Hư hàm thời Nhà Nguyễn

.

* Trong làng tôi có một ông lão được mọi người từ già tới trẻ đều gọi thân mật đầy nể trọng là bác Hòa. Tuy nhiên, một anh là nhà nghiên cứu lịch sử lại cho rằng, phải gọi cụ ấy là ông Bát Hòa mới đúng, bởi “Bát” là một phẩm hàm do vua thưởng ban ngày trước. Xin quý báo giải thích cho trường hợp này. (Trọng Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng)

Một trường thi năm 1895. (Ảnh minh họa)
Một trường thi năm 1895. (Ảnh minh họa)

- Bát ở đây là cách gọi tắt của Bát phẩm, một trong 9 bậc phẩm trong quan chế Cửu phẩm Quan giai dưới thời Nhà Nguyễn ở nước ta. Tất cả những người ra làm quan đều xuất thân từ khoa bảng. Tuy nhiên, nếu một người dân nào đó có công lao đặc biệt, họ có thể được quan địa phương đề bạt để triều đình thưởng phẩm hàm, như trường hợp ông Cửu Tánh dưới đây.

Bên trong lăng Khải Định, tức bên trong điện Khải Thành, chỗ thờ vua Khải Định, trên nóc điện có một bức bích họa rồng mây rất đặc sắc. Đó là tác phẩm “Long vân khế hội” của nghệ nhân Phan Văn Tánh. Nhờ tác phẩm này, ông được thưởng hàm Cửu phẩm văn giai, và từ đó người ta gọi là ông Cửu Tánh.

Tác giả Võ Hương An (bút danh khác của nhà nghiên cứu Võ Văn Dật), trong bài viết “Có những Ông Nghè không đỗ Tiến sĩ” cho rằng đó là một hư hàm, chỉ để vinh danh, chứ ông Cửu Tánh không có dự trong quan trường.

Tác giả cho biết, trong quan chế Nhà Nguyễn, có hàm Hàn Lâm Viện, ban đầu dùng trong việc bổ dụng những người xuất thân khoa bảng, hoặc những người có học, chữ tốt (thư thủ) được tuyển dụng làm thư ký. Nhưng từ đời Tự Đức trở về sau, nguyên tắc này trở thành lỏng lẻo, nhất là từ khi có việc tặng hư hàm cho những người có công quyên góp tiền bạc dùng vào quân phí hay chi phí xã hội.

Đầu tiên, lệ năm Tự Đức thứ 16 (1863) định rằng hễ ai có lòng từ thiện, quyên tiền hoặc lúa (quy ra tiền) cho nhà nước để giúp vào việc trợ cấp dân chúng trong lúc khẩn cấp vì thiên tai, dịch bệnh, thì sẽ được thưởng phẩm hàm. Ai quyên góp được 1.000 quan sẽ được thưởng phẩm hàm “Tùng cửu phẩm Bá hộ”, gấp đôi số đó được thưởng “Chánh cửu phẩm”; ai quyên góp được 3.000 quan sẽ được thưởng phẩm hàm “Tùng bát phẩm”, 4.000 quan được thưởng “Chánh bát phẩm”...

Thế nhưng hai năm sau, vì quá cần tiền - do thua trận Pháp và Tây Ban Nha, phải bồi thường chiến phí - giá biểu này sụt xuống để quyên được nhiều hơn. Giá căn bản là 800 quan (thay vì 1.000), hễ cứ thêm 1.000 quan thì được lên một bậc. Đã thế lại còn mở rộng ra, hễ người ủng hộ có chút học thức hay võ nghệ thì có thể dự một kỳ sát hạch tại Bộ Lại (cho quan văn) hoặc Bộ Binh (cho quan võ) và nếu đậu thì sẽ được bổ dụng làm quan. Chưa hết, vua còn cho các quan có lỗi, bị cách chức hay giáng cấp được dùng tiền để chuộc lỗi, nghĩa là phục hồi chức vụ cũ.

Có lẽ việc mở cửa này đã bị tràn ngập những hệ lụy xấu xa nên qua năm sau, Tự Đức thứ 19 (1866) vua ra lệnh chấm dứt việc đóng tiền làm quan hoặc nạp tiền để khôi phục phẩm hàm. Chỉ duy trì việc thưởng hư hàm (có chức mà không có thực quyền) cho người quyên góp mà thôi, và chỉ quyên góp khi cần, khi có lệnh, chứ địa phương không được tùy tiện mở ra.

Năm Thành Thái thứ nhất (1889) định rằng ai quyên một ngàn quan trở lên, nếu là dân thường thì cho tùng cửu phẩm bá hộ, còn ai đã có dự thi cử, nghĩa là có chữ nghĩa, thì cho tùng cửu phẩm văn giai (hàm Hàn lâm thuộc văn giai). Cứ quyên hơn 1.200 quan thì gia thêm một bậc.

Trở lại với tên gọi Bát Hòa. Hẳn là ông tên Hòa này ngày trước đã quyên cho triều đình trên 2.000 quan nên được thưởng (hư) hàm “Chánh bát phẩm” và từ đó có chút địa vị trong xã hội nơi chốn hương thôn.

ĐNCT

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.