Có nhận định, trong hoạt động văn chương của Đà Nẵng, những sáng tác mới ít hơn và điều đặc biệt là không có thêm người viết trẻ. Từ sau Hội nghị Những người viết văn trẻ (mở rộng) tại Đà Nẵng năm 2017 đến nay, văn đàn Đà Nẵng cũng không ghi dấu tác phẩm nào nổi bật. Quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên quen thuộc như Giang Trung, Bách Mỵ, Thục Trang, Trung Kiên, Lê Hồng Mận… Văn chương của một vùng đất mà sự tiếp nối yếu ớt như vậy cũng là điều đáng lo ngại. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi nhỏ với “những người trong cuộc” để hiểu thêm.
Nhà thơ Ngô Võ Giang Trung, giao lưu với bạn đọc trong chương trình “ Sách và những người bạn”Ảnh: ĐĂNG KHÔI |
* Nguyên nhân nào khiến các cây viết trẻ của Đà Nẵng thiếu tác phẩm hay?
Nhà thơ Ngô Võ Giang Trung: Thực tế, các bạn trẻ ở Đà Nẵng vẫn viết và dành tình yêu cho văn học nhưng có lẽ cần thêm nhiều điều kiện để có những tác phẩm được xuất bản và tiếp cận với rộng rãi bạn đọc. Đà Nẵng ít có những đơn vị phát hành lớn nên để các tác giả trẻ làm việc được với những đơn vị lớn cũng gặp nhiều khó khăn. Mà việc tác phẩm có nổi bật hay không phụ thuộc khá nhiều vào đơn vị phát hành. Ngoài việc thẩm định về giá trị tác phẩm để hợp tác thì một đơn vị lớn sẽ có nhiều cách quảng bá cũng như các kênh phân phối đủ mạnh để tác phẩm được quảng bá rộng rãi hơn.
Cũng khó để nói các tác giả trẻ Đà Nẵng không có những tác phẩm hay, nhưng thực tế rõ ràng là các tác giả Đà Nẵng có ít tác phẩm được xuất bản hơn một số nơi khác. Thêm một điều nữa, Trung nghĩ là vì các bạn hơi “hiền”, ít xông xáo và tìm cách để những đứa con tinh thần của mình có cơ hội xuất hiện. Một phần có lẽ do bản tính e ngại của người miền Trung chăng?
Nhà thơ Trương Thị Bách Mỵ: Theo tôi, thứ nhất là do bận rộn nhiều việc dẫn đến thời gian các tác giả dành cho văn chương đã bị thu hẹp. Khi không viết được tác phẩm thì làm sao có được tác phẩm hay? Thứ hai, tôi nghĩ người ta thực sự không đủ lực, để duy trì, xây dựng, biến nguồn cảm hứng ban đầu thành một tác phẩm hoàn chỉnh với tầng cảm xúc ổn định. Thứ ba, sự hỗ trợ, tiếp sức cho tác phẩm của tác giả trẻ hiện nay không có. Nếu tiếp sức kịp thời để tác phẩm được đến tay độc giả, có đời sống riêng thì tác giả trẻ sẽ có thêm niềm vui, động lực mà tiếp tục viết. Việc quảng bá cần kịp thời nhưng chính xác và khách quan. Để người đọc cảm thấy không bị hoang mang trước những chuẩn mực hay dở mà truyền thông đưa đi.
Nhà văn Ngô Thị Thục Trang: Thú thật, bản thân tôi cũng là một người trẻ, và cũng ít sáng tác. Truyện ngắn mới nhất Mùa sưa đăng Báo Đà Nẵng cách đây 2 năm. Nguyên nhân nào khiến các cây bút trẻ Đà Nẵng thiếu tác phẩm hay thì điều này cần một nhà phê bình văn học phân tích, tôi chỉ là một người viết không chuyên, không đủ lý luận để trả lời. Nhưng đúng là đời sống ngày nay với nhịp độ rất nhanh, quá nhiều mối bận tâm, để đi đến cùng trong văn chương không phải điều dễ dàng.
*Vậy làm cách nào để có tác phẩm hay, một tác phẩm ghi dấu ấn tác giả trên văn đàn?
Nhà thơ Trương Thị Bách Mỵ: Tôi nghĩ không riêng gì ở Đà Nẵng. Người viết hiện nay đa số kiêm nhiệm quá nhiều vai trò trong cuộc sống. Không thể chỉ viết mà bảo đảm được cuộc sống của bản thân và gia đình. Nên dù mặn mà, dù đam mê, nhưng cơm áo là những điều có thật luôn hiện hữu. Và để có được một tác phẩm, chưa nói là hay hay dở - đều phải là sự nung nấu, tích lũy, xây dựng dài hơi thì người viết lại bận xoay xở ở những vai trò khác mà đời sống bắt buộc.
Cá nhân tôi nghĩ, để có một tác phẩm nổi bật thì người viết phải sống một đời sống thật sâu. Có đủ tâm và lực. Có lòng yêu thương con người thực sự. Nhạy bén và dũng cảm. Tác phẩm luôn hướng về nhu cầu thưởng thức của độc giả, “gãi đúng chỗ ngứa” của đông đảo độc giả chứ không phải thể hiện cái tôi cá nhân và người viết chỉ để thỏa mãn nhu cầu viết của họ.
Nhà văn Ngô Thị Thục Trang: Phải có một nội lực mạnh, một tình yêu sâu bền, dữ dội nữa, thì may ra…
* Một số tác giả trẻ chia sẻ, họ không còn quá quan trọng chuyện “đất” đăng tác phẩm của mình theo hình thức truyền thống thông qua báo chí, ra sách như trước đây. Cách tiếp cận với bạn đọc hiện đại có thể qua mạng xã hội, trang blog cá nhân. Anh/chị nghĩ gì về hình thức này?
Nhà thơ Ngô Võ Giang Trung: Mạng xã hội, theo tôi, là một cơ hội rất lớn cho các tác giả trẻ tiếp cận độc giả của mình. Bản thân tôi cũng là một người viết được biết đến trước tiên qua Facebook sau đó mới có ấn phẩm ra mắt bạn đọc.
Tuy nhiên điều gì càng dễ thì cũng dẫn đến vấn đề chất lượng khó kiểm soát. Và đó cũng là câu chuyện của bạn đọc. Dễ tiếp cận cũng dễ dẫn đến sự dễ dãi của độc giả cũng như của chính tác giả. Và dù sao đi nữa, một tác phẩm được in ấn xuất bản cũng vẫn là một “giá trị” ít nhiều đã được thẩm định, và cảm giác thích thú khi cầm trên tay một cuốn sách vẫn không thể nào thay đổi dù cho có ngàn vạn cách đọc trên mạng đi nữa.
Nhà thơ Trương Thị Bách Mỵ: Tôi nghĩ đưa tác phẩm đến được với bạn đọc bằng cách nào cũng tốt. Hiện nay các tác giả có nhiều điều kiện để đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc thông qua trang cá nhân, và các trang mạng xã hội khác.
Tuy nhiên mình vẫn thích cách tiếp cận truyền thống hơn; thích tác phẩm được đánh giá, phê duyệt bởi những người có chuyên môn. Tác phẩm được in ấn, được chào đón và được đến tay bạn đọc. Để người đọc có được sự tò mò, thích thú khi sở hữu được một tập sách. Để người viết có thêm động lực, niềm vui và cảm hứng sáng tác.
Nhà văn Ngô Thị Thục Trang: Tôi cũng có trang Facebook cá nhân, thỉnh thoảng có đăng bài để bạn bè đọc chứ không có chủ ý giới thiệu tác phẩm đến độc giả mới. Mình biết có rất nhiều người viết dùng trang cá nhân để quảng bá tác phẩm và họ có lượng người đọc, theo dõi cực lớn từ đây. Một số người sau đó ra sách với lượng in mà nhiều nhà văn mơ ước, dù tác phẩm của họ không được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí trong làng văn chương, tên họ chưa một lần được nhắc đến.
Điều đó cho thấy, văn chương mạng đang chiếm ưu thế. Những người viết, nếu biết cách thu hút bạn đọc bằng các “chiêu trò” trên mạng, sẽ có lượng “fan” đông đảo. Nhưng văn chương nào sẽ có độc giả đó.
Một tác giả có nhiều “fan”, sách ra bán được lượng khủng cũng không thể lấy đó làm thước đo chất lượng của tác phẩm. Đôi khi là ngược lại. Bản thân tôi thì không PR tác phẩm trên Facebook. Nhưng khi chọn tác giả mới để đọc, tôi có tham khảo Facebook của họ, đọc qua một vài sáng tác. Cách này cũng hiệu nghiệm.
Quỳnh Trang