Bát cơm Cụ Hồ - tập bút ký đậm hơi thở cuộc sống

.

Ngay trong lòng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng xuất hiện một số tác phẩm ghi lại tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm gan dạ của quân và dân ta; đồng thời khắc họa tình cảm sâu nặng, niềm tin tưởng của đồng bào đối với Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu. Một trong những tác phẩm còn lưu lại đến hôm nay, sau 67 năm, đó là tập bút ký Bát cơm Cụ Hồ của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Tập bút ký Bát cơm Cụ Hồ  của Nguyễn Thành Long, NXB Văn nghệ, 1955.
Tập bút ký Bát cơm Cụ Hồ của Nguyễn Thành Long, NXB Văn nghệ, 1955.

Nhà văn Nguyễn Thành Long (1925-1991), quê quán Bình Định, sinh tại Duy Xuyên (Quảng Nam), tham gia hoạt động văn nghệ trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở Nam Trung Bộ, trong đó có Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông là nhà văn nổi tiếng với nhiều truyện ngắn đặc sắc và đấy cũng là thể loại mà ông tâm huyết theo đuổi gần như cả cuộc đời sáng tác của mình.

Bát cơm Cụ Hồ có thể được coi là tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Thành Long khi ông đến với cách mạng và kháng chiến. Tác phẩm được hoàn thành cuối năm 1952 gồm 10 bút ký, kết quả của đợt đi thực tế sau trận lũ lụt ở xã Tam Hải, Tam Kỳ, Quảng Nam.

Đó là quãng thời gian các địa phương ven biển của 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị đói nặng do thiên tai, do địa chủ bóc lột, lại thêm tàu giặc ngoài biển đổ bộ thường xuyên, đốt phá không cho dân chài lưới làm ăn. Tác giả đã đến tận nơi, sống cùng bà con để tìm hiểu thực tế cuộc sống, học hỏi lời ăn tiếng nói của bà con để xây dựng tác phẩm.

Hiện diện trên những trang viết của Nguyễn Thành Long trong tập sách là những tập thể và cá nhân những người dân Quảng Nam kiên cường, gan dạ, chịu đựng gian khổ để chiến đấu và chiến thắng. Tác giả về một xã ven biển (trong tác phẩm là xã Hải), để ghi lại những câu chuyện có thật, trong một cuộc chiến đấu có thật, vậy mà: “Ở đó, cái gì cũng lạ lùng. Nạn đói lạ lùng, nỗi căm thù lạ lùng, tình yêu Hồ Chủ tịch lạ lùng và sự cố gắng lạ lùng...”.

Và nhà văn đã chứng minh điều đó qua từng trang sách. Ở xã này, “ba năm liền, chúng nó (chỉ giặc Pháp) đem tàu lớn, tàu nhỏ rình rập ngoài khơi, ca-nô chúng ron rỏn cả vào trong lộng. Chúng nó khủng bố, bắn phá, giết chóc, cướp bóc. Cướp từ mành lớn đến ghe câu nhỏ, từ ruồng chèo chống trên mặt nước cho đến giã nghề cất trong bờ. Chúng nó ném bảy lần liên tiếp một trăm bảy mươi quả bom xuống các ghe câu và ruộng lúa xanh”. Trên những cánh đồng của xã, giặc “ngửi mùi lúa sắp chín” là mò lên cướp phá. Người dân xã Hải đi từ xơ xác đến kiệt quệ. Nạn đói bắt đầu hoành hành. Cỏ dại, trái hoang trở thành thức ăn thay thế cho cơm củ. Vậy mà đồng bào tuyệt không kêu ca, than thở. Cán bộ xã ăn rau củ đi làm công tác vận động bà con tăng gia sản xuất cứu đói”(1).

Điều cảm động mà tập sách đem lại cho người đọc là tình cảm sâu nặng và niềm tin tưởng mà người dân, trong những ngày tận cùng gian khó, đã luôn dành cho Chính phủ, cho Cụ Hồ. Tuy hình ảnh Bác không hiện diện trong tác phẩm, nhưng ở cái xã nghèo khó này, lúc nào, trong từng con người, hình ảnh Bác luôn hiển hiện.

Khi được Chính quyền chuyển gạo cứu đói về từng gia đình, khi trẻ em, người già đã có bát cơm ăn, bà con gọi đó là “bát cơm Cụ Hồ”. “Bát cơm Cụ Hồ thật là bát cơm hồi dương”. Nhưng người dân nơi đây không chỉ biết nâng niu “bát cơm Cụ Hồ” mà điều quan trọng hơn là đã làm theo lời dạy của Bác, chịu đựng gian khổ tăng gia sản xuất, có thêm nhiều lúa khoai, rau xanh để cứu đói, chống giặc càn.

“Xã Hải như bừng sáng lên trong buổi chiều cấp phát: cùng với lòng căm thù giặc, trong không khí bảy làng của xã Hải luôn nồng đượm lòng nhớ ơn Bác Hồ, nhớ ơn Chính phủ. Gạo Cụ, tiền Cụ lại biến ra những ruộng lúa khác, những vồng khoai xanh khác. Cái xã đói nhất ấy hiện nay là cái xã tăng gia sản xuất mạnh mẽ nhất”. Gia đình nào cũng tăng gia, từ cụ già đến em bé. “Các em thiếu nhi đói lắm phải hụp lặn hái trái mắm mà ăn, nhưng vẫn thi đua tăng gia đều, cho tăng gia là “xây dựng cháu bác Hồ”.

Điều bất ngờ là Thư chúc Tết năm đó của Hồ Chủ tịch đã được người dân ở đây đón nhận theo cách riêng của mình. Đây là suy nghĩ của anh cán bộ xã tên Trỉ trong bút ký nhan đề Sau một chặng đường gian khổ: “Bài thơ Tết của Bác có mấy chữ “phát động nông dân”, anh cán bộ chưa học tập, chưa thật hiểu hết nội dung của mấy chữ ấy. Nhưng anh biết rằng mấy chữ ấy giải quyết trúng nỗi băn khoăn của anh”…

“Chiều nay, mùa xuân trở về trên thôn xóm. Bông mướp vàng hoe trên giàn nhà trước cửa. Trên bãi cát những nương khoai đã được đào lên mấy ngày trước, đồng bào đang cần cù cày bừa lại và vun đâm những vồng khoai mới. “Thôn ấp hồi sinh rồi, thơ(2) rồi!”. Cái đó một phần lớn là nhờ bàn tay kỳ diệu của Hồ Chủ tịch. Cụ cấp phát viện trợ cho đồng bào đồng thời cũng là viện trợ tinh thần cho anh em cán bộ. Anh cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn, đồng thời mình tin tưởng hơn”.

Tuy nghệ thuật biểu hiện còn nhiều chỗ giản đơn nhưng điều quan trọng là tác phẩm trực tiếp mang hơi thở của cuộc sống, khi tác giả hòa mình cùng bà con và viết ngay tại mảnh đất này, sử dụng lời ăn tiếng nói của bà con, thể hiện trực tiếp tâm tư, tình cảm của bà con với kháng chiến, với Bác Hồ.

Bát cơm Cụ Hồ của Nguyễn Thành Long đã được nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng năm 1952 và được Nhà xuất bản Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam in lại năm 1955.

Sau 67 năm, tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị về tinh thần vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm sâu nặng của các tầng lớp nhân dân với Bác. Nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với những người cầm bút trong những ngày đầu cách mạng mới thành công, đó là tinh thần xông xáo, lăn lộn vào thực tế của người nghệ sĩ – chiến sĩ, tận mắt chứng kiến cuộc sống gian khổ nhưng anh dũng của người dân, từ đó tìm ra đối tượng thẩm mỹ mới của văn học nghệ thuật cách mạng, tạo nguồn cảm hứng cho những thành tựu sáng tạo về sau này.

BÙI CÔNG MINH

(1) Những đoạn trong ngoặc kép được trích từ tác phẩm Bát cơm Cụ Hồ.

(2) Tiếng Quảng Nam: thơ thới.

;
;
.
.
.
.
.