500 năm sau cái chết của họa sĩ bậc thầy người Ý Leonardo da Vinci, thị trấn Thung lũng Loire Valley, nơi Leonardo đã sống 3 năm cuối đời đã tổ chức các buổi lễ cấp cao nhất để kỷ niệm cuộc đời ông.
Trong số các nhân vật tham dự các sự kiện có kiến trúc sư người Ý Renzo Piano, phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet, nhà sử học Stephane Bern, một nhân vật truyền hình nổi tiếng của Pháp; đặc biệt là sự tham dự của Emmanuel Macron, Tổng thống nước Pháp.
Ngôi mộ của họa sĩ và nhà khoa học phục hưng người Ý Leonardo da Vinci được đặt trong khuôn viên lâu đài Chateau d’Amboise. |
Họ tập trung tại lăng mộ Leonardo, một ngôi mộ khiêm tốn trong nhà nguyện của lâu đài Amboise, nơi chứa hài cốt được cho là của Leonardo, sau đó sẽ đến thăm ngôi nhà Clos Lucé của ông gần đó, nơi ông qua đời vào ngày 2-5-1519.
Lâu đài Château du Clos Lucé, gọi đơn giản là Clos Lucé, là một công trình lớn nằm ở trung tâm của Amboise, vùng Center-Val de Loire, được xây dựng vào năm 1471 và qua tay một số sở hữu chủ nổi tiếng như vua Pháp Charles VIII và họa sĩ, nhà khoa học Leonardo Da Vinci.
Lâu đài d’Amboise trên bờ sông Loire, Pháp. Tranh Mona Lisa của Leonardo (góc phải). |
Vua Charles VIII đã mua tòa nhà này từ Etienne Le Loup vào năm 1490 và nó được biết đến với cái tên “ngôi nhà mùa hè”, nơi ở của hoàng gia Pháp. Sau vài thập kỷ, vua Francis I đã dành riêng tòa nhà này cho Leonardo da Vinci khi ông được mời đến sống ở Pháp vào năm 1516. Họa sĩ Leonardo sống những năm cuối đời trong ngôi nhà này.
Nhờ các chủ sở hữu lừng lẫy của nó, lâu đài nay được xếp hạng là một di tích lịch sử. Sau năm 1855, lâu đài trở thành một bảo tàng nổi tiếng về cuộc đời, công việc và ký ức của Leonardo da Vinci.
Tổng thống Ý Sergio Mattarella (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giữ bức tượng bán thân của họa sĩ và nhà khoa học người Ý Leonardo da Vinci nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci, vào ngày 2-5. |
Lễ kỷ niệm chung diễn ra sau nhiều tháng gây căng thẳng ngoại giao giữa Paris và Rome về các chính sách cứng rắn của chính phủ Ý và sự ủng hộ của họ đối với người biểu tình “áo vàng” chống chính phủ Pháp. Lễ kỷ niệm cũng làm gia tăng căng thẳng đối với các tác phẩm của Leonardo thuộc sở hữu của Pháp sau khi Bộ trưởng Nội vụ cực hữu của Ý Matteo Salvini nói rằng kiệt tác Mona Lisa nên được đưa về Rome.
Sau chuyến thăm tới lâu đài ở Amboise nơi họ đặt vòng hoa tại mộ của da Vinci, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Mối liên kết giữa các quốc gia của chúng tôi và công dân của chúng tôi là không thể phá hủy”.
Khi da Vinci đến Pháp vào năm 1516, vua François I gần như không còn ở tuổi thiếu niên nhưng ông vẫn tiếp tục thực hiện theo tôn chí của người tiền nhiệm Louis XII, trong việc “chiêu mộ” các kiến trúc sư và nghệ nhân từ Florence, Milan và Rome. Ông là người bảo trợ nghệ thuật phi thường, khởi xướng Phục hưng Pháp bằng cách thu hút nhiều nghệ sĩ người Ý làm việc tại lâu đài Château de Chambord, trong đó có Leonardo da Vinci.
Leonardo đã 64 tuổi khi ông chấp nhận lời mời của nhà vua trẻ Francis I đến Amboise, vào thời điểm mà các đối thủ Michelangelo và Raphael là những ngôi sao đang lên.
“Người chim” mô phỏng theo thiết kế của Leonardo da Vinci được trưng bày tại Amboise. |
Với tình trạng “đơn đặt hàng” đang thưa dần, thì lời mời của nhà vua Pháp như một sự giải thoát tuyệt vời và sự minh chứng không nhỏ cho nghệ sĩ xứ Tuscan, nước Ý. Leonardo da Vinci đã nhận được trợ cấp khá hào phóng đi cùng với danh hiệu “họa sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư đầu tiên của nhà vua”. Đến Pháp, ông mang theo một vài học trò triển vọng nhất kèm theo 3 bức tranh yêu thích của mình: Mona Lisa, Trinh nữ và trẻ em với Saint Anne và Saint John the Baptist.
Khi da Vinci qua đời, các bức tranh được treo trong Bảo tàng Louvre ở Paris.
Leonardo da Vinci (1452-1519), một nghệ sĩ và trí thức hàng đầu của thời Phục hưng Ý, nổi tiếng vì đã tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại. Bên cạnh việc là một nghệ sĩ tài giỏi, da Vinci còn là một nhà khoa học, kỹ sư và nhà phát minh hết sức phi thường với những phát minh hấp dẫn nhất như dù lượn, người chim, người máy, súng máy, nhạc cụ , bộ đồ lặn, xe tự hành, xe bọc thép, trực thăng.
Trước đây, có sự tranh luận giữa các nhà nghiên cứu về phát minh của chiếc dù, được ghi nhận là của Leonardo da Vinci. Một bản phác thảo của một chiếc dù hình kim tự tháp với một khung gỗ được vẽ bởi Leonardo xuất hiện trong một bản thảo của một tác giả vô danh. Hơn nữa, có bằng chứng về các thiết bị giống như dù được sử dụng ở Trung Quốc sớm nhất là vào thế kỷ thứ 11.
Tuy nhiên, chiếc dù Leonardo Leonardo tinh vi hơn và vào năm 2000, vận động viên nhảy dù người Anh, Adrian Nicholas đã chứng minh rằng nó hoạt động bằng cách nhảy với một chiếc dù được chế tạo theo bản phác thảo của da Vinci.
HOÀNG ĐẶNG (Theo Artdaily)