Giữa muôn trùng vây của điện thoại thông minh với các trang mạng cập nhật thông tin từng giây trên Internet, rồi các chương trình giải trí trên truyền hình, trò chơi điện tử trên máy tính, trên điện thoại… những tưởng niềm vui đọc sách đã trôi vào quên lãng và là niềm trăn trở của các bậc phụ huynh, của những người đau đáu với văn hóa đọc.
Rất đông bạn đọc xếp hàng chờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách. |
Nhưng không phải vậy, nhìn vào số lượng sách xuất bản hằng năm và số đầu sách được bán ra hằng ngày ở các đơn vị phát hành sách cho thấy, sách vẫn là sự chọn lựa ưu tiên trong việc giáo dục con cái và phát triển tri thức cho lớp trẻ hiện nay.
Những tín hiệu vui
Chỉ sau 5 năm tổ chức hội sách với chủ đề “Sách- Văn hóa và phát triển”, hội sách Hải Châu đã đem lại cho người dân Đà Nẵng và các địa phương lân cận một luồng sinh khí mới về văn hóa đọc. Hội sách Hải Châu lần thứ nhất (tháng 4-2015) được tổ chức sau bao nhiêu lần bàn thảo, tính toán nhưng chỉ có 12 nhà sách, nhà xuất bản tham gia.
Hoạt động mới mẻ này đã thu hút khoảng 16.000 lượt người đến tham quan và mua sách với khoảng 32.000 cuốn sách được bán ra, doanh thu gần 1,3 tỷ đồng là một thành công bước đầu của quận Hải Châu trong việc đánh thức niềm đam mê đọc sách trong các em học sinh và nhiều bậc phụ huynh.
Thừa thắng xông lên, liên tục từ năm 2015 đến nay, cứ vào tháng 4 hằng năm, Hội sách Hải Châu lại diễn ra ngay bờ tây sông Hàn trong một không gian ngày càng mở rộng với sự tham gia ngày càng đông của các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách trong và ngoài nước.
Từ con số 12 đơn vị tham gia ban đầu với vài chục gian hàng, đến hội sách lần thứ 5 đã thu hút được 57 đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực xuất bản và phát hành sách trong và ngoài nước tham gia với quy mô 200 gian hàng. Số lượt người đến tham gia các hoạt động và mua sách, văn hóa phẩm cũng tăng lên không ngừng.
Theo thống kê của Ban Tổ chức, hội sách năm 2019 thu hút khoảng 190.000 lượt khách tham quan, mua sắm; khoảng 300.000 bản sách và các sản phẩm văn phòng phẩm, văn hóa phẩm được bán ra trong đợt này, tổng doanh thu gần 22 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với năm 2015.
Từ thành công của hội sách Hải Châu, trong các năm qua, các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu cũng thường xuyên tổ chức các hội sách với sự tham gia tích cực của các đơn vị phát hành sách. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của các địa phương trong việc chung tay xây dựng văn hóa đọc của Đà Nẵng.
Sách vẫn là sự lựa chọn
Với cái nhìn lạc quan, tích cực về văn hóa đọc, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông thành phố cho hay, chỉ trong 5 năm, trên địa bàn thành phố diễn ra hơn 10 hội sách; trong đó có những hội sách thu hút đông đảo người dân như: Hội sách Hải Châu, Tuần lễ sách Sơn Trà, Hội sách Thanh Khê, Liên Chiểu…
Các trường học phát động phong trào đọc sách trong thư viện, tăng cường tổ chức đọc sách ngoài trời, phát huy hiệu quả “Tủ sách mở”, “Thư viện mở”. Và Sở Thông tin-Truyền thông đánh giá cao việc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động để đưa sách ngày càng gần hơn với người đọc như trưng bày giới thiệu hơn 14.000 bản sách, tặng gần 1.000 đầu sách cho bạn đọc, tổ chức các phiên chợ sách.
Không chỉ ở trung tâm thành phố mới có các điểm phục vụ sách cho người đọc. Các thư viện cơ sở ở các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang cũng đã tìm cách đưa sách báo đến cho người dân, rồi các tủ sách doanh nghiệp, cà-phê sách cũng lần lượt ra đời như minh chứng cho việc sách vẫn luôn là người bạn trung thành của bất cứ ai. Sách luôn mở ra một chân trời tri thức cho mọi người nếu chọn sách làm bạn.
Tại Hội sách Hải Châu 2019, đã có hơn 1.000 bạn đọc tham dự giao lưu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Buổi giao lưu và ký tặng sách kéo dài suốt từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thực sự xúc động bởi sự đam mê đọc sách của người đọc ở Đà Nẵng. Và dù rất mệt vì phải ngồi nhiều giờ liền để ký tặng, nhưng ông vẫn cố gắng để không phụ lòng người mê đọc sách.
Mới đây, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2018” của Sở Văn hóa - Thể thao thành phố tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam đã thu hút hàng trăm học sinh tiểu học và trung học cơ sở của Đà Nẵng tham gia. Với hai vòng thi, viết bài (800 từ/bài) và quay clip (3 phút/clip), trình bày bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh cảm nhận về một tác phẩm, quyển sách yêu thích, và vòng phỏng vấn trực tiếp, các thí sinh trình bày suy nghĩ, cảm nhận về văn hóa đọc; kế hoạch, sáng kiến để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn, các em đã gây bất ngờ cho ban giám khảo về sự thông thái, giỏi giang nhờ đọc sách.
Đã có 16 giải thưởng Đại sứ văn hóa đọc cho các thí sinh có ý tưởng sáng tạo, nội dung xuất sắc, tính khả thi cao và trình bày ấn tượng; 5 giải thưởng cho các trường có nhiều bài thi chất lượng nhất. Đó là những hạt mầm sẽ tạo nên những cánh rừng tri thức trong tương lai- tất cả bắt đầu từ việc ham đọc sách.
Bài và ảnh: Hoài Giang