Lịch sử hiện đại bóng đá châu Âu từng chứng kiến nhiều đại gia gây áp lực với UEFA về chuyện tiền nong bằng cách dọa sẽ tổ chức một giải đấu riêng. UEFA đã phải chiều lòng sức ép đó sau nhiều năm đàm phán căng thẳng.
Juventus sẽ là một trong những đội bóng được hưởng lợi nếu có sự thay đổi về giải đấu Champions League. |
Giờ đây, các đại gia lại muốn tiến thêm một bước nữa, không phải gây sức ép với UEFA mà có thể là bắt tay với tổ chức bóng đá lớn nhất cựu lục địa để thay đổi gần như toàn bộ cấu trúc của môn thể thao vua ở châu Âu.
Chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (E.C.A) là Andrea Agnelli (cũng là Chủ tịch CLB Juventus - Ý) có mối quan hệ thân tình với Chủ tịch UEFA là Aleksander Ceferin là cơ sở để kế hoạch cải tổ diễn ra thuận lợi. Hơn nữa, các tiếng nói đối lập như Chủ tịch tổ chức các giải VĐQG châu Âu (gồm 24 giải đấu) là Lars-Christer Olsson chỉ mới hồi phục sau cơn bệnh nghiêm trọng hay Chủ tịch FA hiện đang trống sau khi Richard Scudamore nghỉ hưu hồi năm ngoái.
Không đơn thuần là chuyện chia chác tiền bạc nữa, các đại gia bây giờ muốn các trận đấu ở Champions League sẽ diễn ra vào cuối tuần, chứ không phải giữa tuần như bấy lâu nay. Điều đó đồng nghĩa với việc lịch thi đấu các giải VĐQG, nhất là top 5 châu Âu gồm Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Serie A (Ý), Bundesliga (Đức) và Ligue 1 (Pháp) phải điều chỉnh để nhường cuối tuần cho các trận đấu Champions League.
Giám đốc điều hành Bundesliga là Christian Seifert cho rằng đề xuất này là “ranh giới đỏ” không thể vượt qua. Những ngày cuối tuần phải thuộc về bóng đá nội địa bởi đó là trái tim của bóng đá chuyên nghiệp. Người phát ngôn Premier League là Nick Noble cho đó là ý kiến không thông minh! Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha là Javier Tebas mạnh mẽ phản ứng kế hoạch tái cấu trúc chỉ vì lợi ích một nhóm nhỏ CLB nhưng lại tàn phá phần còn lại của bóng đá châu Âu, phá tan kết cấu truyền thống của thể thao.
Các đội góp mặt ở Champions League cũng như Europa League hiện tại dựa vào thành tích hằng năm tại giải quốc nội. Các đề xuất mới thay đổi mạnh mẽ khi các đại gia có thể được phép tham gia thi đấu hằng năm bất kể thứ hạng của họ ở giải nội địa. 32 đội chia thành 4 nhóm 8 đội như vòng tròn khép kín, 4 đội đứng đầu mỗi nhóm sẽ vào vòng loại trực tiếp để xác định nhà vô địch.
Cấu trúc này gần giống với giải bóng rổ châu Âu EuroLeague với 16 đội thì 11 đội đã chắc suất bất luận thành tích như thế nào. Như vậy, các đội bóng nhỏ dù cố gắng tới mấy cũng không có cửa đá Champions League.
Sự thay đổi về lịch thi đấu Champions League nếu được thực hiện sẽ giảm đáng kể sức hấp dẫn của các giải quốc nội đối với các đài truyền hình. Thực tế cho thấy cuộc đua vô địch giải VĐQG không hấp dẫn bằng cuộc đua giành vé dự Champions League nên các đài truyền hình thu hút được người hâm mộ.
Một khi cuộc đua giành vé Champions League không còn nữa thì các trận đấu gần cuối mùa sẽ trở nên nhạt nhẽo, nhất là sau khi đã xác định được nhà vô địch và hệ lụy là các giải đấu mất nhanh tính hấp dẫn, đài truyền hình cũng không còn mặn nồng với các giải VĐQG mà đổ tiền vào Champions League.
TỊNH BẢO