Công trình kiến trúc Pháp có giá trị được xem là di sản văn hóa hữu hình, đánh dấu một giai đoạn phát triển lịch sử của thành phố. Nếu chúng ta muốn xây dựng một đô thị mới theo hướng phát triển bền vững thì cần phải tạo ra được sự nối kết liên tục giữa ký ức và hiện tại cho đô thị đó.
Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng đang diễn ra một sự đổi mới nhanh chóng, hiện tượng này có thể làm biến dạng một cách không thể sửa chữa đến những di sản chưa được đánh giá đúng và đang bị bỏ rơi. Cụm từ “di sản” mà chúng tôi muốn nói đến là những công trình kiến trúc thuộc địa Pháp còn sót lại trong khu vực trung tâm.
Tòa nhà làm việc của HĐND thành phố Đà Nẵng, sẽ được chuyển đổi chức năng thành Bảo tàng lịch sử. (Nguồn: Jack Jennings, chụp năm 1966) |
Vào năm 2006, tại khu vực trung tâm thành phố có khoảng 20 công trình kiến trúc thuộc địa Pháp, tuy nhiên vào năm 2013 chỉ còn 13 công trình và đến nay (2019) con số giảm xuống dưới 10. Việc xóa sổ các tòa nhà lịch sử để thay thế bằng những khu phức hợp bề thế, với lối kiến trúc xa lạ so với cảnh quan xung quanh, đã đặt ra nhiều sự hoài nghi.
Phải chăng những công trình này đã lỗi thời và không còn giá trị? Hay do cám dỗ từ thị trường bất động sản khiến chủ sở hữu không giữ được nó? Và cuối cùng phải chăng thành phố còn chưa có được một bộ quy tắc ứng xử đối với thể loại công trình này?
Giá trị của những công trình kiến trúc Pháp
Để đánh giá được giá trị cho một công trình kiến trúc cũ cần phải căn cứ vào các tiêu chí đánh giá đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO(1)) quy định (ví dụ: giá trị văn hóa lịch sử, giá trị về tuổi thọ, giá trị về nghệ thuật, giá trị về vai trò trong cơ cấu chung, v.v...). Kết quả đánh giá 10 công trình kiến trúc đã được tác giả thực hiện vào năm 2013 (2) cho thấy như sau (biểu mẫu):
Hầu như tất cả các công trình thời thuộc địa Pháp ở Đà Nẵng đều là những công trình có giá trị về mặt: Phong cách kiến trúc, tuổi thọ, tính chất lịch sử đánh dấu một thời kỳ, tuy nhiên chỉ có duy nhất công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Nhà nước công nhận là Bảo tàng hạng 1 vào năm 2012 và được thành phố Đà Nẵng ra quyết định công nhận như là một đơn vị hoạt động độc lập từ năm 2007. Thế thì những công trình còn lại sẽ như thế nào? Câu hỏi lớn nhất cần phải giải đáp được là chúng sẽ có những đóng góp thiết thực gì cho sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
Trong vai trò phục vụ du lịch, nếu chính quyền địa phương nỗ lực khôi phục các tòa nhà thời thuộc địa bằng cách phục chế, trùng tu, hay làm mới chúng dưới dạng chuyển đổi chức năng sử dụng (bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa, công trình công cộng), thì lúc đó du khách đến Đà Nẵng, đặc biệt là khách quốc tế, có cơ hội khám phá các điểm du lịch văn hóa đặc sắc của địa phương thông qua các công trình kiến trúc này.
Những công trình kiến trúc thuộc địa hiếm hoi còn sót lại đã được xây dựng vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, nhờ vào vị trí của chúng đã góp phần vào quá trình phát triển của thành phố, kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Hệ thống giao thông phát triển góp phần vào việc ghép các khu phố lại với nhau. Các công trình này cho đến nay vẫn là linh hồn của các khu phố đó, mỗi công trình có một bản sắc riêng, mang ý nghĩa tượng trưng riêng, tạo ra tính cách chung của thành phố.
Điều này cho thấy rằng khi các tòa nhà cổ nếu được chính quyền quan tâm trùng tu xong, việc quy hoạch tổng thể không gian xung quanh chúng có thể có lợi cho sự vận động của đô thị và góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Những công trình ở trong tình trạng “nguy hiểm”
Hầu hết những công trình kiến trúc thời thuộc địa được người Pháp quy hoạch và bố trí ở những vị trí quan trọng trong đồ án thiết kế thị xã Đà Nẵng xưa. Và bây giờ, chúng đều chiếm ngự ở các vị trí “đất vàng” trong khu trung tâm thành phố.
Đối với những tòa nhà thuộc quyền sở hữu tư, khi mà thành phố không có những quy định độ nghiêm ngặt hay phần hỗ trợ tái đầu tư cho họ thì chắc chắn sẽ khó giữ được vì những cám dỗ đến từ giá trị thị trường bất động sản. Đối với những công trình thuộc quyền sỡ hữu công, nếu thành phố không có một hội đồng độc lập để đánh giá và đưa chúng vào danh sách di sản cần được bảo tồn thì kết quả cũng sẽ không có gì khác. Sự biến mất của các tòa nhà thuộc địa ở số 16 và 34 Bạch Đằng là một ví dụ điển hình.
Những công trình kiến trúc thuộc địa đã tồn tại 100 năm nay, hầu hết đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp trầm trọng. Đây cũng là lý do mà các cơ quan đang tiếp quản sử dụng muốn chuyển đến một nơi làm việc mới, khang trang hơn, vì trong thực tế các công trình cũ này không còn đáp ứng được điều kiện làm việc tối thiểu, ít nhất về mặt chức năng văn phòng.
Điều đáng ngạc nhiên là toàn bộ những công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Đà Nẵng đều không có được bất cứ bộ hồ sơ kiến trúc nào, với lý do đó chúng tôi đã tự đặt câu hỏi: Hàng loạt các hoạt động sửa chữa và cải tạo các công trình này từ trước đến nay dựa trên cơ sở nào?
Mặt khác, hiện nay tại Đà Nẵng không có một cơ quan chủ quản quản lý và chịu trách nhiệm chung cho các công trình này (ví dụ ở Huế có Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), mà hiện nay chúng được phân quyền về cho cơ quan trực tiếp sử dụng quản lý, như vậy rõ ràng rất nguy hiểm vì rằng những người sử dụng không có chuyên môn về lĩnh vực này.
Những ngôi nhà cổ và các tòa nhà thuộc địa cũ tạo nên một di sản văn hóa đặc trưng cho một đô thị Đà Nẵng xưa, nơi đã chứng kiến cách mà người dân của thành phố này đã sống và gây dựng cơ đồ trong một giai đoạn lịch sử cực kỳ khó khăn. Di sản này thuộc về tất cả người dân Đà Nẵng, bởi vì không một nơi nào khác được xây dựng chính xác theo cùng một cách như ở đây.
Một tín hiệu đáng mừng là năm 2018, thành phố Đà Nẵng đã có quyết định chuyển đổi chức năng sử dụng của tòa nhà trụ sở HĐND thành phố (Tòa Thị chính) thành Bảo tàng Đà Nẵng. Đây có lẽ là một động thái tích cực và cụ thể nhất về phía chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của những công trình kiến trúc thuộc địa cũ.
TS Lê Minh Sơn
(1) Arthur Pedersen, Tài liệu hướng dẫn về Di sản thế giới, Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO xuất bản năm 2002, 141 tr.
(2) Lê Minh Sơn, Khảo sát và đánh giá giá trị các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Đà Nẵng, đề tài NCKH cấp ĐHĐN, 2013.