Những kỷ niệm đầy tự hào

.

Đã hơn 7 năm trôi qua kể từ ngày tham gia “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” (từ ngày 4 đến ngày 23-10-2011), song, những cảm xúc, những kỷ niệm đầy tự hào vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi thanh niên Đà Nẵng vinh dự được tham gia chuyến hải trình đặc biệt năm ấy.

Tập thể Trung đội 4 chụp hình lưu niệm trên tàu HQ 996.  (Ảnh: Anh Dương Đình Cường cung cấp)
Tập thể Trung đội 4 chụp hình lưu niệm trên tàu HQ 996. (Ảnh: Anh Dương Đình Cường cung cấp)

Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2011), Trung ương Đoàn phối hợp với Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức chương trình “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển”. Tham gia hành trình gồm 148 đại biểu là lãnh đạo Trung ương Đoàn, lãnh đạo Quân chủng Hải quân, cán bộ, đoàn viên thanh niên tiêu biểu, cựu chiến binh tàu không số, phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ, chuyên gia và cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân.

Anh Dương Đình Cường, Phó Văn phòng Thành Đoàn Đà Nẵng nhớ lại, sáng 5-10, cả đoàn làm lễ dâng hương tại bến K15 Hải Phòng. Chiều hôm đó, con tàu HQ 996 (thuộc Vùng 4, Quân chủng Hải quân) bắt đầu chuyến hải trình tại bến K20. Qua những dừng chân từng làm nên huyền thoại bất tử của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển: Bến Sông Gianh (Quảng Bình), bến Sa Kỳ (Quảng Ngãi), bến Vũng Rô (Phú Yên), bến Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu), bến Thạnh Phong (Bến Tre), bến Vàm Lũng (Cà Mau) và kết thúc hành trình tại Lữ đoàn 125 - Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh).

Cùng với đó là rất nhiều những hoạt động trên tàu như: chương trình “Người lính và cây đàn guitar”, giao lưu với các chiến sĩ hải quân, giới thiệu phương pháp định vị và hoa tiêu cho tàu trên biển, giới thiệu phương pháp và kinh nghiệm dự báo thời tiết,… cũng như các hoạt động tại mỗi điểm dừng như: tham gia Ngày hội vì biển đảo quê hương; tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ, viếng mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, tham quan di tích chùa Thiên Ân (Quảng Ngãi); tham quan các di tích của tàu không số (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Anh Cường chia sẻ: “Chuyến hành trình đã để lại cho bản thân tôi nhiều cảm xúc đặc biệt vì được đi qua con đường huyền thoại, được cảm nhận một thời oanh liệt của các chiến sĩ tàu không số. Dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chiến sĩ tàu không số vẫn vượt qua, vận chuyển thành công hàng trăm nghìn tấn vũ khí, lương thực và thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó bản thân tôi cũng cảm thấy rất tự hào khi được tham gia chuyến hành trình đặc biệt này. Chuyến hành trình đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa. Tôi được nhìn thấy biển đảo và biển trời quê hương, được đến nhưng địa danh đã ghi dấu chiến công lừng lẫy của những con tàu không số một thời”.

Đồng thời, qua chuyến đi, anh Cường học được từ các cựu chiến binh tàu không số nhiều bài học quý báu như luôn có một niềm tin, sống lạc quan dẫu phải gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là sự biết ơn lớp lớp chiến sĩ đoàn tàu không số đã hy sinh xương máu vì ngày độc lập của đất nước.

“Trong chuyến đi tôi đặc biệt ấn tượng với hai bác cựu chiến binh là bác Nguyễn Đắc Thớ và bác Nguyễn Thanh Tâm (ngụ huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hai bác ấy đã chia sẻ với chúng tôi về cách chống say sóng biển, kể chúng tôi nghe về những chuyến đi gặp thời tiết xấu, rồi những chuyến không tiếp cận được bến phải quay ra cửa biển chờ trời tối mới vào lại”, anh bồi hồi nhớ lại.

Còn anh Đỗ Đức Tình, chuyên viên Văn phòng Liên đoàn Lao động Đà Nẵng đặc biệt ấn tượng với người cựu chiến binh tàu không số Nguyễn Văn Với (quê Hải Phòng). Đây cũng chính là người cựu chiến binh mà anh Tình đã tiếp xúc và trò chuyện nhiều nhất trong suốt chuyến hành trình.

Anh Tình chia sẻ: “Nhìn vào bác Với, tôi cảm nhận được rõ nét về hình ảnh của một người từng xông pha trong mưa bom, bão đạn; khi về đời thường thì rất gần gũi, giản dị. Hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn sáng ngời trong bác như: dậy sớm tập thể dục, ngăn nắp, gọn gàng, chỉnh tề, tuân thủ giờ giấc tập trung họp tàu, các buổi sinh hoạt, giao lưu vẫn rất đảm bảo...”.

Cũng như anh Cường, anh Tình luôn cảm thấy tự hào khi được là một trong những thanh niên Đà Nẵng được tham gia chuyến hải trình. “Một hành trình để lại cho tôi nhiều cảm xúc cùng niềm tự hào dân tộc, lòng kính trọng, nể phục đối với các thế hệ thanh niên Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm khi được giao lưu, trò chuyện trực tiếp cùng những người lính tàu không số năm xưa, được nghe các bác kể về những khó khăn gian khổ khi đi trên biển, những trận đánh oanh liệt”, anh Tình bộc bạch.

Bên cạnh đó, thông qua chuyến hành trình, anh Tình còn học được rất nhiều điều phục vụ công tác. Đó là sự tận tuỵ với công việc; một lòng một dạ sắt son, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích chung của tập thể, của quốc gia, dân tộc, tuyệt đối trung thành, khi nhận nhiệm vụ thì luôn hoàn thành và hoàn thành tốt nhất có thể.

Thời gian sẽ dày lên theo năm tháng, song không thể làm mờ đi những kỷ niệm và  cảm xúc trong những con người như anh Cường, anh Tình hay những công dân Đà Nẵng đã vinh dự tham gia trên chuyến hành trình năm ấy.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.