Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) Bùi Trọng Khánh mở điện thoại di động, cho chúng tôi xem clip ghi cảnh ngập lụt ở Đà Sơn hôm đầu tháng 12-2018, giọng than vãn: Chừ còn đỡ, mấy năm trước còn ngập sâu và lâu hơn.
Ngập úng ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên trong trận mưa ngày 9-12-2018. Ảnh do Phòng Kinh tế - Hạ tầng Hòa Vang cung cấp. |
Giải quyết ngập úng, bảo đảm dân sinh
Ông Khánh cho biết, khu tái định cư (TĐC) Tân Cường Thành và Trường ĐH Duy Tân đều có cốt cao hơn khu dân cư cũ của khu vực Đà Sơn. Toàn bộ 48ha của Đà Sơn chia làm 4 khu dân cư (KDC), các KDC 1, 2, 3 nằm trên cao, riêng KDC 4 được cho là cái rốn chứa nước, mưa xuống là nước các nơi đổ dồn về, xong xuôi mới chảy xuống hồ điều tiết Phước Lý (phường Hòa Minh), ra kênh Đa Cô rồi đổ sông Phú Lộc.
Ông Phan Quốc Định, cán bộ phụ trách môi trường phường Hòa Khánh Nam, đưa chúng tôi đến nơi giáp ranh giữa khu TĐC Tân Cường Thành và KDC 4 Đà Sơn. Ban đầu, ông Định cho biết, lúc đầu hai bên có cốt chênh lệch đến trên 2m. Sau mấy trận nhà các hộ dân ở đây bị ngập nước, thành phố đầu tư làm hệ thống cống thoát nước dài khoảng 500m chạy dọc theo khu TĐC Tân Cường Thành, cơ bản giải quyết trước mắt tình trạng ngập úng cho các hộ dân KDC 4 Đà Sơn, tạnh mưa nước sẽ rút.
Nhà bà Phan Thị Bường ở tổ 49 KDC 4 Đà Sơn, nằm cách tường rào khu TĐC Tân Cường Thành khoảng 4m. Bà kể, có lần nhà bà nước ngập sâu lút đầu, cả nhà chạy lên gác, anh em dân quân trên phường xuống quăng mì tôm vô cứu đói. Bà 3 lần nâng nền nhà cao thêm gần 1,3m nhưng vẫn không hết ngập. Như trận mưa hôm tháng 12-2018, nước vẫn ngập sâu nhà bà gần nửa mét. Phó Chủ tịch Bùi Trọng Khánh hôm đó đi thị sát tình hình mưa lũ, đến nhà bà và quay lại clip nói trên. “Địa phương sẽ khảo sát một số nhà quá thấp ngập thường xuyên và sâu để có kế hoạch hỗ trợ cho bà con nâng cao nền nhà”, ông Khánh cho biết.
Theo số liệu của Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu, trong số 20 điểm ngập úng trên địa bàn quận, có 13 điểm đã được giải quyết bằng các hình thức làm đường, làm mương thoát nước, nạo vét hệ thống thoát nước, di dời giải tỏa... Những điểm chưa giải quyết dứt điểm, theo ông Mai Xuân Đức, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận, do người dân xây dựng nhà ở đã lâu thuộc khu vực bị thấp trũng nên dễ xảy ra ngập úng. UBND quận đã đầu tư xây dựng mương thoát nước và nhiều nơi người dân đã tự nâng nền nhà lên 0,5 - 0,7m nhưng vẫn bị ngập như KDC Tổ 27 (Chơn Tâm) gần cầu Đa Cô. Ông Đức cho biết thêm, do kinh phí đầu tư xây dựng hằng năm còn hạn chế nên UBND quận từng bước, ưu tiên đầu tư hệ thống mương thoát nước cho những khu vực bị ngập nước cục bộ.
Ở Hòa Vang, tình hình ngập úng cũng trở nên bức xúc. Xã Hòa Liên toàn bộ 13 thôn đều bị ngập nặng; xã Hòa Phong có 8/15 thôn bị ngập, xã Hòa Nhơn có 10/15 thôn bị ngập,...
Về nguyên nhân gây ngập úng ở Hòa Vang, ông Nguyễn Văn Bửu, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, cho rằng trước hết do việc lập, phê duyệt các dự án khu TĐC, các tuyến đường giao thông trục chính, các số liệu về thủy văn, lượng mưa,… chưa được khảo sát cụ thể và thiếu chuẩn xác; đồng thời các giải pháp kỹ thuật thiếu đồng bộ, không khớp nối hạ tầng kỹ thuật dẫn đến tình trạng ngập úng tại các khu vực chỉnh trang xung quanh các dự án là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Thứ hai, do việc xả lũ tại các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia, sông Lỗ Đông trong thời gian dài, lưu lượng lớn nên dẫn đến việc ngập úng, ngập lụt cục bộ tại một số địa phương như: thôn An Trạch, Lệ Sơn 1, La Bông, Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến; các thôn xã Hòa Phong; thôn Phú Sơn 3, Gò Hà, La Châu Bắc, xã Hòa Khương,…
Để xử lý ngập úng trên địa bàn, theo ông Bửu, việc triển khai xây dựng kênh thoát lũ Hòa Liên đến nay cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Hệ thống thoát nước đường ĐH 2 (khu vực cầu chui ĐT 602 thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn) đang được triển khai cùng Dự án nâng cấp mở rộng đường ĐH 2 do Ban quản lý Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng điều hành.
Đối với việc ngập úng gây ô nhiễm môi trường, hằng năm, UBND huyện bố trí nguồn kinh phí nhất định để thực hiện việc xây dựng mương thoát nước trên các tuyến đường thuộc các khu dân cư hiện trạng để thoát nước như: mương thoát nước thôn Cẩm Toại Trung (xã Hòa Phong); mương thoát thôn Cồn Mong (xã Hòa Phước),…
Nhằm giải quyết vấn đề ngập úng đối với các dự án trong thời gian đến, ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, khi lập quy hoạch chi tiết và thiết kế, thi công xây dựng các công trình trong bước lấy ý kiến quy hoạch, UBND huyện có ý kiến đề nghị chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án thực hiện việc khớp nối hệ thống thoát nước của dự án với hệ thống thoát nước chung của thành phố để bảo đảm thoát, không gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Ông Trí khẳng định: Đối với các khu vực dân cư chỉnh trang xung quanh các dự án TĐC đã hình thành bị ngập úng, UBND huyện tiếp tục kiến nghị UBND thành phố xem xét, cho giải tỏa để bố trí tại các khu vực TĐC để ổn định đời sống như: khu vực thôn Trung Sơn, Vân Dương 2, Quan Nam 6 (xã Hòa Liên); khu vực thôn Miếu Bông (xã Hòa Phước); khu vực thôn Đông Hòa (xã Hòa Châu)…
Khắc phục tình trạng ngập úng và bảo đảm thoát nước bền vững
Theo số liệu lượng mưa do Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ cung cấp thì trong khoảng thời gian từ 00 giờ 00 ngày 9-12 đến 23 giờ 00 ngày 9-12-2018 tại Trạm Đà Nẵng (đo tại đường Trưng Nữ Vương) là > 750mm, Trạm Cẩm Lệ (đo tại cầu Cẩm Lệ) là > 720mm. Số liệu trên cho thấy trận mưa đợt này là hiếm có trong lịch sử (lượng mưa lớn và kéo dài liên tục). Điển hình như lượng mưa lớn nhất ngày trong năm 1999 chỉ là 593mm.
Từ số liệu đó, theo phân tích của Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Đà Nẵng), nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập úng diện rộng trên địa bàn Đà Nẵng vào ngày 9-12-2018 vừa qua là do lượng mưa đợt này vượt xa tần suất thiết kế đối với hệ thống thoát nước đô thị.
Cụ thể, theo tiêu chí thiết kế hệ thống thoát nước trong quy hoạch thoát nước đã được UBND thành phố phê duyệt thì: trạm bơm, hồ điều hòa, kênh dẫn nước chính: bảo đảm trận mưa có chu kỳ lặp lại P = 10 năm; cống thoát nước chính: bảo đảm trận mưa có chu kỳ lặp lại P = 5 năm; cống nhánh: bảo đảm trận mưa có chu kỳ lặp lại P = 2 năm.
Trong khi đó, qua đánh giá sơ bộ thì lượng mưa ngày 9-12-2018 có chu kỳ lặp lại P > 20 năm (kể từ năm 1999) nên hệ thống thoát nước hiện trạng không thể đáp ứng được. Việc xây dựng một hệ thống thoát nước đáp ứng được tất cả các trận mưa kể cả trận mưa lịch sử như ngày 9-12-2018 vừa qua là không khả thi về bài toán kinh tế - kỹ thuật.
Một trong những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ngập úng và bảo đảm thoát nước bền vững, theo Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng, là tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt. Việc phát triển các khu đô thị mới phía Tây thành phố phải có cao độ nền bảo đảm tần suất lũ P=5% theo đúng quy định, đồng thời nghiên cứu quy hoạch xây dựng các hồ điều tiết nhằm tăng cường khả năng điều tiết nước, giảm áp lực cho hệ thống mương cống đô thị hiện hữu khu vực phía Đông thành phố.
Đối với các vị trí hệ thống thoát nước có bất lợi về cao trình (cửa xả thấp so với mực nước biển, sông) thì xây dựng trạm bơm cưỡng bức. Theo ông Vũ Quang Hùng, hiện thành phố đã có Trạm bơm Thuận Phước, Trạm bơm đường Trương Chí Cương, sắp đến trong quý 2 năm 2019 sẽ xây dựng trạm bơm cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm (thuộc phạm vi khu đô thị Đa Phước).
“Trước những yêu cầu của thực tế đặt ra, theo đề nghị của UBND thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tại Công văn số 680/TTg-CN ngày 17-5-2017; đồng thời tháng 1-2019, thành phố Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn Singapore thực hiện lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với tư vấn nghiên cứu các nội dung liên quan đến hạ tầng thoát nước đô thị, bảo đảm phát triển bền vững cho đô thị trong tương lai”, lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin.
Kỹ sư Nguyễn Văn Chung, chuyên gia về quy hoạch đô thị (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng): Thoát nước bền vững với công nghệ hiện đại Thoát nước bền vững là làm chậm và làm giảm lượng nước tập trung vào hệ thống thoát nước. Muốn vậy, phải tăng cường mặt phủ thấm nước trong đô thị; tăng cường cây xanh, thảm cỏ; tăng cường không gian trống; tăng cường các giải pháp để nước có thể thấm xuống dưới đất được. Rất tiếc, giờ nhìn lại, có thể nói rằng Đà Nẵng đã mất kiểm soát trong sử dụng đất phát triển đô thị bởi bị cuốn theo giải pháp chia lô bán nền trong thời gian dài. Đà Nẵng không còn cơ hội cho giải pháp thoát nước bền vững. Chỉ còn cứu vãn bằng cách cố gắng như thế nào đó giành lại một số quỹ đất để hình thành các vườn hoa, công viên, để tăng cường mặt phủ thấm nước, giảm áp lực cho hệ thống thoát nước. Giải pháp này tích cực nhất, bền vững nhất. Tuy khó, nhưng phải thực hiện để cải thiện tình trạng ngập nước đô thị. Cùng với đó, phải dừng ngay việc chia lô bán nền. Ngoài ra, giải pháp trước mắt có tính kỹ thuật: dừng ngay việc biến kênh hở thành cống (không đậy nắp), có biện pháp cải thiện môi trường tại các kênh mương đó. Giải pháp cấp bách cục bộ tăng cường máy bơm để bơm cưỡng bức trong những thời điểm và vị trí cần thiết... Một vấn đề nữa, là công nghệ quản lý hệ thống thoát nước của ta quá lạc hậu. Thấy đâu ngập là tới tìm xem vì sao, thấy bùn đất, rác rến lắng đọng thì tới hè nhau làm vệ sinh khúc đó. Các nước tiên tiến không ai làm như thế cả. Tôi có dịp qua Nhật Bản năm 2000, thấy họ đã quản lý bằng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là GIS) - công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. Họ có gì trục trặc đều được báo tự động về trung tâm, hư hại thì có robot sửa chữa. Mình thì quản lý thủ công. Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh, theo tôi, phải đầu tư công nghệ hiện đại chứ không thể để quản lý hệ thống thoát nước theo kiểu cổ điển như thế nữa. VIÊN PHÚC QUÂN (ghi) |
VĂN THÀNH LÊ