Quán cơm tình người

.

“Chú tìm thấy quán cơm này là nhờ mấy người khuyết tật, người bán vé số coi trên mạng rồi chia sẻ cùng nhau. Từ đó chú đến ăn hằng ngày. Ở đây quán phục vụ rất nhiệt tình, vui vẻ nên vô ăn cũng cảm thấy như ở nhà”. Đó là lời bộc bạch chân thành của ông N.V.T (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) khi tìm thấy cho mình một địa điểm ăn cơm giá rẻ tại 117/10 Ngô Gia Tự.

Mỗi suất chỉ có giá 2.000 đồng nhưng rất đầy đủ thức ăn. Ảnh: MXH
Mỗi suất chỉ có giá 2.000 đồng nhưng rất đầy đủ thức ăn. Ảnh: MXH

Quán cơm này do anh Đào Văn Vĩnh thuê mặt bằng và cùng những tấm lòng thiện nguyện chung tay mở quán với mong muốn đem đến cho những người nghèo, người khó khăn có những bữa ăn đủ đầy sau những giờ làm việc vất vả chỉ với 2.000 đồng/suất.

Với giá tiền nhỏ này, những người đến ăn không cảm thấy ngại ngùng, tự ti. Nhiều trang mạng xã hội cũng đã cùng nhau chia sẻ thông tin rộng rãi đến những người nghèo, người bất hạnh. Nhờ vậy, quán cơm được nhiều người lao động nghèo, người khuyết tật tìm đến ăn, có ngày bán hơn 100 suất. Tuy rẻ nhưng mỗi suất ăn đều có đầy đủ rau, củ, cá, thịt, bảo đảm chất lượng dinh dưỡng.      

Anh Đào Văn Vĩnh, chủ quán cho biết, anh đã làm công việc phát cơm cho người nghèo từ lâu. Nhưng sau khi thuê được cơ sở này, anh mở quán cơm nhằm phục vụ những người lao động nghèo, những người khó khăn… được tốt hơn. Để mở quán cơm, anh gom góp tiền bán hàng trên mạng và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm. Bên cạnh đó, quán cơm còn có nhiều bạn trẻ là sinh viên tham gia phụ anh nấu nướng, phân phát thức ăn.

L.Đ.V, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cho biết: Kể từ khi biết anh Vĩnh mở quán cơm và phát cơm từ thiện, em tham gia nấu cơm vào chủ nhật hoặc phát cơm vào tối thứ sáu và cảm thấy rất vui khi được giúp đỡ người khác thông qua việc làm ý nghĩa này.

Phát cơm từ thiện ở các bệnh viện hay trên phố là việc làm không mới đối với nhiều sinh viên, các câu lạc bộ từ thiện vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc khi có thời gian rỗi nhằm chia sẻ yêu thương và giúp những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, việc mở quán cơm từ thiện để những người bất hạnh có một điểm đến ăn cơm hằng ngày như anh Đào Văn Vĩnh là không nhiều và rất đáng trân trọng. Quán cơm của anh không chỉ san sẻ phần nào với người nghèo, người khuyết tật vơi bớt nhọc nhằn mà còn làm cho cuộc sống nơi phố thị thêm ấm áp và chan chứa tình người.  

Tâm Như
 

;
;
.
.
.
.
.