Suốt những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, đường mòn Hồ Chí Minh là tuyến vận chuyển vũ khí, lương thực, quân nhu của quân và dân miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Giữa bom rơi, đạn pháo, giữa đói khát và chết chóc cận kề, con đường huyền thoại ấy vẫn nối liền, thông suốt bởi tinh thần “địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi” của những thanh niên xung phong (TNXP) giữa núi rừng Trường Sơn.
Ở tuổi 73, cựu TNXP Trần Thị Thanh Hương có cuộc sống bình yên, vui vầy bên con cháu. Ảnh: T.Y |
Phải nhanh chóng thông đường để xe qua
Như bao thanh niên sinh ra và lớn lên giữa lúc đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, tháng 5-1965, chưa đầy 17 tuổi, Trần Thị Thanh Hương tạm biệt làng quê Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), khoác lên mình màu áo TNXP, có mặt trong đoàn quân Nam tiến, bắt đầu cuộc hành quân đầu trần, chân đất, đêm đi, ngày nghỉ, trên vai tư trang, dụng cụ nặng gần 30 ký.
Tròn một tháng mười lăm ngày băng rừng, lội suối xuyên qua đèo dốc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khe Tang đường 15, Bãi Dinh, Cổng Trời đường 12 - là những trọng điểm địch đánh phá ác liệt - bà Hương cùng đồng đội đặt chân đến km0, được đơn vị giao nhiệm vụ Đại đội phó thuộc Binh trạm 12, Đoàn 559, lúc này có 198 nữ. Tại đây, bà nhận nhiệm vụ mở tuyến đường 128, nằm ở khu vực ngã ba biên giới, kéo dài xuống các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam. Đây là trục đường dài nhất, được sử dụng thường xuyên nhất ở phía tây Trường Sơn, do Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Giao thông vận tải mở từ năm 1965.
“Đầu không có mũ, chân không có dép, chúng tôi cứ thế hành quân. Đi giữa đá sỏi, chân bị tứa máu tươi cũng cắn răng mà bước tiếp. Có nhiều chị chân sưng vù, không thể đi nổi được đồng đội cáng, dìu nhau băng rừng, mồ hôi, nước mắt lẫn máu thấm đẫm cả cơ thể”, bà Hương nhớ lại.
Hành quân đã vất vả, đến nơi còn cực hơn. Từng tốp nữ TNXP phân công nhau chặt cây, đốn nứa làm lán trại, bứt lá làm chiếu, căng ni-lông làm nhà, thiếu gạo, thiếu muối, bát đũa không có nên khi ăn phải bốc từng nắm trong tay. Sống giữa núi rừng Trường Sơn, ngày đêm chỉ nghe tiếng chim kêu, vượn hú. Càng tiến vào rừng sâu, cuộc sống càng khổ cực.
Để tránh bị địch phát hiện, ban ngày, họ ẩn mình trong hang đá, dưới những lùm cây, đêm đến sau 3 phát súng lệnh, tất cả lại lao ra đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom, giữ huyết mạch để đoàn xe Nam tiến. Do ăn uống kham khổ, thời tiết khắc nghiệt, công việc lại nặng nhọc nên sức khỏe của chị em giảm sút, tưởng chừng như không thể đủ sức vận chuyển đất đá, cây rừng để san lấp hố bom. Ngoài nhiệm vụ san lấp hố bom, đơn vị của bà Hương còn nhiệm vụ nổ mìn phá đá mở đường và giữ tuyến đường 128 thông suốt.
Năm 1967, từ Tây Trường Sơn, bà Hương được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 752, đóng quân tại đường 12, 15, 20 thuộc đường Trường Sơn. Đây là tuyến đường nối từ Phong Nha (Quảng Bình), vượt qua đỉnh Trường Sơn nhập vào trục đường 128 nằm trên địa bàn tỉnh Khăm Muộn (Lào). Nói sao cho hết những vất vả, gian truân, đau khổ, kiệt sức mà những người nữ TNXP như bà đã trải qua giữa núi rừng.
Hàng tháng trời dầm mưa dãi nắng, san đất đá, chặt cây lót đường, là con gái tuổi mới lớn phơi phới yêu đời nhưng tấm áo lành không có để mặc, chiếc quần vá chằng chịt, vải mục nát bởi lớp bùn đất và mồ hôi hòa quyện. Bà Hương xúc động nhớ lại, giữa những ngày tháng ấy, nhiều lần trên tuyến đường đại đội bà phụ trách có đoàn làm phim tài liệu ngang qua, nhưng hầu hết chị em đều chạy trốn vào hang đá, lùm cây bởi ngại ngùng lẫn xấu hổ...
Ngày ở chiến trường, bà Hương chỉ 40kg, nước da trắng trẻo, giọng nói lảnh lót nên được đồng đội gọi thân mật là “Thủ lĩnh chim chích” hay “kiện tướng chặt cây” bởi sự xông xáo, đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Vượt qua sức vóc ốm yếu của mình, có những ngày, bà Hương chặt 50 cây rừng lót đường thông xe, từng được Bác Hồ gửi tặng một bộ quần áo TNXP, được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Vì thế hệ trẻ. Với những thành tích đó, tháng 8-1967, bà Hương vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng, làm trưởng đoàn đích thân ra Thanh Hóa tuyển thêm 3.000 nữ TNXP cho Ban xây dựng 67.
Năm 1969, bà được điều về phòng nhân sự Ban Xây dựng 67, sau này được đề bạt giữ chức Phó phòng Tổ chức cán bộ - Lao động Khu quản lý đường bộ V. Ở vị trí này, bà Hương càng có điều kiện hiểu hơn về hoàn cảnh, sự hy sinh của đồng đội dọc theo những ngả đường quyết tử của bộ đội ta dưới núi rừng Trường Sơn.
Sống xứng đáng với đồng đội cũ
Tài liệu lịch sử ghi lại, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 1968, trên tuyến đường do đơn vị TNXP Ban Xây dựng 67 quản lý, Mỹ đã thực hiện 11.860 trận đánh phá cầu đường, ném xuống gần 200.000 quả bom các loại. Nhiều đến nỗi, tính bình quân mỗi cây số đường phải gánh chịu hơn 300 quả bom.
Bà Hương kể: “Có những trọng điểm địch tập trung đánh phá 36 trận mỗi ngày nhằm tê liệt, chặn đứng sự chi viện của hậu phương miền Bắc dành cho chiến trường miền Nam. Hố bom chồng lên hố bom, những mảng rừng cây cối gãy đổ, hoang tàn nhưng với khẩu hiệu đề ra “đường tắt giờ, tắt phút chứ không tắt ngày”, mỗi chiến sĩ TNXP như tôi phải luôn vượt qua vất vả, sợ hãi, bệnh tật, đói rét để cứu đường ngay trong đêm. Và, đều đáng trân trọng ở đây là chúng tôi coi nhiệm vụ thông đường còn cao hơn sự sống, có chiến sĩ cắn ngón tay lấy máu viết đơn xin thề quyết tử, không một ai chịu rời vị trí của mình”.
Xen lẫn trong câu chuyện về tháng ngày sống và chiến đấu dọc theo những con đường vận chuyển vũ khí, lương thực phía tây Trường Sơn, bà Hương ứa nước mắt khi nhắc về đồng đội cũ, những con người đã hy sinh tất cả để hoàn thành nhiệm vụ cứu đường. Đó là chị Nguyễn Thị Nậy bị thương ở chân đã nhờ đồng đội dùng rựa chặt cho đứt chân hẳn để khỏi vướng mà tiếp tục cùng đồng đội bám đường, bám trận địa; hay đó là chị Hoa nuôi quân gánh cơm ra hiện trường bị bom đánh trúng, trước khi tắt thở còn hỏi “cơm có đổ hết không?”, bởi lo cơm đổ đồng đội của mình phải chịu đói.
Trong ký ức của mình, bà Hương còn nhớ nữ TNXP tên Phượng đang tắm suối thì thấy máy bay Mỹ kéo đến ném bom trúng vào trận địa pháo 85. Lúc này, khi nghe tiếng pháo bắn thưa dần, đoán rằng máy bay địch đã san bằng trận địa, vì lo sợ trận địa vỡ, cứ thế ôm quần áo chạy đến trận địa để tiếp đạn. Tuy nhiên, vì thấp bé nhẹ cân, không cõng nổi hòm đạn pháo 85, Phượng đã dùng hai ống quần của mình để tuồn đạn vào rồi kéo đi dưới làn bom đạn và máy bay địch quần đảo trên đầu…
Ngồi trước mặt tôi trong căn nhà nhỏ nằm trong kiệt 693B Trần Cao Vân (Đà Nẵng), người nữ TNXP lứa tuổi mười chín đôi mươi ngày ấy giờ đã ở tuổi 73. Dù đi gần hết cuộc đời, nhưng sức vóc khỏe mạnh, độ nhanh nhạy vẫn thoảng hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói của bà.
Có lẽ vì thế mà năm 2004, nghỉ hưu hôm trước thì hôm sau bà được Công ty CP Tập đoàn Phú Thái Chi nhánh Đà Nẵng mời về làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc đơn vị này. Từ ngày tham gia vào lĩnh vực kinh tế, bà có thêm điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội cũ bằng việc đón nhận hơn 20 cựu TNXP, cựu chiến binh và con cháu họ vào làm việc tại Công ty Phú Thái với mức thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, bà xây dựng, duy trì nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, nhiều năm liền giữ chức Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban hòa giải tại khu vực, tích cực tham gia vào các hoạt động của cựu TNXP. Có thể nói, suốt những năm tháng qua, nữ “thủ lĩnh chim chích” vẫn làm việc không ngừng nghỉ và đầy trách nhiệm, với tâm niệm “sống thay, sống xứng đáng” cho đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh dọc theo những “con đường quyết thắng” giữa núi rừng Trường Sơn năm xưa.
TIỂU YẾN