Giếng đá ở làng rau Trà Quế

.

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam có hơn 60 giếng cổ được người xưa xây dựng tập trung theo 3 kiểu: hình tròn, hình vuông và hình trên tròn dưới vuông. Hầu hết các giếng cổ nơi đây đều xây bằng gạch thẻ được nung kỹ, chỉ duy nhất có một giếng được xây bằng đá, nằm ở vị trí rất lẻ loi. Chính vì có kết cấu lạ nên giếng đá cổ này dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau về một vùng đất.

Anh Hồ Văn Sáng trước đây thường múc nước giếng cổ này để tưới rau.  Ảnh: Thái Mỹ
Anh Hồ Văn Sáng trước đây thường múc nước giếng cổ này để tưới rau. 

Từ trung tâm phố cổ Hội An đi theo đường Hai Bà Trưng về hướng đông bắc chừng 3km rồi rẽ bên phải theo con đường làng nhỏ hẹp ngoằn ngoèo chừng vài trăm mét sẽ thấy hiện ra một màu xanh mướt mát, đó là làng rau Trà Quế nổi tiếng gần xa. Làng rau Trà Quế ở thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, có diện tích canh tác chừng 20ha với trên 200 hộ làm nghề trồng trọt hơn 40 loại rau thơm ngon nức tiếng.

Đã từ lâu đời, ngay trên cánh đồng rau này đã có một cái giếng hình vuông được xây bằng đá. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người dân nơi đây lần lượt ra đi và mang theo sự bí ẩn lạ lùng mà có lẽ những người thiên cổ ấy cũng không thể biết giếng đá có từ niên đại nào. Cái giếng đá ấy cứ theo dòng thời gian hiện hữu đến tận ngày nay và người ta gọi đó là giếng đá Trà Quế.

Giếng đá Trà Quế được xây theo kiểu kết hợp trên vuông, dưới tròn. Phần hình vuông là toàn bộ của thành miệng giếng. Để tạo ra thành giếng, người xưa đã dựng 4 trụ đá sa thạch màu xám xanh ở 4 góc vuông với khoảng cách từ trụ này sang trụ kia chừng 1 mét và có 8 tấm đá, mỗi tấm kích thước 97cm x 30cm xếp chồng lên nhau, mỗi góc 2 tấm. Phần trên cùng cũng có 4 thanh đá được lắp ghép làm cho miệng giếng trơn nhẵn để dễ sử dụng.

Để lắp ghép phần nổi của giếng hoàn toàn bằng đá, người xưa dùng đá như dùng… mộc, nghĩa là 4 trụ đá được đục các đường rãnh như những lỗ mộng của gỗ để lồng các tấm đá và thanh đá chắn trên cùng, tạo nên thành giếng một cái khung hình vuông bằng đá. Phần bên dưới âm trong lòng đất được xây bằng gạch theo kiểu hình tròn, có kích thước nhỏ hơn phần hình vuông bên trên. Nơi tiếp giáp giữa phần hình vuông bằng đá với phần hình tròn bằng gạch có một khung gỗ hình vuông rất tốt và dày, giếng sâu chừng 5 mét, nền giếng được lót bằng đá khá rộng.

Đa số giếng cổ đều nằm ở trung tâm thành phố Hội An nhưng tại sao lại có một giếng đá duy nhất ở giữa cánh đồng hoang vắng? Câu hỏi được một số nhà nghiên cứu đặt ra từ lâu, song không có ai giải mã được ngoài các câu chuyện truyền miệng.

Có câu chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa, Trà Quế là vùng đất lầy lội, hoang dã, cư dân thưa thớt, nghèo khổ sống chủ yếu bằng nghề chài lưới trên các sông Cổ Cò và Để Võng. Ngày qua, tháng lại, cá tôm trên các dòng sông này cũng vơi dần nên họ chuyển sang nghề trồng rau để mang đi đổi lấy lúa gạo. Thế rồi một ngày nọ, những luống rau đang độ xanh mơn mởn bỗng héo hon vì khô hạn nên dân làng rủ nhau đào một cái giếng ngay giữa cánh đồng rau để có nước tưới. Có giếng nước trong mát nên mặc dù giữa cái nắng hè bỏng rát nhưng người dân Trà Quế vẫn có rau xanh không chỉ để ăn mà còn mang đổi nhiều thứ khác.

Còn theo các nhà nghiên cứu nhận định, giếng đá Trà Quế được hình thành vào khoảng thế kỷ XV, do người Chămpa xây dựng. Giai đoạn này người Đại Việt cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều nơi ở Quảng Nam để khai canh, lập cư nên giếng đá Trà Quế được người Đại Việt tiếp tục bảo quản, sử dụng cho đến ngày nay.

Anh Hồ Văn Sáng, một nông dân sản xuất rau Trà Quế cho biết gia đình anh hiện nay đang canh tác 2 sào rau nằm cạnh bên giếng đá. Những năm trước, anh cũng như một số bà con xung quanh đều múc nước giếng đá tưới cho các đám rau. Những đêm trăng thanh gió mát, tiếng gàu va cồm cộp vào thành giếng để đổ nước vào đôi xô kĩu kịt tới các luống rau cho tới tận khuya. Nhiều hộ không có giếng cũng tới đây tắm táp, giặt giũ và gánh nước về nhà ăn uống.

Bây giờ ở làng rau Trà Quế không còn cảnh gánh nước tưới rau như ngày trước nữa mà họ đều sử dụng hệ thống tưới phun tự động nên cái giếng đá này cũng không dùng nữa. Do nhu cầu chỗ ở, một số ngôi nhà dân cũng được xây dựng gần với giếng hơn, vì vậy giếng đá Trà Quế trở nên “ấm áp” chứ không còn cô đơn, hiu hắt giữa cánh đồng rau như ngày trước.

Cách giếng đá Trà Quế không xa, lăng mộ Thượng thư Bộ binh Nguyễn Điển, người con của làng Trà Quế, làm quan cho 3 triều vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, có nhiều công trạng với giang sơn, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Như vậy chỉ cách nhau vài chục mét thôi, tại một góc của làng rau Trà Quế đã có hai di tích rất có ý nghĩa với du lịch.

Tuy đã hết chức năng cung cấp nguồn nước ngọt nhưng giếng đá Trà Quế vẫn ngời ngời giá trị lịch sử lâu đời về một vùng đất trồng rau thơm ngon có một không hai của xứ Quảng. Giếng đá Trà Quế là nét văn hóa độc đáo của một vùng đất, là thanh âm từ quá khứ vọng về, là sản vật vô giá cần phải được tiếp tục lưu giữ, khám phá ở các thế hệ mai sau...       

 Bài và ảnh: THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.