000 hộ dân. Từ chỗ chỉ có hơn 400 con đường có tên năm 1997, đến nay thành phố có hơn 2.000 con đường có tên hẳn là chuyện không hề dễ dàng.

Từ chỗ chỉ một cây cầu vắt qua sông Hàn, nay Đà Nẵng có cả chục cây cầu cho 1 triệu dân đi lại. Từ chỗ “bên kia sông” bụi đỏ mênh mông, nay trở thành vùng đất ước ao của bao người… Và điều quan trọng là sự hăm hở của các nhà đầu tư, khát vọng làm giàu của người dân được khơi dậy, môi trường kinh tế thành phố mỗi ngày được cải thiện.

Tháng ba về, với người Đà Nẵng không chỉ là dịp kỷ niệm một sự kiện, một mốc son lịch sử, mà còn là thời điểm để sắp đặt cho mình những dự tính mới…

THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.