Chiều tháng tư, gió sông Hàn thổi nhẹ. Ngưỡng mộ nhà văn Chu Lai đã lâu nhưng nay tôi mới có dịp tiếp chuyện khi ông ghé thăm Đà Nẵng. Mái tóc phiêu bồng được ông cắt ngắn sau hồi bị tai nạn giao thông. Nhâm nhi ly cà-phê bên sông, tác giả cuốn tiểu thuyết “Mưa Đỏ” trầm ngâm trải lòng về nơi ông từng mang nhiều duyên nợ.
Nhà văn Chu Lai (người đội mũ) trò chuyện cùng tác giả bên sông Hàn. Ảnh: Hoàng Xuân Phú |
Nhà văn Chu Lai vốn là chiến sĩ đặc công nước Rừng Sác, chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Vợ ông - Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng - mới là người hiến trọn tuổi thanh xuân cho mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhắc đến Chu Lai, người đọc không thể quên được những trang viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Văn cũng như người, ở Chu Lai luôn có cá tính chân thành, bộc trực. Vì thế, khi nói về Đà Nẵng, ông chẳng ngại nêu quan điểm: “Đà Nẵng chưa đến mức thành phố đáng sống như người ta ca tụng.
Nhưng đối với tôi, Đà Nẵng vẫn là nơi nên đến để thụ hưởng cuộc sống”. Và trên thực tế, một vài năm, ông lại đến Đà Nẵng một lần. Thậm chí năm 71 tuổi, ông còn chạy ô-tô từ Hà Nội chở vợ đi thăm chiến trường xưa, đến tận nơi bà từng sống, chiến đấu như: Trà My, Quế Sơn… Với những người viết văn, đi - đến - sống và cảm nhận luôn có sự nhạy cảm, để từ đó mới hình thành nên được những nhân vật mang hồn cốt của vùng đất mà nhà văn từng đi qua.
Chậm rãi nhìn những giọt cà-phê tí tách rơi, nhà văn Chu Lai trầm ngâm như nói với chính mình: “Miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, thiên nhiên đã cho rất nhiều nhưng cũng lấy đi không ít. Thiên tai, bão lụt có năm dữ dội, triền miên, đòi hỏi cộng đồng phải chung sức sẻ chia. Có lẽ vì vậy nên đã hình thành trong con người nơi đây những đức tính chân thành, trung thực”.
Là nhà văn chuyên viết về chiến tranh, ông cũng không quên nhắc lại sự kiện ngày 8-3-1965, những tên lính Mỹ đầu tiên đặt chân đến miền Nam Việt Nam chính tại Đà Nẵng. Ông chiêm nghiệm: “Chiến tranh liên miên đã để lại nơi đây những kỷ lục đau thương. Không ai tự hào khi nhắc đến số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ nhiều nhất cả nước, nhưng qua đó càng đậm chất nhân ái của người miền Trung.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều cựu binh ở bên kia chiến tuyến nay quay về thăm Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhân dân đã gác lại quá khứ, xóa bỏ thù hằn để xây dựng quê hương”. Ngay chính bản thân nhà văn, ông cũng từng có một kỷ niệm không quên.
Chuyện là hồi cuối năm Mậu Tuất 2018, trong chuyến về thăm Quảng Nam, ông bị tai nạn giao thông phải đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Khi đó, dù không có ai là người thân thích, không tiền bạc mang theo nhưng đội ngũ các y, bác sĩ ở đây đã tận tâm cứu chữa. Mãi sau này tỉnh lại, mọi người mới biết ông là nhà văn Chu Lai, tác giả của cuốn sách nhiều người từng gối đầu giường một thuở - Ăn mày dĩ vãng.
Gắn bó với thành phố “đầu biển cuối sông” đã nhiều năm, nhưng có lẽ cơ hội đến với Đà Nẵng đối với nhà văn Chu Lai là không bao giờ thừa. Vừa gặp ông đầu tháng tư, ông đã hẹn sang tháng 5 ông sẽ lại vào. Tôi hứa sẽ đưa ông đi chơi bằng xe gắn máy, chạy lòng vòng phố thị, ngồi lai rai trên con đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Biết đâu một ngày nào đó, đêm Đà Nẵng diệu kỳ sẽ có trong trang viết của ông, một nhà văn lớn trong văn học cách mạng Việt Nam.
NGUYỄN SỸ LONG