Bạn về thăm quê, đăng một vài bức ảnh chụp ngõ quê lên trang cá nhân với dòng trạng thái “ngõ xưa còn đó, người xưa đâu rồi?”. Nhìn lối nhỏ xưa lá rụng đầy bỗng xôn xao cả một khoảng trời ấu thơ bé dại.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Con ngõ ấy, nơi có những bụi tre xao xác mùa hè, nơi những dãy đại bi dài giăng mắc những dải tơ hồng vàng óng. Để những đứa con gái nhỏ bé đầy mơ mộng chúng tôi kết tơ hồng đội lên đầu làm cô dâu, mộng mơ về một chàng hoàng tử đón đưa trong cổ tích.
Con ngõ bằng đất ấy là vương quốc của tuổi thơ chúng tôi, cho những cậu bé trai chơi khăng, bắn bi; cho những cô gái nhỏ nhảy dây, đánh đáo. Những bàn chân bé nhỏ chạy nhảy suốt những trưa hè không ngủ. Những bàn chân đất đi đi lại lại khiến con ngõ mòn lối phẳng lì.
Nơi đó, vào những trưa hè tôi và cô bạn hàng xóm trải lá ngồi chơi, xé những manh áo cũ may quần áo cho búp bê. Những con búp bê được cuộn bằng rơm, bằng vải, bằng cả những tàu dọc mùng nhưng vô cùng dễ thương ngộ nghĩnh. Bạn từng nói sau này ước được trở thành cô thợ may để may những chiếc áo hoa thật xinh thơm mùi vải mới. Bàn tay bạn khéo lắm, bởi vốn mồ côi, sớm làm quen với kim chỉ khi tự may chiếc cúc áo rơi hay góc quần tuột chỉ. Ước mơ bình dị khi xưa của bạn không có được, bạn nay tha phương ở thành phố phồn hoa, nặng trĩu nhọc nhằn với nỗi lo cơm áo.
Nơi ấy là nơi chị em tôi sáng sáng ngồi ở ngõ ngóng mẹ vào những buổi chợ phiên. Chỉ cần thấy mẹ xách chiếc làn nhựa từ xa xa là kéo nhau ùa đến. Đứa nào đứa nấy mừng tíu tít khi được mẹ cho vài chiếc bánh đa bẻ chia nhau. Hiếm hoi những lần được mẹ mua về cho bộ quần áo hoa để trong giấc mơ vẫn còn ve vuốt.
Nơi ấy cũng là nơi mà những buổi chiều chạng vạng chị em tôi ngồi ngóng mẹ về. Mỗi chiều, khi hoàng hôn buông lơi, sau khi đun rơm nấu cơm khói cay xè mắt, hai chị em thơ thẩn nơi đầu ngõ, dùng que vẽ đủ thứ nhăng nhít lên nền đất. Rồi khi thấy bóng người từ xa xa với đôi quang gánh trên vai, lòng bỗng vô cùng hân hoan nhẹ nhõm.
Lối ngõ ấy cũng là nơi anh đứng chờ mỗi lần hò hẹn tuổi mười tám khi xưa. Là nơi bịn rịn những cái nắm tay, là nơi tôi lau nước mắt xót thương cho mối tình đầu vụng dại. Còn nhớ bông hồng anh cài nơi cánh cổng sắt hoen rỉ ngày nào, ấy là bông hồng cuối cùng anh tặng tôi, bởi sau đó tôi vô tình nhìn thấy anh sánh đôi cùng với một cô gái khác.
Người ta nói, nếu anh phân vân giữa hai người thì hãy chọn người đến sau, vì nếu anh yêu người đến trước thì đã chẳng dây dưa thêm người nữa. Tôi đã xa anh nhẹ nhàng như thế, như mưa bóng mây chợt đến chợt tan giữa ngày hè. Cũng không quá khổ đau bởi những thứ không thuộc về mình. Chỉ là có đôi khi xa quê trở về, lần khần nơi con ngõ ấy bỗng nhớ về một hình dung. Có những chuyện xảy ra trong đời, dù không cố tình nhớ nhưng đôi khi vẫn vấn vương khiến tâm can xáo động.
Tôi nay xa quê, bàn chân bôn ba khắp các con đường quen lạ. Nơi những con phố ồn ào, nơi những lối nhỏ quanh co đầy ngõ hẻm, đôi khi vẫn khát khao nhìn thấy một dáng hình thân thương. Những con ngõ có tên phố tên đường dẫu sáng tối nào cũng đi qua nhưng chẳng có chút gì thân thương mong nhớ. Bởi vì nó không in dấu những kỷ niệm, bởi vì đó không là nơi năm tháng tuổi thơ tôi đi qua.
Tôi không còn là tôi của ngày xưa, không còn thơ ngây vụng dại, không còn tóc xanh mắt biếc. Tôi đã lớn lên từ những bình yên, từ những trò trẻ con nhí nhố nhưng lại trưởng thành bởi những ồn ào bon chen ngoài kia. Thời gian qua đi, mọi thứ đều đã đổi thay, chỉ có lối về nhà vẫn còn nguyên như thuở nhỏ. Vẫn là con đường ấy, những hàng cây ấy với bao kỷ niệm yêu thương.
Tuổi thơ của mỗi chúng ta, ai chẳng có một nơi chốn muốn trở về, nơi ghi dấu một thời để yêu và một thời để nhớ. Như hôm nay, ngồi nhìn ngắm bức ảnh của bạn thân chụp con ngõ nơi xóm nhỏ, môi chợt khẽ hát lên một câu hát cũ “Lối cũ ta về, dường như nhỏ lại. Trời xanh xanh mãi, một màu ấu thơ”.(*)
LÊ GIANG
(*) Lời trong bài hát Lối cũ ta về của nhạc sĩ Thanh Tùng