Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Lê Văn Trung (ảnh), Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cho rằng, mặc dù thời gian qua, ngành GTVT thành phố đã nỗ lực trong công tác quy hoạch, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tuy nhiên, so với yêu cầu mới, hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, hiện trạng quy hoạch thành phố với nhiều khu vực phân lô, tạo nên nhiều nút giao thông với mật độ lớn và khoảng cách gần, vừa giảm khả năng thông hành vừa dễ gây xung đột, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).
* Trong năm qua, ngành GTVT thành phố đã nỗ lực phân luồng giao thông, chống ùn tắc ở một số tuyến đường. Dù vậy, tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm đang có xu hướng tăng cao. Ngành GTVT thành phố đã có những biện pháp gì?
- Thời gian qua, số lượng ô-tô cá nhân tăng rất nhanh. Trong năm 2017, số lượng xe đăng ký mới là 8.039 chiếc, đến năm 2018 đã tăng lên 11.982 chiếc. Với tốc độ tăng trưởng phương tiện như thời gian qua, dự kiến đến năm 2020, thành phố có trên 110.000 ô-tô và trên 1 triệu mô-tô, xe máy.
Trước tình hình đó, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành, triển khai một số đề án, kế hoạch liên quan đến vận tải công cộng (theo Nghị quyết số 102/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017). Trong đó, triển khai các tuyến xe buýt trợ giá, mục tiêu đến năm 2020, tổng số tuyến xe buýt là 21 tuyến, trong đó có 15 tuyến trợ giá, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Đồng thời, Sở GTVT tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố đến năm 2020 (tại Quyết định số 5393/QĐ-UBND ngày 28-9-2017).
Trong đó, ưu tiên tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm đến năm 2020 như: Xây dựng, cải tạo một số nút giao thông trọng điểm như nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, phía tây cầu Rồng, phía tây cầu Tiên Sơn…; tiếp tục triển khai các giải pháp về tổ chức giao thông: đường một chiều, cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; cấm đỗ xe theo giờ; cải tạo các nút giao thông, xây dựng vịnh đỗ xe; phân luồng, tổ chức giao thông; thu phí đỗ xe trên các tuyến đường…
Đặc biệt, hiện nay, Sở GTVT đang xây dựng chuyên đề về giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm thành phố, dự kiến báo cáo UBND thành phố trong tháng 3-2019; đề xuất hạn chế theo thời gian, phạm vi một số loại xe, trong đó mở rộng phạm vi, thời gian cấm lưu thông vào khu vực trung tâm các loại xe có kích thước lớn như xe khách, xe tải.
* Đậu, đỗ ô-tô là một trong những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân trong thời gian gần đây. Theo Sở GTVT, nguyên nhân là do đâu? Ngành giao thông đã có phương án gì để giải quyết bài toán đậu xe trong thời gian tới?
- Như đã nói ở trên, do phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh, phát triển du lịch của thành phố tăng trưởng mạnh, trong khi đó, lại thiếu đất bố trí cho giao thông tĩnh theo quy hoạch, dẫn đến nhu cầu đậu, đỗ ô-tô rất cao ở khu vực trung tâm thành phố và khu vực du lịch.
Đặc điểm đô thị của chúng ta là người dân kinh doanh ở hầu hết mặt tiền trên các tuyến đường. Vì vậy, khi có người đi ô-tô đến đậu trước mặt nhà thì sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán dẫn đến bức xúc. Theo quy định thì chỗ nào không cấm đỗ xe thì người đi ô-tô được phép đỗ xe.
Tuy nhiên, dù người đi ô-tô đỗ đúng chỗ nhưng đôi lúc cũng đã nảy sinh mâu thuẫn với người kinh doanh vì người kinh doanh trả tiền thuê mặt bằng, tiền thuế buôn bán hằng tháng…
Trước tình hình bức bí chỗ đậu xe như hiện nay, Sở GTVT thành phố cũng đã phối hợp với các ngành, UBND các quận báo cáo UBND thành phố thống nhất chủ trương triển khai 19 vị trí bãi đỗ xe ở các quận Hải Châu (7 vị trí), Thanh Khê (3 vị trí), Sơn Trà (7 vị trí), Ngũ Hành Sơn (2 vị trí); đến nay đã phê duyệt quy hoạch 2 vị trí: bãi đỗ xe tại số 166 đường Hải Phòng và 255 Phan Châu Trinh.
Đối với nhu cầu đậu, đỗ khu vực du lịch ven biển, Sở GTVT đã tham mưu UBND thành phố và triển khai xây dựng bãi đỗ xe tạm tại 5 vị trí (quận Sơn Trà: 3 vị trí, quận Ngũ Hành Sơn: 2 vị trí). Các bãi đỗ xe này đã hoàn thành trong tháng 11-2018 và bàn giao cho 2 quận khai thác.
Thông tin về các bãi đỗ xe đã được công bố, đăng tải trên website của sở, các trang thông tin đại chúng; chủ động mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia dự án. Hiện nay, đã có một số nhà đầu tư quan tâm.
* Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý giao thông đã được thực hiện đến đâu?
- Thời gian qua, Sở GTVT đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND thành phố triển khai nhiều hạng mục, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh ITS như: Hệ thống camera quan sát, giám sát, xử lý một số hành vi vi phạm trật tự ATGT; hệ thống camera quan sát tại các nút giao thông; camera giám sát trên 16 xe buýt thuộc tuyến số 1 Đà Nẵng-Hội An kết nối về Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng để phục vụ theo dõi, giám sát chất lượng dịch vụ…
Đến cuối năm 2018, chúng tôi đã đầu tư lắp đặt 162 nút tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao thông phức tạp, có mật độ lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông cao trên toàn địa bàn thành phố; đồng thời, triển khai hệ thống giám sát hành trình phương tiện vận tải. Trong năm 2018 đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100 xe buýt của 6 tuyến xe buýt trợ giá. Đặc biệt, toàn bộ xe khách, xe tải, xe container của doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Để ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, điều tiết giao thông cần nguồn kinh phí rất lớn. Dù vậy, đây là một nền tảng quan trọng nhằm hiện đại hóa, tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Hệ thống camera giám sát giao thông từ khi đưa vào hoạt động được các cơ quan, đơn vị và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thông qua hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm 24/24 giờ, người tham gia giao thông luôn phải tự giác chấp hành các quy định tham gia giao thông để tránh bị xử lý vi phạm. Giải quyết được bài toán về thiếu lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra tại hiện trường. Hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự ATGT được nâng cao, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.
* Thách thức của hạ tầng giao thông Đà Nẵng hiện nay là gì và những giải pháp, đề xuất của ngành?
- Thách thức lớn nhất của hạ tầng giao thông Đà Nẵng hiện nay đó là cơ cấu quy hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm nhiều đến giao thông tĩnh, không gian cho vận tải công cộng, tỷ lệ đất giao thông thấp nên khó khăn trong việc cải tạo nâng cấp, mở rộng…
Đặc biệt, tại các khu vực quy hoạch là trung tâm thương mại dịch vụ, khu vực tập trung đông người, chưa bố trí đủ nơi đỗ xe theo quy định dẫn đến tình trạng chiếm dụng một phần đường phục vụ cho mục đích phương tiện lưu thông sang mục đích đậu đỗ xe, kinh doanh buôn bán.
Nhiều khu vực được quy hoạch xây dựng cao tầng, khu thương mại dịch vụ (chung cư, khách sạn, văn phòng,…) tập trung ở trung tâm thành phố, dẫn đến tăng mật độ dân cư, tăng nhu cầu đi lại của người dân vào trung tâm. Đồng thời, các công trình nhà hàng, khách sạn, dịch vụ thương mại… có khoảng lùi ít, không đầy đủ bãi đỗ xe, không bố trí giao thông tiếp cận nội bộ và ngoài đường, dẫn đến tình trạng dừng, đỗ xe mật độ lớn trên đường, giao cắt phức tạp trước các công trình, gây ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông cao.
Thiếu đất bố trí cho giao thông tĩnh theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng đậu, đỗ xe tràn lan trên các tuyến đường, thu hẹp lòng đường, giảm khả năng lưu thông. Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực du lịch là tình trạng tăng trưởng số lượng phương tiện xe kinh doanh du lịch ở địa phương cũng như ở địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn thành phố. Điều này dẫn đến mật độ xe trên đường tăng cao, đặc biệt là vào các mùa du lịch, lễ hội, giờ cao điểm trong ngày.
Hiện nay, chúng tôi đang rà soát, lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận tải khách trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xử lý “xe dù, bến cóc”, xe khách trá hình.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các đề án như: Kiểm soát việc phát triển phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố; thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố; xây dựng và hoàn thiện dự án điều tra, khảo sát và xây dựng phương án phân luồng tổ chức giao thông khu vực trung tâm thành phố. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bãi đỗ xe lắp ghép tại số 255 đường Phan Châu Trinh. Tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt đã có chủ trương của UBND thành phố, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Quỳnh Trang (thực hiện)