Kinh tế châu Âu tăng trưởng ảm đạm

.

“Kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đang cho thấy khả năng phục hồi tốt, song những nguy cơ bên ngoài vẫn hiện hữu. EU nên thận trọng trước viễn cảnh Anh rời EU mà không có thỏa thuận trong bối cảnh Brexit đang bị đình trệ và không thỏa thuận nào được bảo đảm”. Đó là cảnh báo của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis khi EC vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khối trong năm 2019.

 Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Daily Express
Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Daily Express

Trong dự báo hằng quý, EC cho biết, tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay sẽ chỉ ở mức 1,2%, thấp hơn so với con số 1,3% được EC đưa ra vào tháng hai vừa qua; đồng thời cảnh báo nguy cơ nợ công của Italy tăng mạnh.

Theo EC, sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ đã tác động tiêu cực đến lòng tin toàn cầu. Do đó, tăng trưởng của Eurozone trong năm nay sẽ chỉ ở mức 1,2%. Trong khi đó, EC dự báo kinh tế EU, bao gồm cả Anh, sẽ tăng trưởng ở mức 1,4%, thay vì mức dự báo trước đó là 1,5%. Ông Valdis Dombrovskis cũng cảnh báo về tình trạng xung đột thương mại leo thang và nhược điểm của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, EC cũng cảnh báo nợ công của Italy sẽ lên mức kỷ lục là 133,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2019. Viễn cảnh này sẽ dẫn đến những bất đồng lớn hơn giữa EU và Italy về chính sách chi tiêu của Rome. Nợ công của Italy thậm chí được dự báo có thể tăng lên mức 135,2% của GDP trong năm 2020. Nếu như dự báo này xảy ra trong thực tế thì con số đó gấp đôi so với mức giới hạn 60% mà EU đặt ra.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba của EU đang quay lại mức tăng trưởng thấp vào đầu năm nay, sau khi bị suy thoái trong thời gian ngắn. Italy hiện là quốc gia tăng trưởng chậm nhất trong khối, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,2% của Eurozone trong năm nay. EU cũng hạ dự báo tăng trưởng của Italy trong năm nay từ mức 0,2% xuống 0,1%. Việc điều chỉnh các dự báo cho thấy xu hướng tăng trưởng ảm đạm của Eurozone.

Trong khi đó, “sức khỏe” của nền kinh tế Đức cũng là một mối quan ngại đối với EU, khi nhu cầu của Trung Quốc đối với ô-tô nhập khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, EU tin tưởng tăng trưởng kinh tế Đức sẽ tăng mạnh từ mức 0,5% trong năm 2019 lên mức 1,5% trong năm 2020. Trong số những nền kinh tế lớn khác của EU, Ba Lan và Tây Ban Nha được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn các nước láng giềng. Trong khi đó, Bỉ, Pháp và Italy sẽ chi tiêu mạnh trong năm 2019, với mức nợ gần hoặc trên 100% GDP.

Sự giảm tốc của kinh tế Eurozone có dấu hiệu ngừng lại khi Cơ quan thống kê EU - Eurostat công bố số liệu sơ bộ cho hay, kinh tế khu vực này trong quý 1-2019 tăng trưởng 0,4% so với quý trước đó, gấp đôi con số của quý 4-2018.

Một trong những điểm sáng của kinh tế Eurozone hiện nay là thị trường việc làm. Trong tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này đã giảm xuống 7,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2008. Bất chấp số liệu tăng trưởng kinh tế khả quan tính theo quý nói trên, kinh tế Eurozone vẫn tăng trưởng yếu hơn so với thời điểm trước khi bắt đầu tăng trưởng chậm lại từ giữa năm ngoái.

Theo số liệu của Eurostat, tính ở mức hằng năm, kinh tế Eurozone gồm 19 thành viên trong quý 1-2019 tăng trưởng ở mức 1,2%. Sau khi số liệu trên được công bố, các nhà kinh tế cảnh báo đà đi lên tích cực của kinh tế Eurozone trong quý đầu năm có thể không kéo dài.

Chuyên gia Jack Allen, thuộc Capital Economics, cho rằng không loại trừ khả năng kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng chậm đi trong quý 2-2019. Giống với nhiều khu vực khác trên toàn cầu, kinh tế Eurozone đã “loạng choạng” hồi năm ngoái, trước tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và sự thiếu chắc chắn liên quan đến tiến trình đàm phán rời EU của Vương quốc Anh.

Một khảo sát do công ty nghiên cứu dữ liệu IHS Markit có trụ sở ở London (Anh) công bố cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh ở Eurozone đang tăng ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, trong bối cảnh hai nền kinh tế “đầu tàu” là Pháp và Đức đều đang có phần trì trệ.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng cảnh báo các nguy cơ đối với tăng trưởng tại Eurozone khi cho rằng các chỉ số kinh tế hiện nay đều thấp. Cơ quan này sẵn sàng thúc đẩy thêm các biện pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nếu triển vọng tăng trưởng của khu vực này trở nên xấu hơn. Hiện nền kinh tế Eurozone đang đối mặt với những bất ổn do sự giảm tốc trong hoạt động thương mại toàn cầu, dù nhu cầu trong nước vẫn mạnh. ECB có thể đối phó với lạm phát thấp hơn dự đoán bằng cách điều chỉnh thời điểm tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông Mario Draghi cũng bày tỏ sự lạc quan khi nói rằng ít có nguy cơ xảy ra suy thoái ở khu vực này.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.