“Văn học - nghệ thuật không phải là công cụ mà cần là những đỉnh núi. Đỉnh núi ấy mời gọi người ta trèo lên, khám phá, để nâng tầm địa phương, nâng tầm dân tộc”.
Đó là quan điểm của nhà văn Nguyễn Nhã Tiên trong câu chuyện về văn học Đà Nẵng. Theo ông, cái thiếu của hoạt động văn học Đà Nẵng, đặc biệt văn học trẻ, hiện nay chính là khát vọng. Không có khát vọng thì thật khó để văn học trẻ mơ về những “đỉnh núi”.
Hội nghị Nhà văn trẻ Đà Nẵng mở rộng được tổ chức lần đầu tiên năm 2017 được coi là một trong những hoạt động mới, bổ ích quy tụ các sáng tác trẻ. (Ảnh: Hội Nhà văn cung cấp) |
Sở dĩ bài viết này mở đầu với phần chia sẻ của cây bút “có nghề” (lời của nhà thơ Thanh Quế) Nguyễn Nhã Tiên như vậy, bởi chia sẻ ấy đã gọi tên thẳng thắn và rất trúng vấn đề văn học trẻ Đà Nẵng đã và đang trải qua.
Tại sao những cây bút U40 vẫn được coi là những nhà văn trẻ của Đà Nẵng? Và vớt đến U40 rồi, nhưng điểm danh những nhà văn trẻ nhất trong Hội Nhà văn thành phố ấy cũng chỉ chưa hết 10 đầu ngón tay. Trong những cây bút trẻ được ghi nhận là đang viết (chưa đến 10 đầu ngón tay ấy), thì có người, cũng đến 2, 3 năm đã rời bàn viết.
Cây bút trẻ Hạo Nguyên được đánh giá là viết khỏe, có chất, thành thật nói rằng anh khá ngần ngại khi được giới thiệu trả lời phỏng vấn, bởi đã 3 năm rồi anh không sáng tác nữa. Mặt khác, tác giả của tập truyện Lời nguyền bẫy đêm cũng cho rằng, trẻ là phải dưới 30 tuổi, trên 30 tuổi thì đã bắt đầu chín rồi.
Với độ chín của mình, Hạo Nguyên cho rằng những người viết có thể chia thành một số nhóm: Một là viết để kiếm sống, như một cái nghề. Đối với họ, chỉ cần tác phẩm chấp nhận được là được, họ không đau đáu về những điều như là cách tân hay (tác phẩm) phải chạm đến điều gì đó. Hai là, viết để thỏa đam mê. Đối với nhóm này, họ cháy như những ngọn lửa và sớm tắt khi nguồn cung cấp năng lượng đã hết. Ba là viết như một sự thôi thúc giãi bày, một cách tự - sự - cái - tôi với thế giới. Những người này có thể viết ít, nhưng có chất. Cũng có những người là tổng hợp của 3 nhóm trên. Được như vậy họ sẽ thành nhà văn chuyên nghiệp.
Chính vì có sự phân nhóm như vậy nên không hẳn ai viết cũng có tâm thế cô đơn. Có thứ văn chương lặng lẽ và cũng có thứ văn chương hội hè. Có thứ văn chương như tiếng thở dài của cái tôi thầm kín thì cũng có thứ văn chương đám đông huyên náo. Có người lấy cái bản thể của mình, lấy tâm hồn mình làm nguồn sáng tác, cũng có người lấy bộn bề cuộc sống làm đề tài. Không phải ai cũng cô đơn khi sáng tác (có những tác phẩm khi đọc, ta dễ dàng hình dung tác giả không hề cô đơn khi sáng tạo, và sự cô đơn đôi khi cũng là giả tạo). Và nếu có cô đơn thì cũng không ai giống ai.
Khi một người viết thành tâm với chữ của mình thì anh ta sẽ ở trong tâm thức của sự cô độc. Cô đơn thì ủy mị. Cô độc sẽ đủ đầy. Một mình mình đã là một thế giới. Vì vậy, không cứ phải về nơi thôn dã hay rừng vắng thì bạn mới có thể cô độc. Một mình giữa đám đông bạn vẫn cô độc. Khi nội tại người viết không có nội lực tinh thần thì có nhốt suốt ngày trong hang sâu cũng không cô độc, mà cùng lắm chỉ chạm đến cô đơn. Vì vậy, ta bắt gặp nhiều tác phẩm văn chương than khóc, kể lể về cái tôi ủy mị. Sự cô độc của người viết, tự nó đã làm nên giá trị cho tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào, nguyên Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Đà Nẵng cũng cho rằng, văn học trẻ Đà Nẵng đang có sự “đứt gãy” trong sự tiếp nối của văn học Đà Nẵng, các tác giả hầu như rất ít viết. Theo nhà văn Anh Đào, sự đứt gãy hay trũng của văn học trẻ hiện nay một phần cũng có thể coi là lẽ tự nhiên, là kết quả tất yếu của sự tác động từ xã hội hiện tại. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa chúng ta phó mặc. Những cây bút trẻ rất cần được quan tâm, chăm chút của những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm. “Sự chăm chút ấy không phải lúc nào cũng là kinh phí. Nhiều cách có thể khích lệ sáng tác trẻ mà tiền bạc không phải là vấn đề”, nhà văn Anh Đào nêu ý kiến.
Tài năng cần được nuôi dưỡng đúng cách
Trở lại với nhà văn Nguyễn Nhã Tiên, cây bút kỳ cựu này cũng cho rằng, đối với nghệ thuật không thể thiếu những năng khiếu thiên bẩm. Và, không có một trường lớp, sự nuôi dưỡng nào có thể tạo ra những thiên bẩm ấy. Tuy nhiên, những chồi lộc bẩm sinh dù mạnh và giàu có đến đâu, nếu không có mảnh đất màu mỡ thì rất khó để trưởng thành, phát triển, ra hoa kết trái, nếu không nói cũng có thể lụi tàn. Khát vọng chính là “nhân”, là “nhụy” của mảnh đất màu mỡ ấy.
Khát vọng không chỉ của những cây viết trẻ mà còn là khát vọng của người cầm trịch, của tổ chức, đơn vị liên quan. Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên thẳng thắn chỉ ra những chỗ “thiếu” trong khát vọng dựng xây một nền văn chương thực sự trên mảnh đất này. Đó là sự thiếu khát vọng nâng tầm thực sự của tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản. Thực tế, có những tác phẩm văn nghệ đáng được điểm 8, 9 nhưng phải xếp hàng sau những 4, 5, vì nể nang, vì một sự tồn tại chỉ để mà tồn tại nào đó. Đó là những khát vọng phải xếp sau hoặc dập vùi bởi những bộn bề áo cơm...
Không phủ nhận những nỗ lực của Hội Nhà văn thành phố, những hội, đoàn thể địa phương, song, nhà văn Nguyễn Nhã Tiên tha thiết mong các hoạt động của những hội, đoàn thể này không nên chỉ dừng lại kiểu xuân thu nhị kỳ, rộ lên rồi lặng lẽ qua đi, trôi tuột. Cần quan tâm rốt ráo đến việc thu được gì sau đó, cái gì đọng lại - là tác phẩm, là những cây bút nào cần được chăm chút, chăm chút bằng cách nào...
Một số ý kiến khác lại cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng văn học trẻ yếu như hiện nay một phần xuất phát từ sự thay đổi trong thói quen của những cây viết trẻ, mới. Mặc dù điều kiện xuất bản cũng như các phương tiện, hình thức xuất bản tác phẩm văn học thuận lợi, phong phú, nhưng các tác giả trẻ hầu như ít quan tâm chú trọng việc xuất bản tác phẩm qua các nhà xuất bản chính quy, truyền thống mà say mê, nhạy bén với việc xuất bản, phổ biến tác phẩm trên mạng xã hội.
Do sự lan tỏa chia sẻ ngay lập tức đôi khi rất “hot”, rất sôi động và cũng nhiều trường hợp thành công, nhất là sự hấp dẫn mạnh mẽ do tính cập nhật phổ biến toàn cầu của mạng xã hội. Vì vậy, nhiều tác giả trẻ có tài, năng nổ đã mở rộng phổ biến, xuất bản tác phẩm của mình ra các trang văn học mạng, các nhà xuất bản nước ngoài.
Nhưng ngoài những mặt hấp dẫn kể trên, việc trình làng các “tác phẩm” trên mạng có đặc trưng ngẫu hứng, tự do, đôi khi khá tùy tiện, tràn lan, thiếu sự chọn lọc công phu, gây nên sự thiếu nghiêm túc và cả sự bão hòa, nhàm chán ở bạn đọc! Nên chăng, các tác giả trẻ cần dừng lại, chú trọng in ấn, xuất bản tác phẩm theo cách xuất bản truyền thống - xuất bản sách giấy - tại các nhà xuất bản có uy tín để việc phổ biến và đánh giá những tác phẩm văn học chính quy, chọn lọc và có hệ thống bài bản hơn. Việc đóng góp tác phẩm và hoạt động văn học, theo đó, dễ được các nhà phê bình văn học có điều kiện tìm đọc và chính thức ghi nhận hơn…
“Vấn đề tiếp nối thế hệ, trẻ hóa đội ngũ không chỉ được đặt ra đối với Hội Nhà văn mà còn đặt ra đối với nhiều chuyên ngành nghệ thuật, nhất là các chuyên ngành mà thanh sắc là yếu tố quan trọng như Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Điện ảnh - đòi hỏi diễn viên không chỉ phải trẻ mà còn phải… đẹp. Hội Nhà văn mặc dầu không đối mặt với yêu cầu về thanh sắc của người làm thơ/ viết văn và viết lý luận phê bình đến mức ấy, bởi tuy chưa phổ biến nhưng không quá cá biệt các trường hợp một số nhà văn/ nhà thơ/ nhà nghiên cứu phê bình văn học bắt đầu cầm bút và thành danh ở độ tuổi không còn trẻ nữa, thậm chí có trường hợp đã… lên lão. Thế nhưng vấn đề tiếp nối thế hệ, trẻ hóa đội ngũ vẫn đang là một thách thức đối với Hội Nhà văn. Lực lượng sáng tác trẻ của Hội Nhà văn khá mỏng, thể hiện qua số lượng hội viên Hội Nhà văn và số lượng cộng tác viên của tạp chí Non Nước nói riêng, cũng như qua số người xuất hiện trên văn đàn nói chung, sinh trong các thập niên 1980, 1990 rất ít (theo quy định của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2011, những tác giả đi dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc phải là những người ở độ tuổi 35 trở lại). Giải pháp cơ bản để làm “dày” lực lượng sáng tác văn chương kế cận này là phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tổ chức Trại sáng tác Văn học thiếu nhi hè hằng năm (do Liên hiệp Hội và Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp tổ chức) theo hướng “thâm canh” - mỗi năm có thể có những học sinh lần đầu tham gia trại nhưng cũng có thể là “người cũ” từng tham gia trại ở các năm trước. Giải pháp nữa là tạp chí Non Nước cần tạo điều kiện để quảng bá tác phẩm của những người Đà Nẵng viết văn trẻ, cũng như tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ…” Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng |
Thanh Tân